Xã Khánh Lợi là địa phương có nhiều người đi XKLĐ nhất trên địa bàn huyện Yên Khánh kể từ đầu năm tới nay với tổng cộng 20 người đi, nâng tổng số người hiện đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài trên địa bàn xã lên trên 100 người. Gia đình ông Tô Bá Nguyên, thôn Thượng 2, xã Khánh Lợi là một trong số các gia đình "đổi đời" nhờ XKLĐ. Trong ngôi nhà khang trang đầy đủ nội thất, tiện nghi hiện đại, đắt tiền, ông Nguyên cho biết, trước đây, cũng giống như bà con trong xã, cuộc sống của gia đình ông chỉ ở mức trung bình, một năm trông vào hai vụ lúa. Khi các con trai ông Nguyên lớn và lập gia đình, ông Nguyên luôn mong mỏi và động viên các con tìm cách bứt phá trong phát triển kinh tế. Vì vậy, khi được tuyên truyền về công tác XKLĐ, ông Nguyên mạnh dạn vay mượn ngân hàng và họ hàng để lấy vốn cho con trai cả đi XKLĐ tại Nhật Bản với công việc chính là may mặc. Công việc đều đặn, mức lương khá nên chẳng mấy chốc bố con ông Nguyên trả hết nợ và bắt đầu có tích lũy. Vài năm sau, ông Nguyên lại động viên cậu con trai thứ hai theo anh đi xuất khẩu. Đến nay, sau hơn 4 năm có hai con đi XKLĐ, cuộc sống của gia đình ông Nguyên thay đổi hẳn. Có tiền, gia đình ông xây nhà mới, và càng có thêm điều kiện để phát triển kinh tế.
Hiệu quả của công tác XKLĐ đã thực sự làm thay đổi nhận thức cho người dân ở xã thuần nông này. Tuy nhiên, dù ngày càng có nhiều người đi xuất khẩu song những đối tượng mà các chương trình, đề án số 12 của HĐND tỉnh về đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động hướng tới đó là hộ nghèo, hộ cận nghèo thì họ lại chưa mặn mà, mặc dù khi tham gia đi XKLĐ, trong thời gian học nghề, học tiếng, những đối tượng ưu tiên này được hỗ trợ tiền ăn, đi lại và còn được nâng mức vay vốn để tham gia vào những thị trường tiềm năng hơn. Theo thống kê, trong tổng số 20 người đi XKLĐ ở xã Khánh Lợi thì không có lao động nào thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Ông Phạm Đức Triều, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Lợi cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã vẫn còn gần 90 hộ nghèo và trên 100 hộ cận nghèo có lực lượng lao động. Thời gian qua, nhằm thu hút được các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo đi XKLĐ, địa phương phối hợp và tạo điều kiện cho ngành chức năng, các doanh nghiệp về tận thôn, xóm để thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu thị trường. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn chưa thực sự quan tâm đến hướng đi này, trở ngại lớn nhất chính là nhận thức, tư tưởng của người nghèo. Họ lo sợ phải mang thêm nợ, dù rằng đó là khoản vay ưu đãi. Bên cạnh đó, họ cũng không muốn đi làm xa, chấp nhận mức thu nhập thấp hơn để được ở gần nhà.
Theo kết quả khảo sát của huyện Yên Khánh thì hiện nay toàn huyện có trên 148 nghìn người, trong đó dân số trong độ tuổi lao động là 14 nghìn người, trong đó có trên 2 nghìn người có khả năng đi XKLĐ. Cũng qua kết quả rà soát cho thấy, trong tổng số trên 2 nghìn lao động có khả năng đi XKLĐ thì có gần 1 nghìn lao động hiện đang có nhu cầu đi XKLĐ. Nhằm khuyến khích người lao động, nhất là người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đi xuất khẩu, thời gian qua, huyện Yên Khánh đã chỉ đạo các xã, thị trấn lập danh sách những người trong độ tuổi lao động thuộc đối tượng thụ hưởng theo Đề án số 12 để tư vấn, vận động người lao động tham gia XKLĐ… Dựa vào tiềm năng lao động của mỗi địa phương, huyện đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn là 286 lao động.
Để công tác XKLĐ đạt hiêu quả, huyện cũng đã thành lập Ban chỉ đạo Xuất khẩu lao động cấp huyện và cấp xã thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên bám sát cơ sở để tuyên truyền, vận động nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc để giải quyết hoặc đề xuất phương án giải quyết với cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, huyện cũng lựa chọn những doanh nghiệp được Cục Quản lý lao động ngoài nước thẩm định, có nhu cầu tham gia Đề án để cho phép tuyển lao động trên địa bàn huyện đi XKLĐ. Doanh nghiệp phải cam kết thực hiện đúng các quy định của Luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Huyện cũng tạo điều kiện để các đơn vị có chức năng XKLĐ liên kết với các cơ sở dạy nghề thực hiện đào tạo nghề sát với thực tế công việc mà phía đối tác nước ngoài yêu cầu. Việc đào tạo cần được áp dụng cả trước khi tuyển và sau khi trúng tuyển để người lao động có thể nhanh chóng tiếp cận với công việc mới khi sang nước ngoài... Đến nay, toàn huyện có 83 lao động đã xuất khẩu sang các thị trường, chủ yếu là Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, qua khảo sát thì chỉ có 1 lao động thuộc diện hộ nghèo, 4 lao động cận nghèo và 2 lao động thuộc gia đình chính sách.
Đào Hằng