Trở lại thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2011, xã Yên Mật chỉ đạt 3/19 tiêu chí là điện, bưu điện và an ninh trật tự. Thuận lợi của Yên Mật có được, trước tiên phải kể đến truyền thống đoàn kết, sáng tạo, người dân cần cù, chịu khó.
Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng, khu trung tâm xã, trường học, trạm y tế đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng từ những năm trước đây, nay vẫn đáp ứng được yêu cầu sử dụng. Tuy nhiên, để đạt tiêu chí nông thôn mới vẫn cần đầu tư, mở rộng và nâng cấp thêm.
Đồng chí Trần Trọng Kiên, Chủ tịch UBND xã Yên Mật cho chúng tôi biết thêm: Trước đây, kinh tế Yên Mật hài hòa giữa sản xuất nông nghiệp và làm hàng tiểu thủ công nghiệp. Do phát triển sớm, có kỹ thuật cao nên đến nay Yên Mật có 3 làng nghề thủ công, 1 nghệ nhân cói duy nhất của tỉnh.
Tuy nhiên, theo xu thế chung, cơ cấu kinh tế nông nghiệp giảm dần xuống, các ngành nghề sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được phát triển. Và chính sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế này là một trong những yếu tố quan trọng góp phần đưa Yên Mật trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo số liệu thống kê của xã, năm 2014, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 31,2%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 68,8%. So với cơ cấu kinh tế năm 2011, nông lâm, thủy sản đã giảm 16,8%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng tương ứng 16,8%.
Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đó, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 10,5 triệu đồng/người (năm 2011) đến 26,24 triệu đồng/người (năm 2014).
Đồng thời, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 17,5% xuống còn 2,87%, giảm gần 15% trong 5 năm (2010 - 2015). Những con số trên đã cho thấy, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã Yên Mật là điều đúng đắn, đem lại những kết quả tích cực cho kinh tế của xã nói chung, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nói riêng.
Với số nhân khẩu đăng ký thường trú là hơn 2.100 người, nguồn nhân lực của Yên Mật không dồi dào, đây là một trở ngại lớn trong phát triển kinh tế. Và trong bối cảnh hiện nay do một bộ phận thanh niên, trung niên đã tìm công việc tại các khu công nghiệp ở các huyện, thị khác khiến nguồn lao động tại địa phương càng thiếu hụt. Thế nên, hướng phát triển kinh tế của xã cần có một kế hoạch khá đặc trưng.
Một mặt duy trì sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định lương thực, một mặt phát triển thêm các ngành nghề tạo thu nhập đòi hỏi ít lao động, duy trì và phát huy nghề truyền thống. Xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa theo lợi thế, chủ lực và mang tính chiến lược.
Trong công tác đào tạo nghề, xã đã tổ chức 3 lớp dạy nghề, truyền nghề cho người nghèo, nông dân và phụ nữ. Thúc đẩy thương mại và dịch vụ phát triển ở nhiều hình thức, loại hình như: vật liệu xây dựng, vận tải, buôn bán hàng tạp hóa, may mặc và các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, đời sống dân sinh...
Đến nay, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ của xã ước đạt 75 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Năm 2014, Yên Mật đã hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, hình thành cánh đồng mẫu lớn, sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả cao.
Toàn xã có 10 máy làm đất, 5 máy gặt đập liên hoàn, góp phần giảm chi phí và sức lao động nông nghiệp. Năm 2014, giá trị trên 1 ha đất canh tác đạt 120 triệu đồng, tăng 26 triệu đồng so với năm 2011. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 1.950 tấn.
Cùng với sự phát triển của sản xuất nông nghiệp, các mô hình kinh tế trang trại, gia trại được nhân rộng. Hiện nay toàn xã có 11 gia trại, thu nhập bình quân hàng năm đạt trên 100 triệu đồng/hộ. Toàn xã có gần 1.400 con lợn, 15.000 con gia cầm, hơn 200 con dê. Diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 13 ha.
Như vậy, có thể khẳng định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là yếu tố quan trọng trong việc đưa Yên Mật trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là điều mà không phải địa phương nào cũng làm được.
Bên cạnh đó cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, sự đồng lòng, nhất trí của Đảng bộ và nhân dân trong xã. Trong thời gian tới, xã Yên Mật cần quan tâm là xây dựng nông thôn mới bền vững.
Thái Học