Ông Nguyễn Đình Toàn, Phó trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Vừa qua, chúng tôi đã tập huấn cho cán bộ, chuyên môn của 19/19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện về các biện pháp phòng, chống bệnh lùn sọc đen.
Bên cạnh đó, Phòng cũng liên tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức và trên các phương tiện thông tin đại chúng về cách nhận biết, tác hại của rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen để mọi người dân cùng biết, từ đó, tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Ngoài ra, các cán bộ kỹ thuật được cử xuống các địa phương tăng cường điều tra, phát hiện, xác định mật độ các lứa rầy; định kỳ lấy mẫu rầy, lúa gửi đi xét nghiệm đánh giá mức độ lưu hành của virus gây bệnh, từ đó có biện pháp xử lý, phòng trừ hiệu quả môi giới truyền bệnh.
Vụ mùa 2017, huyện Yên Khánh có gần 400 ha lúa bị nhiễm bệnh lùn sọc đen, trong đó diện tích bị nhiễm nặng là 135 ha, diện tích bị giảm trên 70% năng suất là gần 42 ha.
Bệnh lùn sọc đen đã gây lo lắng trong nhân dân và ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất trên địa bàn, vì thế cũng không là quá sớm nếu ngay từ bây giờ huyện Yên Khánh và các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nông dân nắm bắt được và sớm triển khai các biện pháp quản lý, phòng trừ loại bệnh nguy hiểm này.
Vụ mùa 2018, Yên Khánh dự kiến gieo trồng 8.130 ha, trong đó có 7.600 ha lúa. Nhằm tiêu diệt mầm bệnh lùn sọc đen, việc làm đất được các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai từ rất sớm, ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân.
Hiện toàn huyện đã cơ bản hoàn thành việc làm đất lần 1, triển khai làm đất lần 2 được trên 2,6 nghìn ha. Song song với làm đất, bà con cũng tập trung làm vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ bờ ruộng, mương dẫn nước, đốt tàn dư thực vật từ cây lúa, ngô ngay sau khi thu hoạch.
Về cơ cấu giống lúa, huyện cũng kiên quyết không đưa các giống lúa đã bị nhiễm bệnh lùn sọc đen nặng vào sản xuất. Riêng với diện tích mạ, lúa đã gieo đều được giám sát chặt chẽ ngăn ngừa rầy lưng trắng xâm nhập truyền bệnh, nhất là ở những vùng trước đó đã bị bệnh.
Được biệt, hiện nay tại xã Khánh Nhạc và một số xã khác, bà con nông dân còn sử dụng các chế phẩm vi sinh, vôi bột để xử lý rơm rạ, vừa giúp triệt tiêu mầm bệnh, vừa để cây lúa không bị ói chua, mà phát triển thuận lợi ngay từ đầu.
Hiện tại, huyện vẫn tổ chức kiểm tra, đôn đốc, cử cán bộ chuyên môn theo dõi chặt chẽ quá trình phòng trừ bệnh lùn sọc đen. Ngoài ra huyện còn yêu cầu Phòng Nông nghiệp & PTNT phối hợp với các đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn, tham mưu xử lý các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Huyện cũng yêu cầu các ngành chuyên môn phối hợp với các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động đến các hội viên, nông dân tham gia phòng trừ hiệu quả bệnh lùn sọc đen, phòng tránh đến mức thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Hà Phương