Đầu tháng 6, thời tiết nắng nóng nhưng không khí sản xuất ở các nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Yên Mô vẫn nhộn nhịp, sôi nổi. Tại Nhà máy gạch Yên Thành (huyện Yên Mô), thuộc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Hoàng Bá hơn 150 công nhân trong các phân xưởng, tổ sản xuất từ tạo hình, phơi tách, nung, phân loại..., ai cũng miệt mài, cần mẫn làm việc.
Chị Trần Thị Len, công nhân của Nhà máy cho biết: "Hưởng ứng phong trào thi đua lao động sản xuất của Nhà máy, anh em công nhân đã đăng ký và thường xuyên làm tăng giờ, tăng ca, góp sức cùng tập thể hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra."
Dẫn chúng tôi đi thăm Nhà máy, ông Trần Đình Huyn, phụ trách quản lý Nhà máy cho biết: Nhà máy gạch Yên Thành đi vào sản xuất được hơn 3 năm nay. Dây chuyền sản xuất gạch đất nung của Nhà máy là dây chuyền tiên tiến và hiện đại gồm hệ thống chế biến tạo hình, máy tra than tự động, máy nâng gạch và xe gòong...
Các sản phẩm gạch sản xuất ra có độ chính xác cao, chất lượng luôn được đảm bảo và từng bước chiếm lĩnh thị trường vật liệu xây dựng đang có sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hiện nay sản phẩm của Nhà máy được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Nghệ An...
Để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường, mới đây Nhà máy gạch Yên Thành đã lắp đặt và đưa vào hoạt động dây chuyền 2 với công suất 15 vạn viên/ngày, nâng công suất của Nhà máy lên 24-25 vạn viên/ngày.
Từ khi dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động, Nhà máy đã xuất bán ra thị trường 9 triệu viên gạch/tháng, tăng gấp 3 lần so với những tháng đầu năm.
Dự kiến năm 2016, Nhà máy gạch Yên Thành sản xuất và tiêu thụ trên 100 triệu viên gạch các loại, doanh thu ước đạt trên 70 tỷ đồng.
Đồng thời đảm bảo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho 150 lao động, với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.
Nói về chiến lược và giải pháp trong sản xuất, kinh doanh của Doanh nghiệp, ông Hoàng Ngọc Bá, Giám đốc Nhà máy gạch Yên Thành cho biết: Để phát triển đi lên theo hướng ổn định, bền vững, những năm qua, nhất là trong năm 2016 doanh nghiệp đã xây dựng chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường như: Mở rộng sản xuất và công suất của nhà máy với hệ thống sản xuất hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm; mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng dịch vụ mạng lưới phục vụ khách hàng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng môi trường làm việc thân thiện...
Đi đôi với đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, Nhà máy còn quan tâm đến đời sống người lao động, giúp người lao động có thu nhập ổn định, ký kết hợp đồng làm việc dài hạn, đảm bảo đầy đủ các chế độ về bảo hiểm, thưởng… để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Thời điểm này Công ty TNHH may Thịnh Lộc (thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô) cũng đang đẩy mạnh sản xuất với hơn 200 lao động thường xuyên làm việc tăng ca.
Chị Phạm Thị Thanh Loan, Chủ tịch Công đoàn Công ty May Thịnh Lộc cho biết: Công ty chuyên sản xuất các mặt hàng quần áo dệt kim, Jắc-két,... xuất khẩu sang Hàn Quốc. Là đơn vị sản xuất may mặc theo các đơn đặt hàng của đối tác nên Công ty luôn xác định yếu tố quan trọng nhất là tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đối tác với các hợp đồng lớn, dài hạn.
Bởi vì khi có đơn hàng dài hạn với số lượng lớn, Công ty không phải mất thời gian đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật mới cho công nhân. Đồng thời, khi công nhân đã quen tay, quen việc thì hiệu quả, hiệu suất làm việc cũng cao hơn.
Với chiến lược đó, Công ty đã ký được nhiều đơn hàng dài hạn, có số lượng và giá trị hợp đồng lớn, trong đó có những hợp đồng kéo dài từ 3-5 năm.
Nhằm đáp ứng được những hợp đồng dài hạn và các yêu cầu khắt khe của đối tác, Công ty đã đầu tư tu sửa nhà xưởng, đổi mới công nghệ, trang thiết bị hiện đại.
Bên cạnh đó, Công ty còn quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, qua đó tạo sự gắn kết bền chặt giữa doanh nghiệp và người lao động, cùng nỗ lực cho sự phát triển chung của Công ty. Với năng lực sản xuất và đội ngũ công nhân có tay nghề, bình quân mỗi tháng Công ty xuất 80-100 nghìn sản phẩm các loại.
Tạo việc làm thường xuyên cho hơn 200 công nhân lao động trên địa bàn huyện Yên Mô với mức lương bình quân đạt từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Được biết, trên địa bàn huyện Yên Mô hiện có trên 120 công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh thế mạnh: sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, mộc dân dụng...
Từ đầu năm đến nay, mặc dù còn nhiều khó khăn song các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã phát huy nội lực, đổi mới công nghệ, mở rộng và đẩy mạnh sản xuất, góp phần không nhỏ vào giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện. Đồng thời giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định.
Bài, ảnh: Giáng Hương