Đến Yên Mô những ngày cuối năm này, khắp các khu dân cư đều bắt gặp không khí nhộn nhịp của các lực lượng tham gia Tháng tiêu độc, khử trùng. Thấp thoáng bóng áo blu trắng của thành viên đội vệ sinh phòng dịch đi khắp các ngõ xóm phun thuốc khử trùng, tiêu độc. Thanh niên, học sinh tiến hành quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, những nơi công cộng như: Chợ, nơi buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm…
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thuyết, Trưởng trạm Thú y huyện cho biết, trong năm 2008, dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc tại địa bàn huyện đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chăn nuôi của người nông dân. Đến nay, dịch bệnh đã được dập tắt, tuy nhiên nguy cơ bùng phát dịch vẫn còn, bởi nguồn bệnh có thể vẫn còn tồn tại trong thiên nhiên (do ổ dịch cũ) và do lưu thông buôn bán. Nhằm tiêu diệt mầm bệnh còn tồn lưu trong môi trường, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, Trạm thú y huyện Yên Mô đã tiếp nhận 1.340 lít hóa chất khử trùng và 180 tấn vôi bột để cấp phát cho các xã, thị trấn phục vụ cho công tác vệ sinh khử trùng, tiêu độc phòng, chống dịch bệnh.
Đợt vệ sinh tiêu độc, khử trùng này được tiến hành tại tất cả các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm, cơ sở giết mổ, chợ buôn bán gia cầm sống ở khu vực nông thôn, nơi công cộng và đường làng, ngõ xóm trên địa bàn huyện. Trong tháng ra quân, huyện sẽ chỉ đạo các cơ sở chăn nuôi thực hiện nghiêm túc việc nuôi nhốt gia súc, gia cầm, phát quang cây cỏ, quét dọn thu gom phân rác để tiêu hủy, khơi thông cống rãnh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận, từ 2 - 3 lần/tuần, riêng nơi buôn bán gia súc, gia cầm và các ổ dịch cũ là 3-4 lần/tuần.
Đối với các cơ sở giết mổ tiến hành vệ sinh khu vực nhà xưởng nuôi nhốt gia súc, gia cầm chờ giết mổ và vệ sinh tiêu độc khử trùng nơi giết mổ ngay sau mỗi ca sản xuất. Các xã, thị trấn đã thành lập các tổ, đội vệ sinh tiêu độc, khử trùng và phát động đợt tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng phòng chống dịch cúm gia cầm tại cơ sở với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội và lực lượng học sinh. Bên cạnh đó, Yên Mô còn tăng cường công tác tuyên truyền, động viên nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng chiến dịch và hướng dẫn mọi người thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật về vệ sinh tiêu độc, khử trùng trên địa bàn.
Chúng tôi đã đến thôn Quảng Hạ, xã Yên Thắng - nơi từng được coi là trọng điểm của dịch bệnh tai xanh. Ông Bùi Đức Khá, Trưởng thôn Quảng Hạ cho biết: Trong tháng tiêu độc, khử trùng lần này, thôn phát động 100% số hộ tham gia dọn vệ sinh, rắc vôi bột và phun thuốc khử trùng tại khu chăn nuôi, hố ủ phân và nơi công cộng trong thôn. Đặc biệt chú trọng những gia đình có ổ dịch tai xanh và những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhằm nâng cao ý thức của người dân về phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm.
Ngoài ra, Quảng Hạ còn tập trung vào việc nâng cao mức độ an toàn sinh học cho các gia trại, thông qua vận động người dân xây dựng mô hình chăn nuôi khép kín, bảo đảm khu vực chăn nuôi cách ly với môi trường bên ngoài để hạn chế sự lây lan dịch bệnh. Kiểm soát xuất nhập trại, bao gồm cả con người, vật tư, phương tiện; phân chia khu vực chăn nuôi theo tính chất của đàn vật nuôi và áp dụng biện pháp "cùng nhập, cùng xuất"…
Cùng đoàn công tác của Trạm thú y huyện đến thăm gia đình anh Phạm Văn Tỉnh, thôn Quảng Hạ, xã Yên Thắng, một trong những hộ gia đình thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Lúc chúng tôi đến anh vẫn đang lúi húi quét dọn, làm vệ sinh chuồng cho đàn lợn. Nhìn đàn lợn đang ăn cám, con nào cũng béo hồng hào, ai cũng trầm trồ khen. Anh Tỉnh cho hay, đã nhiều năm nay, do làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nên đàn lợn của gia đình hầu như không bị dịch bệnh. Nhất là trong năm qua dịch bệnh tai xanh bùng phát gần như "xóa sổ" hoàn toàn đàn lợn trên địa bàn thôn nhưng nhờ áp dụng tốt các biện pháp phòng tránh nên mặc dù nằm ở trung tâm vùng dịch nhưng đàn lợn trên 20 con của gia đình anh vẫn an toàn.
Về kinh nghiệm trong việc duy trì, phát triển đàn gia súc, anh tâm sự: "Rút kinh nghiệm từ những hộ có gia súc mắc bệnh từ năm trước, gia đình tôi đã thực hiện nghiêm việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng chu kỳ có sự chỉ dẫn của thú y xã. Nhất là công tác tiêu độc, khử trùng luôn được đặc biệt coi trọng, khi có dịch khu chăn nuôi của gia đình được cánh ly hoàn toàn, đồng thời tiến hành phun thuốc khử trùng 3 ngày/lần. Ngay cả khi đã hết dịch gia đình vẫn đảm bảo phun định kỳ hàng tuần".
Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm có hiệu quả, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán, huyện Yên Mô đang tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện chương trình phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm ở các xã, thị trấn với tinh thần quyết liệt, hiệu quả, không để dịch tái bùng phát. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức của người dân trong phòng ngừa các loại dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, quyết tâm duy trì và phát triển đàn vật nuôi an toàn.
Bài và ảnh: Quốc Khang