Lãnh đạo Phòng Công thương huyện Yên Mô cho biết: Hiện nay, trên toàn huyện có khoảng 216 doanh nghiệp, 8 HTX ngành nghề, 5 tổ hợp tác và hàng nghìn hộ gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, chế biến sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, sản xuất mộc dân dụng, gia công sửa chữa cơ khí, sản xuất thực phẩm bún bánh, may công nghiệp... Công tác quản lý quy hoạch cụm, điểm công nghiệp dần đi vào nề nếp, thu hút đầu tư vào địa bàn ngày một tăng.
Nổi bật là cụm công nghiệp Mai Sơn được quy hoạch năm 2004 đã thu hút 7 nhà đầu tư trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, cơ khí, dịch vụ vận tải và dịch vụ du lịch, thương mại, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.
Năm 2014, huyện đã quy hoạch bổ sung Cụm công nghiệp Khánh Thượng với quy mô 40 ha, đây sẽ là điểm nhấn để thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn trong giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo.
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng hàng năm khá cao nhưng các sản phẩm CN-TTCN của Yên Mô chủ yếu là hàng thủ công mỹ nghệ và vật liệu xây dựng, chưa có sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, giá trị lớn.
Với nghề chế biến cói, đây là nghề có thế mạnh của huyện, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Hiện nay, tại các làng nghề trên địa bàn huyện có 3.500 hộ làm nghề chế biến cói với 6.500 lao động.
Bình quân thu nhập của mỗi lao động làm nghề cói trong các làng nghề đạt từ 50.000 - 80.000 đồng/ngày, tương ứng mức thu nhập từ 1,4 đến 2,4 triệu đồng/người/tháng. Các lao động làm nghề chế biến cói không thuộc làng nghề thì có mức thu nhập thấp hơn và không ổn định.
Trong 9 làng nghề chế biến cói, các làng như Đông Đoài, Ngọc Lâm, Nộn Khê có doanh nghiệp và nhiều chủ hộ làm vệ tinh thu gom nên việc làm và thu nhập thường ổn định và cao hơn các làng nghề khác, nhất là làng nghề Đông Đoài với mô hình Trung tâm sản xuất cộng đồng mới được hoàn thành trong tháng 7-2014.
Tại đây, nghề chế biến cói đã có những bước chuyển biến rõ rệt, hầu hết mọi người dân trong làng nghề đều yên tâm, gắn bó với nghề, đồng thời những đối tác của làng nghề (như Công ty xuất nhập khẩu Vĩnh Long) rất yên tâm về khả năng đáp ứng nguồn hàng phục vụ nhu cầu xuất khẩu.
Tại Trung tâm sinh hoạt cộng đồng làng nghề chế biến cói Đông Đoài, mọi người đều có thể được biết công khai giá trị sản xuất của từng sản phẩm do mình làm ra, giá trị ngày công tương ứng của mình khi làm các sản phẩm xuất khẩu, từ đó có sự nỗ lực cố gắng để nâng cao tay nghề và nâng cao thu nhập của bản thân và gia đình.
Người lao động làng nghề Đông Đoài cũng được mua bảo hiểm khi tham gia làm hàng cói xuất khẩu. Đây là mô hình mới, đem lại nhiều quyền lợi cho người lao động nông thôn, cần khuyến khích, nhân rộng trên địa bàn huyện.
Với nghề bún bánh, năm 2008 làng nghề bún Yên Thịnh, xã Khánh Dương có 93 hộ làm nghề bằng phương pháp thủ công hoặc bán thủ công (có máy nghiền bột), thì đến nay, hầu hết các hộ đã chuyển sang làm bún bằng máy, số hộ làm bún bằng thủ công còn rất ít, chỉ trên dưới 15 hộ. Sản lượng bún hàng tháng, hàng năm đều tăng do nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều, giá trị thu nhập đạt 80.000 - 150.000 đồng/ngày công.
Các hộ làm bún trước đây vừa làm bún bằng thủ công, vừa đi bán thì mấy năm trở lại đây chỉ việc lấy bún (hoặc thuê máy làm bún) từ 4 - 5 chủ máy lớn tại làng để giao bán cho khách hàng. Hiện nay làng nghề bún Yên Thịnh có 4 - 5 máy cán bún công suất từ 700kg - 1,2 tấn bún/ngày. Làng bún Yên Thịnh mỗi ngày cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh từ 4 - 6 tấn bún tươi.
Với làng nghề xây dựng Bình Hải, xã Yên Nhân, nghề xây dựng đã gắn bó với máu thịt người dân của làng từ bao đời nay. Với hơn 900 người thợ xây hiện đang làm nghề ở khắp nơi trong nước, nghề nề đã mang lại nguồn thu cho làng hàng năm từ 25 - 30 tỷ đồng, mức thu nhập bình quân 3 - 5 triệu đồng/người/tháng, nhiều thợ giỏi của làng đạt mức thu nhập 300.000 đồng/ngày công, tương đương 6 - 8 triệu đồng/tháng.
Làng nghề truyền thống gốm cổ Bồ Bát, thôn Bạch Liên, xã Yên Thành được UBND tỉnh công nhận tháng 10-2014. Hiện tại làng có 3 nghệ nhân gốm sứ được UBND tỉnh công nhận và gần 20 thợ thủ công làm nghề gốm sứ.
Tương truyền, theo gia phả các dòng họ của xã Bát Tràng (Hà Nội), tổ tiên nghề gốm Bát Tràng từ xứ Bồ Bát - Yên Thành di cư ra Hoàng thành Thăng Long lập nghiệp từ thời Lý Trần.
Hiện nay, nhiều nghệ nhân của xã Bát Tràng đang nỗ lực để khôi phục nghề gốm cổ làng Bồ Bát xưa.
Trong năm 2014, doanh thu từ nghề của các làng nghề trên địa bàn huyện đạt 135 tỷ đồng, chiếm 62% tổng doanh thu của các làng nghề, tương đương 25% tổng doanh thu lĩnh vực CN- TTCN trên địa bàn huyện.
Trong thời gian tới, huyện Yên Mô tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của phát triển CN-TTCN và ngành nghề nông thôn trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp-nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển CN - TTCN và ngành nghề nông thôn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ban hành cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực để hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển sản xuất CN-TTCN và ngành nghề nông thôn.
Tập trung đẩy mạnh phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề có thế mạnh, ngành nghề mới như: chế biến cói, thêu ren, tết bện phụ phẩm nông nghiệp, gốm sứ, đồ mộc cao cấp, chế biến nông sản thực phẩm, gạch đất nung (tuynel), đá xây dựng, đá mỹ nghệ…
Kiện toàn hệ thống khuyến công từ huyện đến cơ sở, coi trọng các hình thức khuyến công, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ phụ trách khuyến công. Tổ chức các lớp dạy nghề, tập huấn kỹ thuật cho lao động nông thôn, xây dựng các mô hình điểm để mở rộng ngành nghề.
Quan tâm xây dựng, củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu trong việc cung ứng nguyên vật liệu, hướng dẫn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm, có chính sách hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các đối tác theo kế hoạch dài hạn và đảm bảo phát triển nghề bền vững.
Xác lập các cam kết hợp tác lâu dài, bền vững với các đối tác có uy tín trong và ngoài nước để duy trì và phát triển bền vững nghề chế biến cói, nghề chính để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Bố trí kinh phí hợp lý hỗ trợ người dân làng nghề chế tác mẫu và hỗ trợ tập huấn mẫu mã sản phẩm mới đối với các làng nghề chế biến cói, làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, vệ tinh thu gom hàng được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để sản xuất, kinh doanh.
Khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân đưa nghề mới có thu nhập cao, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cá nhân, nghệ nhân và các doanh nghiệp khôi phục và phát triển bền vững nghề gốm cổ Bồ Bát, góp phần tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện.
Thanh Chiên