Đồng chí Tạ Văn Thắng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Mô cho biết: Từ bài học kinh nghiệm những năm trước, trong công tác phòng, chống bão lụt cho thấy, phải coi công tác phòng là chính, chống phải tích cực ngay từ giờ đầu, ngày đầu. Các địa phương, đơn vị phải chủ động phòng, chống bằng khả năng của mình, cấp trên chỉ tăng cường khi cần thiết. Sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền phải thường xuyên, các ngành, đoàn thể xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị của mình. Để đảm bảo tính mạng, tài sản nhân dân và nhà nước, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Yên Mô đã xây dựng kế hoạch và phương án cụ thể phù hợp với điều kiện và những tình huống có thể xảy ra trên địa bàn. Kiện toàn Ban chỉ huy PCLB&TKCN các cấp, các ngành, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn, ngành, lĩnh vực. Tiến hành kiểm tra chất lượng đê, kè, cống và các công trình phục vụ PCLB, xác định rõ các khu vực trọng điểm, xung yếu cần bảo vệ, trên cơ sở đó các cấp, các ngành hoàn thiện phương án PCLB đảm bảo chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng địa phương. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án PCLB đang triển khai trên địa bàn huyện, từng bước đưa các hạng mục vào sử dụng, đáp ứng yêu cầu của công tác PCLB. Huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, địa phương làm tốt chiến dịch thủy lợi nội đồng, tổ chức khơi thông dòng chảy, tiêu nước đệm, tiêu úng khi có tình huống ngập úng xảy ra. Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện tổ chức kiểm tra, tu sửa thường xuyên, bảo dưỡng các máy bơm, trạm bơm, kênh tiêu úng đáp ứng nhiệm vụ kịp thời khi mưa bão xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nhân dân. Huyện cũng chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT lập kế hoạch chuẩn bị vật tư, giống dự phòng, phương án phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, đảm bảo cho nhân dân sản xuất tái vụ khi bị ngập úng, mất mùa.
Các đơn vị, địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện để ứng phó với các tình huống có thể xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ". Xây dựng kế hoạch, phương án PCLB cụ thể, sát với thực tiễn, nhất là các điểm xung yếu, các công trình có nguy cơ mất an toàn. Bố trí cán bộ, lực lượng xung kích thường xuyên kiểm tra trước khi có mưa lũ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; các trọng điểm có cán bộ chuyên môn của huyện chỉ đạo khi có mưa lũ; thành lập các lực lượng xung kích và tuần tra canh gác, khi có tình huống xảy ra, Ban chỉ huy PCLB&TKCN của huyện có thể huy động lực lượng ứng cứu hộ đê, ứng cứu cho những trọng điểm và các địa phương khác. Huyện và các xã, thị trấn chuẩn bị đầy đủ các phương tiện vật tư cần thiết như đá hộc, bao tải, mai, xẻng, lều bạt, áo phao, ô tô, xuồng máy... để chủ động cho công tác PCLB. Trước mùa mưa bão, tất cả các hệ thống thông tin liên lạc của 18 xã, thị trấn được khôi phục, 100% trạm bơm tiêu hoạt động bình thường. Chuẩn bị đầy đủ lương thực, chất đốt phục vụ cho công tác PCLB. Các đơn vị xây dựng phương án chống tràn cho các tuyến đê đã được giao, xây dựng phương án di dân cụ thể khi có nguy cơ tràn và vỡ đê. Động viên, hướng dẫn vùng có nguy cơ ngập lũ chuẩn bị các phương tiện thuyền bè nhỏ, dự trữ lương thực, thuốc chữa bệnh, hóa chất xử lý nước để chủ động đối phó khi ngập lũ xảy ra. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác PCLB và coi công tác PCLB là nhiệm vụ của chính mình, khi có bão lũ thì sẽ tự giác tham gia và sẵn sàng đóng góp sức người, sức của để ứng cứu hộ đê, ngăn chặn kịp thời những tình huống xấu xảy ra.
Hồng Giang