Yên Mô có tiềm năng, thế mạnh để phát triển CN-TTCN, đặc biệt là công nghiệp vật liệu xây dựng. Huyện có nhiều mỏ đá vôi có trữ lượng lớn, chất lượng tốt, tập trung ở 9 xã miền núi: Yên Lâm, Yên Đồng, Yên Thái, Yên Mạc, Yên Thành, Yên Hòa, Yên Thắng, Mai Sơn và Khánh Thượng, đảm bảo khai thác 200.000 m3/năm. Hệ thống sông ngòi trải đều khắp các xã với lượng phù sa thường xuyên bồi trúc tạo thành nhiều mỏ đất sét, á sét là nguyên liệu để sản xuất gạch đất nung, có thể đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho từ 5 - 6 nhà máy gạch tuynen với công suất 200 triệu viên/năm. Huyện có nhiều làng nghề truyền thống các lĩnh vực: sản xuất đồ mộc dân dụng, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ, may mặc, trong đó có 4 làng đạt tiêu chuẩn làng nghề cấp tỉnh. Lực lượng lao động trong huyện dồi dào, cần cù chịu khó (hiện nay toàn huyện có 63.000 lao động trong độ tuổi) thường xuyên được định hướng đào tạo nâng cao trình độ tay nghề. Hệ thống giao thông thuận tiện, hệ thống đường tỉnh lộ (5 tuyến) đang được đầu tư nâng cấp khá hiện đại với tổng chiều dài hơn 50 km, tải trọng trên 30 tấn, đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành công nghiệp của địa phương. Với những thế mạnh đó, huyện Yên Mô đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể để thúc đẩy và khuyến khích công nghiệp phát triển. Đặc biệt là Nghị quyết 08-NQ/HU ngày 18-2-2008 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất CN-TTCN trên địa bàn. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ 30% chi phí giải phóng mặt bằng các cụm, điểm công nghiệp; hỗ trợ 10-20% chi phí chuyển giao KHKT vào sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hỗ trợ thủ tục hành chính chấp thuận dự án đầu tư với thời gian nhanh nhất... Hàng năm, huyện bố trí kinh phí hỗ trợ phát triển CN-TTCN từ nguồn ngân sách huyện khoảng từ 300-500 triệu đồng và tranh thủ các nguồn hỗ trợ khuyến công Quốc gia, khuyến công địa phương và nguồn vốn hỗ trợ việc làm của Nhà nước. Hỗ trợ đào tạo nghề, ưu tiên cho các nghề chế biến sản phẩm cói xuất khẩu, thêu ren, chế tác đá mỹ nghệ và may công nghiệp.
Với chủ trương đó, đến nay đã có nhiều nhà đầu tư lớn vào đầu tư trên địa bàn huyện: Tập đoàn kinh tế Xuân Thành, Công ty cổ phần và đầu tư phát triển Inconess, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường... Nâng tổng số doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn huyện lên trên 100 doanh nghiệp, trong đó có trên 40 doanh nghiệp sản xuất CN - TTCN. Đặc biệt năm 2010 có 2 nhà đầu tư lớn của Hồng Kông, Hàn Quốc đã và đang làm thủ tục đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tại cụm, điểm công nghiệp của huyện với tổng kinh phí dự án hàng chục triệu USD, có thể tạo việc làm và thu nhập cho hơn 6.000 lao động của huyện. Trên địa bàn huyện có 4 nhà máy gạch tuynen đang sản xuất với công xuất 90-130 triệu viên/năm, tương lai các nhà máy gạch sẽ đưa dây chuyền 2 vào sản xuất, có thể đáp ứng được nhu cầu xây dựng ngày càng tăng. Huyện đã tập trung chỉ đạo đầu tư, tăng cường quảng bá quy hoạch 2 cụm và 9 điểm CN-TTCN tại các xã, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh, trong đó Cụm công nghiệp Mai Sơn đã có 7 doanh nghiệp đầu tư và đi vào sản xuất, kinh doanh các ngành: Cơ khí, dịch vụ vận tải, cứu hộ giao thông, dịch vụ vật tư nông nghiệp... Cụm công nghiệp Yên Phú đang được quy hoạch chi tiết và đã có nhà đầu tư nước ngoài đang làm thủ tục thuê đất xây dựng nhà xưởng sản xuất.
Các ngành nghề chính như: may công nghiệp, thủ công mỹ nghệ... cũng phát triển nhanh Nghề may được đưa vào Yên Mô từ đầu năm 2009, tới nay đã nhân rộng trên địa bàn nhiều xã, thị trấn với 9 cơ sở, doanh nghiệp đã và đang đầu tư, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động của huyện. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu phát triển ổn định, nhiều xã có giá trị sản xuất CN-TTCN cao, tăng trưởng nhanh như: Yên Nhân, Yên Lâm, Yên Từ, Yên Phong, Yên Thái... Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đã đi vào hoạt động ổn định và có hiệu quả kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương như: Doanh nghiệp Xuân Tình (xã Yên Lâm), Thành Sơn (Yên Nhân)... Năm 2010, toàn huyện đã sản xuất được 391.000 m2 thảm cói, 2.040.000 sản phẩm mây tre đan, 33.000 bộ thêu ren, 194.000 m3 đá các loại, 95 triệu viên gạch, sản xuất cơ khí đạt 10 tỷ đồng. Giải quyết việc làm cho 8.500 lao động thường xuyên và 13.000 lao động thời vụ. Giá trị CN-TTCN năm 2010 của huyện Yên Mô đạt 120,8 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 18,6 tỷ đồng so với năm 2009.
Giai đoạn 2010-2015, huyện tập trung phát triển mạnh cả về quy mô và giá trị sản xuất CN-TTCN, phấn đấu tăng tỷ trọng CN-TTCN và dịch vụ lên 45,6% giá trị sản xuất trên địa bàn. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng công nghiệp trên 23,5 - 24% năm, nâng giá trị sản xuất trên địa bàn đến cuối nhiệm kỳ đạt 692 tỷ đồng trở lên, trong đó năm 2010 giá trị sản xuất CN-TTCN đạt trên 143 tỷ đồng trở lên. Để đạt được mục tiêu đó, huyện Yên Mô chủ trương đẩy mạnh một số ngành công nghiệp tiềm năng như vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng... Rà soát các cụm, điểm công nghiệp đã được quy hoạch; có chính sách, giải pháp đồng bộ trong việc quản lý, thực hiện đầu tư phát triển các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn huyện trên cơ sở phát triển bền vững. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng các điểm, cụm công nghiệp, ổn định quy mô đất phục vụ phát triển công nghiệp 250 ha. Về tiểu thủ công nghiệp, tập trung đẩy mạnh và phát huy hiệu quả các làng nghề. Tiếp tục phát triển các ngành nghề truyền thống như thêu ren, sản xuất cói mỹ nghệ, mây tre đan, khuyến khích các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, phát triển các ngành nghề mới, sản phẩm mới. Quan tâm tới xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh của sản phẩm.
Hương Giang