Chúng tôi về thôn Đông Đoài đúng vào dịp bà con nông dân đang tập trung sản xuất vụ Đông, nhưng hoạt động từ các làng nghề truyền thống vẫn khá sôi nổi và hiệu quả. Tại tổ sản xuất của gia đình bác Đỗ Thị Nga có 5 lao động, chủ yếu là chị em phụ nữ đang miệt mài làm các sản phẩm cói xuất khẩu để kịp ngày giao hàng cho Doanh nghiệp Xuân Tình.
Vừa nhanh tay xiên cói, bác Nga vừa kể: Trước đây, người dân chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng nên đời sống rất khó khăn. Khi nghề đan cói xuất khẩu được đưa về địa phương, bà con ai nấy đều phấn khởi và tham gia học nghề.
Từ đó đến nay người dân thôn Đông Đoài luôn gắn bó với nghề chế biến cói xuất khẩu. Có nghề trong tay nên lao động nữ không phải đi làm ăn xa mà vẫn đảm bảo được việc đồng áng, việc nhà, trông con cái,..... Làm lâu, tay nghề cao lên, theo đó thu nhập từ nghề cói cũng tăng dần.
Mỗi ngày bác Nga có thể làm được hơn 2 sản phẩm khay cói, trừ chi phí có thu nhập trên 90 nghìn đồng. Nhờ có nghề truyền thống mà gia đình bác có thu nhập ổn định, có điều kiện lo cho con cái học hành, mua sắm vật dụng gia đình.
Qua trao đổi với người dân và chính quyền địa phương, chúng tôi được biết không chỉ ở thôn Đông Đoài mà ở Yên Lâm hầu hết người dân đều tham gia làm nghề. Nghề làm hàng cói đã có từ lâu rồi, nhưng thực sự phát triển cách đây hơn chục năm.
Với sự phát triển mạnh mẽ của nghề làm hàng cói, xã Yên Lâm đã có 4 làng được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống cấp tỉnh, đó là: làng Đông Đoài, Ngọc Lâm, Đông Yên, Phù Sa. Nghề truyền thống phát triển góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở nơi đây.
Đặc biệt trong những năm gần đây nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc duy trì nghề, phát triển nghề và vai trò của làng nghề trong xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của nghề, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia làm nghề.
Với nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, các doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất, chế biến cói xuất khẩu ở Yên Lâm được thành lập và hoạt động hiệu quả, là địa chỉ đáng tin cậy chuyên cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm cho người lao động.
Các doanh nghiệp và cơ sở, tổ hợp sản xuất đã năng động, nhạy bén nắm bắt cơ hội, tìm kiếm thị trường, đưa các mặt hàng sản xuất từ cói của địa phương đến với nhiều nước trên thế giới.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kết hợp với người lao động sáng tạo ra nhiều mẫu mã sản phẩm mới, đa dạng và phong phú về chủng loại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Từ chỗ sản xuất các mặt hàng đơn giản từ cói như thảm, đệm…thì hiện nay những người thợ làng nghề đã liên tục đổi mới mẫu mã, sản xuất ra hàng trăm mẫu mới như: hộp, túi xách, giỏ, khay đựng…..
Hoạt động làng nghề truyền thống tạo việc làm cho gần 4.000 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân từ 1,8 - 2,5 triệu đồng/người/tháng và đóng góp tích cực vào giá trị sản xuất CN-TTCN của xã.
Cùng với phát triển làng nghề, Yên Lâm còn chú trọng phát triển CN-TTCN theo hướng đa dạng các ngành nghề; quy hoạch, phát triển, khai thác tiềm năng từ cụm công nghiệp. Hiện nay cụm công nghiệp Yên Lâm đã được quy hoạch với diện tích trên 50 ha.
Cùng với các chính sách đầu tư, hỗ trợ từ tỉnh, huyện, chính quyền xã Yên Lâm đã nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động của địa phương.
Đến nay cụm công nghiệp Yên Lâm đã có nhà đầu tư là Công ty Giày da ATHENA đang triển khai xây dựng giai đoạn 1 trên diện tích gần 10ha, dự kiến cuối năm 2016 sẽ đi vào hoạt động, thu hút hàng nghìn lao động địa phương và các xã lân cận vào làm việc.
Dự kiến trong những năm tiếp theo Công ty tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với diện tích trên 10 ha nữa. Còn lại 30 ha, địa phương tiếp tục thu hút các doanh nghiệp chuyên sản xuất may mặc, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, chế biến lương thực thực phẩm vào đầu tư.
Ông Tống Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lâm cho biết: Phát triển CN-TTCN góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người của Yên Lâm đã đạt trên 30 triệu đồng/năm và địa phương phấn đấu cuối năm 2017 sẽ đạt mức 32 triệu đồng/năm, nằm trong nhóm các xã có thu nhập cao nhất huyện Yên Mô.
Trong thời gian tới Yên Lâm tiếp tục chủ động nắm bắt cơ hội, từng bước mở rộng phát triển CN- TTCN và dịch vụ. Phối hợp với các cấp, các ngành, các đơn vị tổ chức các lớp đào tạo nghề mới, nâng cao tay nghề cho người lao động địa phương.
Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục, về mặt bằng để các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất; phối hợp với các cấp, ngành thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp Yên Lâm, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phấn đấu đạt xã chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017.
Bài, ảnh: Hồng Giang