Ông Vũ Văn Chu, cán bộ thú y xã Khánh Nhạc cho biết: Khánh Nhạc là một trong các xã triển khai sớm công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm. Xã đã tổ chức 4 tổ tiêm phòng (mỗi tổ đều có người am hiểu về công tác thú y, xóm trưởng, công an xóm...) chủ động bố trí thời gian, lần lượt đến từng hộ gia đình theo địa bàn được phân công (mỗi tổ khoảng 3 xóm) tiêm phòng cho đàn gia cầm.
Đến ngày 27-2, các tổ đã thực hiện tiêm vắc xin cho khoảng 18.000 con gà và vịt trong diện tiêm. Ước tính đàn gà, vịt, ngan, ngỗng trong diện tiêm phòng của xã có khoảng 25.000 con và đến hết ngày 28-2, việc tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gà và vịt của xã đã cơ bản hoàn tất.
Xã Khánh Thành cũng là một trong những địa phương triển khai sớm công tác tiêm phòng vắc xin cúm cho đàn gia cầm. Ông Đỗ Văn Quân, cán bộ thú y xã cho biết: Ngày đầu ra quân, xã tập trung tiêm phòng cho đàn thủy cầm, các hộ chăn nuôi với số lượng lớn. Ước tính tổng đàn gia cầm trên địa bàn xã trong diện phải tiêm khoảng 26.000 con, nhưng trong đợt này chủ yếu tiêm phòng cho đàn vịt với số lượng khoảng 16.000-17.000 con. Xã đã tổ chức 4 tổ tiêm và phân công theo địa bàn các xóm để thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Đức Toàn, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi-Thú y huyện Yên Khánh cho biết: Theo kế hoạch, đến ngày 15-3, mới chính thức vào vụ tiêm phòng xuân hè cho các đối tượng vật nuôi với khoảng trên 750.000 con gia cầm trong diện phải tiêm phòng vắc xin cúm. Dịch cúm gia cầm đang diễn biến rất khó lường. Nam Định tỉnh giáp ranh với tỉnh ta đã có dịch xảy ra, do đó nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn huyện khá cao.
Từ tình hình thực tế trên, Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện đã chỉ đạo cán bộ thú y các xã giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh gia cầm tại các thôn, xóm, phố, nhất là những khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời các ổ dịch.
Thường xuyên kiểm tra các khu vực tập kết, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Chuẩn bị lực lượng, đảm bảo cơ số vật tư, hóa chất cần thiết để ứng phó kịp thời khi có dịch xảy ra.
Các địa phương khẩn trương rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật để tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm có hiệu quả nhất, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức của nhân dân, thực hiện hiệu quả hoạt động phòng dịch, kiểm dịch tại các hộ chăn nuôi và kiểm dịch, kiểm soát việc kinh doanh, buôn bán, vận chuyển gia cầm từ các vùng lân cận vào địa bàn tỉnh.
Cấp phát đầy đủ hóa chất, thuốc, vắc xin cho các cơ sở chăn nuôi…; giám sát phát hiện, đấu tranh, không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Vận động người chăn nuôi chỉ mua gia cầm giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y; người tiêu dùng chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được kiểm soát thú y để sử dụng làm thực phẩm.
Các hộ gia đình chăn nuôi chủ động vệ sinh chuồng trại; thường xuyên hoặc định kỳ dùng vôi bột hoặc hóa chất sát trùng cho khu chuồng trại, khu vực nuôi, vùng phụ cận; tiêu hủy các phụ phẩm, phế phẩm trong chăn nuôi. Tổ chức tốt công tác tiêm phòng theo kế hoạch của tỉnh đối với các loại vật nuôi khác.
Đinh Chúc