Yên Hòa là một xã thuần nông, dân số 2.184 hộ/ 7.267 nhân khẩu, trong đó 75% người dân làm nghề nông nghiệp, còn lại nhân dân tham gia làm nghề dịch vụ, kinh doanh, nghề tiểu thủ công nghiệp... Để thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong công tác xóa đói, giảm nghèo, Ban xóa đói, giảm nghèo xã đã làm tốt công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã.
Hàng tháng tại các buổi họp giao ban giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và các hội đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn đều có đánh giá tình hình hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho tháng tiếp theo.
Từ đó giúp nhân dân và các đối tượng thụ hưởng dễ dàng tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Công tác xây dựng kế hoạch tín dụng hàng năm, phân bổ nguồn vốn được quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Đồng thời, xã sát sao trong công tác chỉ đạo cấp Hội, đoàn thể nhận ủy thác làm tốt công tác tuyên truyền, bình xét cho vay, kiểm tra, giám sát sau khi cho vay, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, đôn đốc hộ vay và các tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thu lãi, về nộp Ngân hàng CSXH đầy đủ, kịp thời.
Hiện nay, các cấp Hội nhận ủy thác trong xã đã ký hợp đồng với Ngân hàng CSXH huyện thực hiện 9 chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với dư nợ tính đến ngày 30-6-2016 là 19.515,6 triệu đồng/1.015 hộ vay (trong đó Hội nông dân có 7 tổ vay vốn, Hội phụ nữ có 10 tổ vay vốn, Hội CCB có 4 tổ vay vốn, Đoàn thanh niên có 2 tổ vay vốn).
Qua rà soát, các hộ vay đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả lãi, trả gốc đúng hạn, đến nay trên địa bàn xã Yên Hòa không có nợ quá hạn. Chương trình tín dụng đã góp phần giảm hộ nghèo xã Yên Hòa còn 14,4% theo tiêu chí mới.
Hiện nay, huyện Yên Mô đang triển khai thực hiện cho vay 10 chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ định của Chính phủ, bao gồm: Cho vay hộ nghèo theo Nghị định 78 của Chính phủ; cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ; cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; cho vay chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường; cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn...
Đến ngày 30-6-2016, tổng nguồn vốn trên địa bàn huyện đạt 300.029 triệu đồng, tăng so với 31-12-2013 là 29.890 triệu đồng, trong đó doanh số cho vay 218.881 triệu đồng/10.296 lượt hộ vay; tổng dư nợ đến tháng 6-2016 là 299.696 triệu đồng/14.161 hộ, đạt 95,7% kế hoạch, tăng 29.775 triệu đồng so với năm 2013.
Đạt được kết quả trên là do chương trình được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là của các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác. Thông qua tổ chức này, đã có 383 Tổ tiết kiệm và vay vốn được triển khai thực hiện ở khắp các thôn, xóm, khối phố trong toàn huyện.
Bên cạnh đó, mạng lưới hoạt động của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện rộng khắp từ huyện tới các thôn, xóm, phố đã góp phần quan trọng trong việc triển khai thực hiện tốt chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện. Hiện toàn huyện có 17/17 điểm giao dịch tại các xã, thị trấn.
Các điểm giao dịch lưu động hoạt động có hiệu quả, hàng tháng căn cứ lịch giao dịch, cán bộ Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay, thu nợ lãi, thu tiền tiết kiệm và thực hiện một số nghiệp vụ khác.
Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cũng đã phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư giúp người dân sử dụng vốn vay hiệu quả.
Từ năm 2014 đến tháng 6-2016, toàn huyện đã cho 10.296 lượt hộ vay, với số tiền 218.881 triệu đồng, trong đó chương trình cho vay hộ nghèo là 842 hộ để phát triển kinh tế; cho 3.981 hộ vay chương trình học sinh, sinh viên; cho 4.066 hộ vay chương trình nước sạch, vệ sinh môi trường; cho 257 hộ vay giải quyết việc làm, đã giải quyết cho trên 300 lao động có việc làm...
Được biết, Yên Mô là đơn vị tiêu biểu của tỉnh trong thực hiện chương trình tín dụng với phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội.
Cùng với đó, huyện đã tranh thủ được sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương, sự tham gia của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, huy động được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội cùng triển khai thực hiện chương trình từ bình xét, xác nhận đối tượng, làm thủ tục để vay vốn đến việc trả nợ tiền vay khi đến hạn.
Do đó, nợ quá hạn trong toàn huyện còn rất thấp, đến hết tháng 6-2016 là 424 triệu đồng, chiếm 0,14% tổng dư nợ, giảm 426 triệu đồng so với năm 2013.
Hồng Vân