"Biến" khó khăn thành lợi thế Chúng tôi đến thăm mô hình cấy lúa kết hợp chăn nuôi của gia đình ông Lê Văn Khoa ở khu Đồng Ngoài (xã Yên Thắng) khi ông đang thu hoạch trứng vịt để bán cho thương lái. Ông Khoa vui vẻ cho biết: Với hơn 3 mẫu ruộng trũng (trong đó có 1 mẫu gia đình đấu thầu), tôi đã cấy lúa kết hợp nuôi cá, vịt, lợn, bò...
Mô hình này tạo môi trường sinh thái kết hợp, khép kín, cá ăn sâu bọ, sục bùn, diệt cỏ dại, thải phân cho lúa nên năng suất lúa tăng 10-15%, tiết kiệm được chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời cá nuôi trong ruộng lúa do tận dụng thức ăn tự nhiên nên lớn nhanh, thịt thơm ngon, bán được giá cao...
Bình quân mỗi năm trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi gần 100 triệu đồng. Tôi cũng như nhiều hộ thực hiện mô hình chuyển đổi từ ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản rất phấn khởi...
"Gia đình ông Khoa chỉ là một trong gần 200 hộ nông dân ở Yên Thắng đang dần trở thành triệu phú trên những cánh đồng ruộng trũng nhờ "Đề án 06" của huyện"- Đó là nhận định của đồng chí Lê Văn Học, Phó Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng.
Đề án 06 mà đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy xã Yên Thắng nhắc đến là tên gọi của "Đề án chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản" của UBND huyện Yên Mô, ban hành ngày 28-11-2013.
Cũng theo đồng chí Lê Văn Học, Đề án 06 của huyện được xem là giải pháp quan trọng để "biến" những khó khăn của vùng ruộng trũng thành lợi thế để nông dân làm giàu, gắn bó với đồng ruộng, đưa những mảnh ruộng trũng, nhiễm phèn thực sự trở thành "tấc vàng"...
Từ thành công của mô hình chuyển đổi ở xã Yên Thắng, huyện Yên Mô đã chỉ đạo nhân rộng mô hình ở các xã có nhiều ruộng trũng. Đến hết năm 2013, toàn huyện đã có 11 xã, thị trấn chuyển đổi được 214 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản.
Sau 10 năm thực hiện mô hình chuyển đổi, Yên Mô đã tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm và nhận thấy kết quả đạt được chưa thực sự khai thác hết tiềm năng vùng ruộng trũng của địa phương (diện tích chuyển đổi mới chiếm 17% tổng diện tích ruộng trũng). Nguyên nhân chủ yếu là một số địa phương chưa mạnh dạn trong việc áp dụng, mở rộng các biện pháp canh tác mới nên chưa có định hướng về vùng chuyển đổi lúa - cá.
Trong khi đó, vẫn còn một bộ phận cán bộ còn ngại khó trong việc ứng dụng các biện pháp canh tác mới. Hệ thống đường điện, giao thông nội đồng, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất tại các vùng chuyển đổi chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Một số vùng chuyển đổi chưa có điện, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của các hộ gia đình. Việc tận dụng các mối quan hệ tương hỗ giữa vườn - ao -chuồng - ruộng chưa thật hài hòa nên năng suất và hiệu quả chưa cao.
Nhằm giải quyết những bất cập trên, cuối năm 2013, UBND huyện Yên Mô đã xây dựng Đề án số 06 về "Chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản kết hợp cấy lúa giai đoạn 2014-2015". Đề án là động lực quan trọng để "biến" khó khăn thành lợi thế, giúp nông dân khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, vốn, khoa học công nghệ; từng bước hình thành các khu sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa.
Từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, hàng hóa
Sau khi Đề án 06 được ban hành, huyện Yên Mô đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án từ huyện đến cơ sở, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Công tác tuyên truyền được chú trọng, các địa phương đã hướng dẫn những gia đình có đủ điều kiện, có diện tích nằm trong vùng quy hoạch tham gia sản xuất; các hộ không có đủ điều kiện thì vận động dồn, đổi ruộng cho các hộ có điều kiện.
Đặc biệt, nhằm tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi, các xã đã thực hiện dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng.
Theo đó đã chú trọng đầu tư hệ thống đường giao thông vùng sản xuất lúa-cá, đến nay hạ tầng các vùng chuyển đổi cơ bản được hoàn thiện: có mặt đường cao, rộng; đầu tư xây dựng một số tuyến kênh mương chính, đảm bảo phục vụ tưới, tiêu cho các vùng chuyển đổi.
Cùng với đó, các địa phương đã tích cực chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, đã mở 13 lớp chuyển giao KHKT cho các hộ, qua đó giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Việc chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Yên Mô trong thời gian qua cho thấy Đề án 06 là chủ trương đúng, trúng của huyện, đã nhận được sự đồng tình của nhân dân, phù hợp với điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội của huyện.
Từ đầu năm 2014 đến nay, toàn huyện có 487 hộ đã chuyển đổi 207,4 ha ruộng trũng sang sản xuất theo mô hình lúa-cá, trong đó có 485 hộ chuyển đổi thuộc các vùng quy hoạch với diện tích 203,5 ha; 2 hộ chuyển đổi không thuộc vùng quy hoạch, diện tích chuyển đổi 3,91 ha.
Đến hết năm 2015, toàn huyện đã có trên 455 ha ruộng trũng chuyển đổi sang canh tác cá-lúa. Diện tích chuyển đổi trung bình/hộ đạt 4.259 m2; hộ có diện tích chuyển đổi cao nhất là 3,56 ha (ông Trịnh Đình Quân, xã Khánh Thịnh); hộ có diện tích chuyển đổi thấp nhất là 319 m2 (hộ ông Đỗ Văn Bát, xã Yên Thái).
Các hộ chuyển đổi mô hình dưới 2 hình thức canh tác chủ yếu: Loại hình đa canh vườn - ao- chuồng- ruộng và loại hình cấy lúa kết hợp với thả cá, trong đó loại hình sản xuất đa canh được đánh giá là cho hiệu quả kinh tế cao vì tận dụng triệt để các diện tích, tầng canh tác. Hiện loại hình sản xuất này chiếm gần 70% diện tích chuyển đổi, tập trung chủ yếu ở các xã Yên Thái, Yên Đồng, Yên Thắng, Yên Hòa...
Theo các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Mô: Phần lớn các mô hình chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện và hình thành một số vùng, một số sản phẩm hàng hóa đạt hiệu quả cao. Các hộ sản xuất trong vùng chuyển đổi bước đầu đã có sự hợp tác, học hỏi, liên kết với nhau trong tổ chức thực hiện một số khâu như: cung cấp giống, tưới tiêu nước, thu hoạch...
Đặc biệt, đã từng bước đưa cơ giới hóa vào thu hoạch; tỷ lệ thu hoạch bằng máy trên các diện tích lúa - cá chiếm gần 10% diện tích.
Việc chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản đã khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, lao động, mặt nước của địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích canh tác (lợi nhuận trung bình thu được là 114,5 triệu đồng/ha, cao gấp 2,8 lần trồng lúa), tạo việc làm ổn định cho trên 1.500 lao động địa phương.
Không những thế, thực hiện mô hình đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa; giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư do các hộ chăn nuôi có quy mô lớn ở trong thôn, xóm chuyển ra các vùng chuyển đổi, đảm bảo an toàn sinh học. Các sản phẩm nông nghiệp của mô hình có chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Từ thành công của Đề án 06, thời gian tới huyện Yên Mô tiếp tục mở rộng diện tích chuyển đổi để hình thành và phát triển các vùng sản xuất lúa, cá kết hợp chăn nuôi tập trung. Toàn huyện phấn đấu đến hết năm 2020 chuyển đổi 700 ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang cấy lúa kết hợp nuôi thủy sản.
Để sản xuất có hiệu quả, Yên Mô khuyến khích thành lập các HTX, tổ hợp tác thủy sản, chăn nuôi tạo chuỗi liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời tiến hành xây dựng một số vùng sản xuất tập trung quy mô lớn áp dụng công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Mai Lan