Huyện Yên Mô hiện có trên 30.000 con lợn, trong đó có 25 trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn. Để chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của tỉnh, ngày 7/3 UBND huyện Yên Mô đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị, địa phương ứng phó khẩn cấp phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện.
Theo đó, từ huyện các xã, thị trấn cũng đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Ban chỉ đạo các cấp đã phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho từng thành viên. Huyện đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền trên đài truyền thanh về dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp phòng, chống; vận động nhân dân thực hiện "5 không" trong phòng chống dịch: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trên địa bàn các xã, thị trấn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Các địa phương đã tiến hành thống kê hộ nuôi lợn trên địa bàn huyện chi tiết đến từng hộ, quy mô đàn để thuận lợi trong công tác phòng, chống dịch.
Các cơ quan chuyên môn của huyện đã chủ động phối hợp với các xã, thị trấn phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát dịch bệnh, nhất là nơi có nguy cơ cao, vùng giáp ranh với đơn vị bạn; phát hiện, báo cáo kịp thời, lấy mẫu xét nghiệm đàn lợn nuôi nghi bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại các cơ sở chăn nuôi, trang trại, gia trại và hộ chăn nuôi lợn theo quy định. Đối với người chăn nuôi đã chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch như: áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học; hạn chế người và phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; diệt chuột, hạn chế vật nuôi, chim và động vật hoang dã xâm nhập vào khu vực chăn nuôi; phát quang bụi rậm, chặt tỉa cây cối, khơi thông cống rãnh, quét dọn chuồng trại; định kỳ phun hóa chất sát trùng tiêu độc theo đúng hướng dẫn của cơ quan Thú y đối với khu vực chuồng nuôi và xung quanh chuồng nuôi; chăm sóc, nuôi dưỡng hợp lý, bổ sung vitamin và khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn; thường xuyên theo dõi, kiểm tra đàn lợn, chủ động khai báo khi có dịch bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn.
Yên Mô đã xây dựng phương án cụ thể, chi tiết khi tình huống dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn huyện. Đồng thời yêu cầu các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch cụ thể cho đơn vị mình phù hợp với điều kiện thực tế. Trước đó, để chủ động phòng chống dịch, huyện và các xã, thị trấn đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật; tổ chức tiếp nhận và cấp 1.560 lít hóa chất của tỉnh và hỗ trợ 50 tấn vôi bột cho 17 xã, thị trấn để triển khai công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi các chợ, các hộ chăn nuôi lớn và hướng dẫn các hộ chăn nuôi tự mua vôi bột rắc khu vực chăn nuôi và khu vực xung quanh chuồng để phòng, chống dịch và hoàn thành xong trước ngày 10/3.
Ông Nguyễn Ngọc Thuyết, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Yên Mô cho biết: Xác định nguy cơ bùng phát dịch rất cao, do đó trong thời gian tới huyện Yên Mô tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch ứng phó khẩn cấp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn huyện. Đồng thời thực hiện củng cố tổ tiêm phòng và tổ chức ra quân tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm vụ xuân - hè 2019 vào ngày 15/3 để chủ động phòng, chống dịch. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người chăn nuôi biết, hiểu về mức độ nguy hiểm và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu và không quay lưng với thịt lợn, hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, giúp ngành chăn nuôi phát triển an toàn, bền vững.
Giáng Hương