Tham dự có các đồng chí: Trần Văn Bách, Giám đốc sở NN&PTNT; Phạm Quang Ngọc, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh; Các phòng chuyên môn của huyện; Chủ nhiệm, cán bộ kỹ thuật của các HTX trong huyện.
Gieo vãi là biện pháp canh tác nông nghiệp không còn mới đối với nhiều địa phương, nhất là đối với xã Khánh Hải. Vụ đông xuân 2012, Khánh Hải dự kiến gieo cấy 410 ha lúa, trong đó có tới 253,9 ha sử dụng bằng biện pháp gieo vãi, chiems 61% tổng diện tích lúa của xã. Khánh Hải lại là 1 trong 7 xã được huyện chọn xây dựng cánh đồng mẫu với các tiêu chí: Diện tích phải từ 100 ha trở lên; Gieo cấy cùng 1 loại giống lúa chất lượng cao và đồng trà; Cùng một quy trình canh tác, kỹ thuật chăm sóc; Áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch.
Để đảm bảo đạt được các tiêu chí của cánh đồng mẫu, Khánh Hải đã bố trí khu đồng trên 100 ha thuộc 3 HTX ( Vân Bòng 30 ha, Nhuận Hải 40, Đông Mai 30 ha) là khu cánh đồng mẫu. Trên cánh đồng này, khâu gieo cấy Khánh Hải sử dụng biện pháp canh tác gieo vãi và chỉ đạo nông dân thực hiện trong thời gian từ 12-18/2 với cùng một loại giống là QR1. Trước đó khâu làm đất đã được triển khai bằng loại máy lồng nhỏ, đảm bảo đất nhuyễn, phẳng. Cán bộ phòng NN&PTNT huyện đã trực tiếp hướng dẫn cho các đại biểu về việc san ruộng, lên luống, kỹ thuật gieo mộng mạ đảm bảo mức từ 1,3-1,5 kg giống (tương đương 1,8-2 kg mộng mạ)/sào.
Dự kiến không chỉ có cánh đồng mẫu, mà các khu ruộng khác cũng sử dụng biện pháp canh tác này với tổng diện tích lúa gieo vãi khu vực đó lên tới 150 ha.
Ưu điểm của biện pháp canh tác này là: Bỏ qua được khâu gieo mạ, không tốn công cấy, giải quyết được vấn đề nhân lực trong lúc thời vụ căng thẳng…Tuy nhiên biện pháp này chỉ nên áp dụng ở những khu đồng có hệ thống kênh mương hoàn chỉnh, tưới tiêu thuận lợi và phải phun thuốc trừ cỏ ngay từ đầu.
Đinh Chúc