P.V: Xin đồng chí cho biết tình hình triển khai sản xuất vụ đông 2009 trên địa bàn huyện?
Đồng chí Phạm Thị Đàm: Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, trong những năm vừa qua, các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp trên địa bàn đã tích cực vận động bà con xã viên đẩy mạnh sản xuất cây màu vụ đông, đặc biệt là mở rộng diện tích trên đất 2 lúa. Diện tích, năng suất, giá trị cây đông hàng năm đều tăng đáng kể. Vụ đông năm nay, toàn huyện phấn đấu gieo trồng 3.700 ha, tăng 600 ha so với vụ đông năm 2008, chiếm trên 55% trong tổng diện tích sản xuất nông nghiệp.
Các đơn vị đều thực hiện nghiêm túc kế hoạch đề ra, nỗ lực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa vào gieo trồng nhiều giống cây mới có năng suất, sản lượng và giá trị cao, phù hợp với đồng đất, và những cây có thế mạnh trong thâm canh, chủ lực như đỗ tương, ngô, khoai lang, rau màu các loại…
Đến ngày 22-10, tổng diện tích cây đông đã trồng của huyện là 3.670 ha, đạt 99% so với kế hoạch, trong đó cây lạc chiếm 87 ha, ngô 718 ha, đỗ tương 2.172 ha, khoai lang 263 ha, bí xanh 10 ha, lúa tái sinh 161 ha, còn lại là rau màu và cây trồng khác. Nhiều đơn vị có truyền thống thâm canh cây vụ đông tiếp tục phát huy, duy trì, mở rộng diện tích, thường chiếm từ 60 - 70% đất nông nghiệp, với cây trồng đa dạng, cho hiệu quả kinh tế cao như xã Yên Phong, Yên Từ, Yên Lâm, Yên Thái, Yên Mạc, Khánh Thượng, Yên Nhân…
P.V: Vụ đông năm nay ở huyện có gì mới, thưa đồng chí?
Đồng chí Phạm Thị Đàm: Nét mới trong vụ đông 2009 ở Yên Mô là huyện chỉ đạo, vận động nông dân đưa vào sản xuất cây ngô ngọt, cung cấp nguyên liệu cho Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Cây ngô ngọt đã được trồng thí điểm ở nhiều địa phương trong huyện ở vụ đông năm ngoái, cho thấy hoàn toàn phù hợp, hiệu quả cao, năng suất trung bình 11 tấn/ha, thu nhập 900 nghìn đồng/sào.
Nông dân xã Yên Phong chăm sóc đậu tương vụ đông. Ảnh: Đức Lam.
Vụ này, diện tích ngô ngọt trồng thí điểm năm trước sẽ phát triển trên 60 ha ở các xã như Khánh Dương, Yên Từ, Yên Lâm, Mai Sơn. Bên cạnh đó, huyện cũng khuyến khích nông dân ở các địa phương như Yên Thái, Yên Phong, Khánh Dương đẩy mạnh trồng 46 ha ngô giống F1, loại cây cho giá trị cao gấp 1,5 - 2 lần so với ngô thương phẩm.
Riêng cây đỗ tương, những năm trước một số đơn vị chưa tổ chức gieo trồng được vì đặc trưng đồng đất, điều kiện canh tác thì đến năm nay đã tập trung làm thủy lợi nội đồng tạo ra những vùng vụ đông mới như thôn Phú Trì (Yên Thái) với trên 5 ha. Như vậy, cây đỗ tương đã mở rộng phủ khắp ở tất cả các thôn, đội sản xuất tại các xã, thị trấn.
P.V: Theo đồng chí, những yếu tố nào đảm bảo cho vụ đông thắng lợi?
Đồng chí Phạm Thị Đàm: Để có vụ đông thắng lợi theo như kế hoạch đề ra cùng với gieo trồng, các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp và bà con xã viên đang khẩn trương thực hiện sửa chữa, tôn cao bờ vùng, bờ thửa, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh, lắp đặt các cống nội đồng đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu cho vụ đông. Trong vụ đông này, huyện đã hỗ trợ các đơn vị 40 triệu đồng xây dựng 16 trạm bơm vô ống, công suất 3.500 m3/h/máy phục vụ tiêu úng hiệu quả.
Các HTX đang phối hợp với trạm bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng cây vụ đông cho các hộ trực tiếp sản xuất. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ điều kiện như làm đất, đảm bảo nguồn cung cấp giống cây trồng, bán trả chậm vật tư phân bón, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm… tạo sự yên tâm lao động sản xuất cho bà con xã viên. Ngoài sự hỗ trợ giống, phân bón của tỉnh, huyện, các HTX nông nghiệp còn hỗ trợ thêm cho xã viên công làm đất trồng đỗ tương, ngô từ 5.000 - 10.000 đồng/sào.
Vụ đông gặp không ít khó khăn vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết, bởi vậy huyện, phòng Nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị phải quan tâm, chú ý đến việc dự tính, dự báo để khuyến cáo kịp thời tình hình thời tiết, sâu bệnh cho bà con chủ động, có biện pháp khắc phục phù hợp, giảm thiểu thiệt hại xảy ra.
Vừa qua, ở thời điểm đầu vụ, ảnh hưởng của cơn bão số 9, mưa lớn làm cho một số diện tích ngô, lạc, đỗ tương của huyện bị mất trắng; và từ các ngày 7 đến 9-10, đợt nắng nóng cũng làm nhiều diện tích đỗ tương gieo bị khô, dẫn đến tỷ lệ nảy mầm thấp, các đơn vị đã nhanh chóng tổ chức cho nông dân tiến hành trồng lại và trồng dặm, đảm bảo diện tích, mật độ, khung thời vụ.
Một số loài sâu bệnh như giòi đục nõn, lở cổ rễ đã xuất hiện trên một số diện tích, ngành chức năng kịp thời hướng dẫn nông dân cách phun thuốc phòng, trừ. Những diện tích đỗ tương gieo trồng trong tháng 9 cơ bản kết thúc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh lần 1, lần 2. Các cây trồng khác gieo đầu tháng 10 đang được chăm sóc, phun phòng trừ sâu bệnh lần 1. Cho đến thời điểm này, cây đông trồng đang sinh trưởng, phát triển tốt, nông dân tiếp tục trồng và chăm sóc những diện tích cây đông khác trong khung thời vụ thích hợp.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Hoàng Tâm (Thực hiện)