Doanh nghiệp tư nhân Gốm Bồ Bát (xã Yên Thành) hiện được nhiều người biết đến với những sản phẩm, mẫu mã đa dạng được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đặc biệt, năm 2015 bộ đồ gốm của doanh nghiệp đã được Bộ Công thương bình chọn và tôn vinh là sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tiêu biểu cấp quốc gia.
Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, ban đầu sản phẩm chỉ là những chiếc nhẫn, vòng đeo cổ, hình một số con vật... được làm bằng gốm, đến nay, cơ sở sản xuất đã phát triển mạnh với những sản phẩm đa dạng hơn như: ấm chén, lộc bình, chuông gió, tranh, đồ trang sức. Trung bình mỗi tháng, doanh nghiệp xuất xưởng hơn 20 nghìn sản phẩm, tạo việc làm cho hàng chục lao động, với mức lương bình quân từ 1,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về thành công của mình, anh Phạm Văn Vang, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Gốm Bồ Bát cho biết: Tôi đến với nghề gốm bằng niềm đam mê, nhưng niềm đam mê của tôi sẽ khó có thể thành công được như ngày hôm nay nếu không có sự trợ giúp tích cực từ những người thân trong gia đình và đặc biệt là chính quyền địa phương.
Tôi đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện về mặt bằng để mở rộng sản xuất, đồng thời được các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng quy mô... Đây chính là những yếu tố quan trọng để một thanh niên nông thôn như tôi khởi nghiệp thành công từ nghề truyền thống của ông cha.
Cũng như doanh nghiệp tư nhân Gốm Bồ Bát, hiện nay trên địa bàn huyện Yên Mô ngày càng có nhiều hộ kinh doanh cá thể vươn lên khẳng định mình (với 19.500 hộ kinh doanh cá thể, chiếm 62,5% tổng số hộ). Theo đánh giá của UBND huyện Yên Mô, kinh tế tư nhân đã và đang trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Điều này được thể hiện khá rõ qua những con số: Giá trị sản xuất khối kinh tế tư nhân chiếm 76% giá trị sản xuất toàn huyện, số lao động làm việc trong khối kinh tế tư nhân chiếm 82% số lao động toàn huyện. Yên Mô hiện có 12 làng nghề cấp tỉnh và 1 làng nghề truyền thống; 216 doanh nghiệp đăng ký hoạt động (trong đó có trên 120 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả)...
Đội ngũ doanh nhân khu vực kinh tế tư nhân của huyện ngày càng đông, thể hiện tính năng động, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao được uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp.
Hiện nay, toàn huyện có 6 doanh nhân đạt danh hiệu Nghệ nhân thủ công mỹ nghệ cấp tỉnh. Nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì người nghèo..., góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Phần lớn các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của huyện hầu hết đều do khối tư nhân làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, các đơn vị kinh tế tư nhân đã giải quyết việc làm với mức thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Và điều quan trọng là kinh tế tư nhân đã đóng vào ngân sách Nhà nước khá lớn. Không chỉ vậy, kinh tế tư nhân trên địa bàn huyện còn đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế; góp phần quan trọng trong việc huy động vốn, sử dụng các khoản tiền nhàn rỗi trong nhân dân.
Để đạt được kết quả trên, những năm qua, Yên Mô đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị số 20 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Cùng với đó, huyện đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư; nâng cao trách nhiệm, năng lực của cán bộ, công chức các cấp, nhất là cán bộ trực tiếp hướng dẫn, giải quyết các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tư nhân cũng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức được đầy đủ về tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc tuyên truyền, học tập chủ trương, Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân chưa được xem trọng ở một số cấp ủy, chi bộ cơ sở. Việc phát triển đảng viên trong khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa có đảng viên. Phần lớn các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn là các doanh nghiệp nhỏ, vốn tự có ít, chủ yếu sử dụng vốn đi vay (chiếm trên 80%).
Trình độ quản lý, kiến thức pháp luật của chủ doanh nghiệp, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân còn yếu. Nguồn nhân lực chất lượng cao trong các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân còn ít, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, mới đạt gần 30%; thu nhập của người lao động trong các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân còn thấp.
Anh Phạm Văn Vang, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Gốm Bồ Bát trăn trở: Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là diện tích của cơ sở còn chật hẹp, manh mún. Vì vậy, thời gian tới tôi mong muốn tiếp tục được các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm tạo điều kiện hơn nữa về nguồn vốn, mặt bằng cũng như có nhiều chương trình hỗ trợ đào tạo nghề, giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô; hướng tới phát triển thành làng nghề gốm Bồ Bát, không chỉ tạo việc làm cho lao động, tăng doanh thu cho doanh nghiệp mà còn phục vụ phát triển du lịch ở địa phương.
Với mục tiêu tiếp tục duy trì và phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, huyện Yên Mô đã đề ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.
Trong đó, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 300 doanh nghiệp và đến năm 2030 có ít nhất 700 doanh nghiệp. Huyện Yên Mô cũng phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân đạt trên 80% và đến năm 2030 khoảng 87%.
Với mục tiêu cụ thể trên, huyện Yên Mô đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đáng chú ý là các nhóm giải pháp: Cải cách thủ tục hành chính nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân.
Theo đó, huyện cam kết thực hiện đầy đủ, minh bạch các quy định của pháp luật về đảm bảo hoạt động và phát triển kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường và thúc đẩy tính tự chủ, cạnh tranh của kinh tế tư nhân.
Không biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ "lợi ích nhóm" dưới mọi hình thức. Đồng thời quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp. Đổi mới, sáng tạo, coi phát triển doanh nghiệp là then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội...
Mai Lan