Xây dựng đường giao thông nông thôn được coi là một trong những tiêu chí nổi bật nhất ở Yên Mô. Mặc dù trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các phòng, ban, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tập trung tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nhờ vậy chương trình xây dựng nông thôn mới đã được đông đảo cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực góp công, góp của để chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, nâng cấp đường trục chính nội đồng. Toàn huyện đã có 9.613 hộ dân hiến 656.787 m2 đất (trong đó có 231.027 m2 đất xây dựng đường giao thông, 421.408 m2 đất xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng, 4.130 m2 đất xây dựng nhà văn hóa, 222,5m2 đất xây dựng công trình phúc lợi khác…) với trị giá trên 58 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2013, toàn huyện đã triển khai xây dựng 50,1 km đường giao thông nông thôn và 252,4 km đường nội đồng với khối lượng đào đắp trên 1 triệu m3. Hiện nay có 3 xã đã cơ bản hoàn thành tiêu chí về giao thông nông thôn là Yên Thắng, Yên Thái và Yên Hòa. Bên cạnh việc đầu tư cho hệ thống đường giao thông, trong năm huyện hoàn thành nhiều công trình trọng điểm, thiết yếu như: lắp đặt mới và nâng cấp 2 trạm điện; xây mới, nâng cấp 37 phòng học, 35 công trình phụ trợ trường, 2 phòng chức năng cho các trường từ mẫu giáo đến THCS; cải tạo 4 phòng làm việc, 3 công trình phụ trợ UBND xã; xây dựng 2 nhà văn hóa xã, 15 nhà văn hóa thôn, xóm; thực hiện cải tạo chỉnh trang các chợ đầu mối, hoàn thành nâng cấp chợ Cỗu, xã Khánh Dương, triển khai xây dựng chợ mới xã Yên Từ. Ngoài ra, các hộ dân cũng tự bỏ kinh phí nâng cấp, cải tạo 1.574 nhà ở dân cư, nâng tỷ lệ nhà ở dân cư đạt chuẩn của Bộ Xây dựng đạt 72%. Năm 2013, cùng với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, toàn huyện đã xóa được 84 nhà tạm, nhà dột nát… Có thể nói, những công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm thời gian qua đã làm bộ mặt nông thôn Yên Mô có một diện mạo mới, văn minh, hiện đại hơn.
Với tiêu chí, xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng các công trình hạ tầng cơ bản, mà quan trọng hơn cả là làm sao để đời sống người dân được nâng cao, nếp sống văn hóa, cảnh quan môi trường sạch đẹp. Chính vì thế, việc đẩy mạnh sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế luôn được huyện Yên Mô quan tâm thực hiện bằng các giải pháp cụ thể. Trong đó chú trọng việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường công tác khuyến nông, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Trao đổi với lãnh đạoPhòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô được biết: Thời gian qua, bên cạnh việc duy trì và tiếp tục vận động nhân dân các xã giữ vững truyền thống thâm canh cây lúa, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện đã tích cực hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, theo đó mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, nếp các loại đạt trên 50% diện tích gieo cấy. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất vụ đông trên đất hai lúa, từng bước hình thành những vùng chuyên canh màu với những mô hình sản xuất ngô ngọt, đậu tương rau, cà chua bi, dưa chuột bao tử… có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Chuyển đổi 214 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá có thu nhập đạt từ 90-120 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng phương pháp chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, thực hiện tốt công tác phòng trừ dịch bệnh. Nhờ vậy, hiện nay toàn huyện đã có 23 trang trại và 206 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với các đối tượng nuôi có giá trị như vịt chuyên trứng, gà thả vườn, bò lai sind, lợn nái ngoại...
Trong năm 2013, công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động tiếp tục được huyện Yên Mô quan tâm chỉ đạo. Toàn huyện đã tổ chức 13 lớp dạy nghề cho 710 lao động nông thôn, trong đó có 2 lớp tết bện lúa non, 1 lớp đan bèo, 4 lớp may công nghiệp, 2 lớp thêu ren, 2 lớp dạy nghề trồng nấm và 2 lớp dạy kỹ thuật chăn nuôi phòng trị bệnh cho gà với tổng kinh phí 624,7 triệu đồng, góp phần giải quyết được việc làm cho trên 3 nghìn lao động. Triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ cho hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, năm 2013, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện duy trì nguồn vốn vay Quốc gia giải quyết việc làm đối với 255 hộ gia đình, với tổng số vốn vay là 6.422 triệu đồng, tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm dần qua các năm.
Theo văn phòng điều phối nông thôn mới huyện Yên Mô, đến hết năm 2013, qua rà soát các tiêu chí, huyện Yên Mô có 1 xã đạt 15 tiêu chí là xã Yên Thắng; 1 xã đạt 11 tiêu chí là xã Yên Thái; 4 xã đạt 10 tiêu chí là xã Yên Từ, Khánh Dương, Yên Hòa, Khánh Thượng; 4 xã đạt 9 tiêu chí là Yên Phong, Khánh Thịnh, Yên Mỹ, Yên Hưng; còn lại 6 xã đạt 6-8 tiêu chí là Mai Sơn, Yên Thành, Yên Mạc, Yên Lâm, Yên Nhân, Yên Đồng. Trong thời gian tới, huyện Yên Mô đặt mục tiêu trong năm 2014, mỗi xã sẽ hoàn thành thêm từ 1-2 tiêu chí nông thôn mới, 5 xã giai đoạn I phấn đấu mỗi xã đạt thêm 3-4 tiêu chí và phấn đấu trong năm 2014-2015 có từ 1-2 xã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới.
Hà Phương