Với nhiều cách làm hay, sáng tạo, đến tháng 12-2013, toàn huyện Yên Mô đã có 16/17 xã, thị trấn tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện công tác DĐĐT; 13xã đã tổ chức đào đắp thủy lợi nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng.
Điểm sáng Yên Thái
Chúng tôi về xã Yên Thái - một trong những xã được chọn làm điểm để thực hiện công tác DĐĐT, những cánh đồng của xã đã có nhiều thay đổi, những thửa ruộng to hơn và bờ vùng, bờ thửa được quy hoạch rộng rãi, khang trang, những tuyến kênh mương được cứng hóa hút tầm mắt.
Đồng chí Phạm Văn Hùng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Đảng ủy, UBND xã xác định nếu không thực hiện DĐĐT, đồng ruộng manh mún thì không thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp được, do vậy Ban chấp hành Đảng bộ xã rất quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ này.
Khi triển khai, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do tập quán canh tác và tư duy sản xuất của nông dân. Với trên 460 ha đất nông nghiệp, Yên Thái có tới 3 vùng sản xuất gồm vùng chuyên canh màu, vùng lúa chất lượng cao và vùng lúa+cá, trong đó vùng chuyên canh màu chỉ có khoảng 100 ha, do vậy dồn đổi làm sao để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các hộ dân là một việc phức tạp. Riêng việc tạo được sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và cách thức tổ chức thực hiện có những nơi phải tổ chức hàng chục cuộc họp với nhân dân. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, kiên trì kết hợp với làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến tận hộ dân, chỉ sau chưa đầy 1 năm, việc DĐĐT của xã đã cơ bản hoàn thành. Toàn xã đã vận động nhân dân đóng góp được 8 nghìn m2 ruộng và 920 triệu đồng để chỉnh trang đồng ruộng. Xã đã chỉ đạo các HTX nông nghiệp tổ chức đào đắp trên 24 nghìn m3 thủy lợi nội đồng (đạt 100% kế hoạch). Có 12/13 thôn, xóm đã tổ chức họp dân thống nhất đề án DĐĐT chi tiết và ghép ruộng cho các hộ tự nhận ở vùng khó khăn, đang hoàn thiện đề án chung của xã, dự kiến đến trung tuần tháng 12-2013 sẽ tổ chức bốc thăm, ghép ruộng giao cho nhân dân.
Ông Trịnh Văn Miền, Chủ nhiệm HTX Phú Trì, xã Yên Thái phấn khởi cho chúng tôi biết: Bà con nông dân mong chờ việc DĐĐT từ lâu rồi vì có DĐĐT thì giao thông, thủy lợi nội đồng mới được đầu tư mở rộng, máy móc mới được đưa vào, sản xuất thuận tiện hơn. ở HTX Phú Trì, trước kia có tình trạng ruộng của đội sản xuất này xen kẽ với ruộng của đội sản xuất kia nên việc quản lý, chỉ đạo sản xuất rất khó khăn. Khi tiến hành DĐĐT đợt này, chúng tôi tiến hành song song đổi lô giữa các đội sản xuất và giữa hộ với hộ để tạo nên những cánh đồng mẫu lớn, giao thông nội đồng thuận tiện nên dự kiến vụ sản xuất tới các khâu làm đất, thu hoạch đều có thể đưa máy móc vào, qua đó góp phần giải phóng sức lao động, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác.
Nếu như trước đây, mỗi hộ nông dân của xã Yên Thái có 9-10 thửa ruộng thì sau đợt DĐĐT này trung bình mỗi hộ dân chỉ còn 2 mảnh ruộng. Và theo tính toán của đồng chí Phạm Văn Hùng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã thì thời gian tới Yên Thái chỉ cần khoảng 1.000 lao động để sản xuất nông nghiệp, số lao động còn lại có thể chuyển dịch sang các lĩnh vực khác để có cơ hội nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Đẩy nhanh tiến độ
Với mục đích tiếp tục khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, tạo điều kiện để hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm có tính hàng hóa cao, nâng cao thu nhập cho người nông dân, năm 2013 công tác DĐĐT là nhiệm vụ trọng tâm của huyện Yên Mô nhằm tạo ra bước đột phát để xây dựng nông thôn mới. Tháng 3-2013, Huyện ủy Yên Mô đã ban hành Chỉ thị số 09 về việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác DĐĐT trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, huyện tập trung chỉ đạo làm điểm ở 6 xã gồm Yên Thắng, Yên Từ, Yên Phong, Khánh Thịnh, Khánh Dương và Yên Thái; mỗi xã chọn 1 HTX nông nghiệp làm điểm; các xã còn lại và thị trấn Yên Thịnh căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương lựa chọn đơn vị cơ sở để tổ chức chỉ đạo làm điểm. Năm 2014, sẽ tổng kết rút kinh nghiệm và tiến hành thực hiện DĐĐT trên phạm vị toàn huyện.
Để đạt được mục tiêu trên, UBND huyện yêu cầu các địa phương tập trung tốt cho công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa của công tác DĐĐT, đồng thờithực hiện thống kê diện tích, vị trí, hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp của từng hộ; diện tích đất chuyển nhượng, chuyển đổi, đất thu hồi theo quy định; thống kê nhu cầu sử dụng đất làm đường giao thông, thủy lợi; thống kê số hộ, diện tích cần điều chuyển; khoanh vùng và định ra hệ số để đổi ruộng; xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện DĐĐT, hoàn chỉnh hồ sơ địa chính…
Đến tháng 12-2013, đã có 16/17 xã, thị trấn tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện công tác DĐĐT; trong đó có 13 xã đang tiến hành chỉnh trang đồng ruộng, các xã đã triển khai đào đắp được 883 tuyến kênh mương, 2.663 tuyến giao thông nội đồng với khối lượng đào đắp được trên 1 triệu m3, đạt 89% kế hoạch. Có 9 xã đã hoàn thành xong công tác chỉnh trang đồng ruộng, còn 3 xã đang thực hiện quy hoạch hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng.
Do làm tốt công tác tuyên truyền nên công tác DĐĐT đã được bà con nông dân đồng thuận cao, đóng góp 150,2 ha đất và 41 tỷ đồng để hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Tiêu biểu như xã Yên Thắng, các thôn, xóm đã tổ chức họp dân, vận động nhân dân đóng góp 201 nghìn m2 đất và 3.307 triệu đồng. Xã Khánh Dương vận động nhân dân hiến 130 nghìn m2 và trên 300 triệu đồng. Nhân dân xã Khánh Thịnh đóng góp 75 nghìn m2 đất, trung bình mỗi khẩu góp từ 17-28m2 đất và khoảng 300-330 nghìn đồng/sào.
Sau khi chỉnh trang đồng ruộng, các xã cũng đã tiến hành đo đạc, cân đối diện tích trên bản đồ và ngoài thực địa, tổ chức giao ruộng cho thôn, xóm để tổ chức họp dân thống nhất đề án DĐĐT.
Để thực hiện tốt công tác DĐĐT, kịp thời giao ruộng cho nhân dân sản xuất, không làm ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông xuân 2014, huyện Yên Mô yêu cầu các xã tập trung chỉ đạo các thôn, xóm khẩn trương tổ chức họp dân để thống nhất đề án DĐĐT chi tiết. Với các xã đang triển khai đào đắp thủy lợi nội đồng cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo giao ruộng cho nhân dân trước ngày 20-12-2013.
Hà Phương