Ngay từ sáng sớm, nông dân xã Khánh Dương đã ra đồng làm đất, gieo cấy lúa đông xuân. Đang san ruộng, bà Bùi Thị Thủy (HTX Liên Dương) cho biết: Năm nay, chúng tôi làm nông nghiệp rất thuận lợi, đồng đất đã được quy hoạch lại nên toàn bộ diện tích được gieo thẳng. Vụ đông xuân 2016-2017, gia đình tôi thực hiện gieo thẳng toàn bộ gần 1 mẫu ruộng. So với cấy lúa, gieo thẳng nhàn hơn rất nhiều, đỡ công lao động, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Cái được lớn nhất ở phương pháp này là giải quyết được vấn đề thiếu lao động làm nông nghiệp. Hầu hết thanh niên, lứa tuổi đang còn ở độ tuổi lao động đều đi học, đi làm nhà nước, tư nhân hoặc làm công nhân ở các công ty tại các Khu công nghiệp. Như ở xóm tôi gần như chỉ có người già và một số chị em phụ nữ làm nông.
Do đó, mỗi khi đến vụ cấy hoặc gặt gia đình nào cũng nháo nhác đi thuê người. Từ ngày thực hiện dồn điền, đổi thửa thành công, đồng ruộng được quy hoạch bằng phẳng và áp dụng phương pháp gieo thẳng ở đầu vụ, dùng máy gặt ở cuối vụ thì sản xuất nông nghiệp đã trở nên nhàn hơn rất nhiều. Những gia đình neo người không còn lo thiếu lao động. Với 1 mẫu ruộng, máy móc đã cày bừa nhuyễn đất, gia đình tôi chỉ làm vài ngày đã xong, không phải thuê lao động.
Trao đổi với đồng chí Phạm Trọng Nguyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Mô, chúng tôi được biết: Vụ đông xuân năm 2016-2017, huyện Yên Mô có kế hoạch gieo cấy 6.615,2 ha lúa các loại. Với nhận định đây là vụ đông xuân ấm, nên để giành thắng lợi trong sản xuất, huyện đã tập trung chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt các biện pháp thâm canh, biện pháp kỹ thuật đã đề ra.
Trong đó, bố trí 100% diện tích gieo cấy trà xuân muộn. Lựa chọn các giống lúa ngắn ngày, mở rộng và chú trọng thâm canh diện tích lúa lai, lúa thuần chất lượng cao phù hợp với điều kiện đất đai của từng địa phương. Phấn đấu diện tích cấy lúa chất lượng cao, lúa nếp các loại chiếm 60% tổng diện tích với các giống LT2, Bắc thơm số 7, DQ11, HT1, Nếp 97….
Diện tích gieo cấy lúa lai, lúa cao sản chiếm 30% diện tích, cấy chân ruộng trũng (sử dụng các giống như: Nhị ưu 838, Phú ưu 1, Thục Hưng 6, GS9, CT16…). Còn lại cấy các giống lúa thuần như: KD18, Thiên ưu 8, KD28, Hoa ưu 109…
Các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch làm đất, xác định cụ thể vùng làm ải, vùng làm dầm với phương châm "ải phải nỏ, dầm phải ngấu", đảm bảo làm đất xong trước cấy 3-4 ngày. Công tác gieo mạ và xuống đồng gieo cấy đảm bảo đúng kế hoạch và khung thời vụ.
Vụ đông xuân năm nay, huyện vẫn khuyến khích các đơn vị thay đổi tập quán sản xuất cũ, mở rộng diện tích lúa bằng phương thức gieo thẳng nhằm tiết giảm các chi phí, công lao động và nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Để lúa gieo thẳng cho năng suất, sản lượng cao, bà con nông dân nên sử dụng các giống lúa lai vì bộ giống này có khả năng chịu rét tốt hơn, sinh trưởng và phát triển khỏe hơn so với các giống lúa chất lượng cao, giống lúa thuần.
Về mặt kỹ thuật thâm canh, làm đất phải kỹ hơn so với làm đất cấy lúa (đất tơi nhuyễn, phẳng và không để sướng quá lỏng); bón lót sâu, bón phân kết thúc sớm, bón cân đối NPK; ở giai đoạn kết thúc đẻ nhánh cần rút nước phơi ruộng từ 5-7 ngày, tạo điều kiện cho bộ rễ lúa ăn sâu, cứng cây, tăng khả năng chống đổ...
Gặp thời tiết rét đậm, rét hại dưới 15 độ C cần triển khai tốt các giải pháp chống rét, bảo vệ cho lúa như duy trì nước ở rãnh, đảm bảo mặt luống luôn đủ ẩm...Trước khi gieo thẳng nhất thiết phải phun thuốc trừ cỏ, tổ chức diệt chuột.
Tính đến ngày 7-2, toàn huyện đã gieo cấy được 3.379 ha lúa, đạt 51,1%, trong đó: Gieo thẳng 2.398,5 ha, lúa cấy 981 ha. Nhiều địa phương đã triển khai tốt và có diện tích lúa gieo thẳng chiếm tỷ lệ cao: Yên Từ, Khánh Thịnh, Yên Phong, Khánh Dương, Khánh Thượng, thị trấn Yên Thịnh...
Trong thời gian tới, huyện Yên Mô tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn nghiêm túc triển khai lịch thời vụ và các biện pháp kỹ thuật sản xuất vụ đông xuân, phấn đấu gieo cấy hết toàn bộ diện tích và chuyển trọng tâm sang công tác chăm sóc, bảo vệ lúa trước ngày 20-2, sớm hơn kế hoạch 5 ngày.
Trường Sinh