Đến ngày 13-11, toàn huyện đã trồng được trên 5.400 ha cây vụ đông, chiếm 70% diện tích đất nông nghiệp, vượt 570 ha so với kế hoạch giao. Nhiều diện tích cây trồng đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển tốt. Đi đến đâu cũng hiện lên màu xanh non mơn mởn của ngô, khoai, đậu…, hứa hẹn một vụ đông hiệu quả, thắng lợi cả về năng suất, sản lượng, giá trị, góp phần tăng hệ số sử dụng đất, thu nhập cho nông dân Yên Khánh.
Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, Nghị quyết 05 của Huyện ủy, nông dân trong huyện đã tích cực mở rộng diện tích cây đông, không chỉ trên đất màu mà còn phát triển rộng khắp trên đất 2 lúa. Với Yên Khánh, vụ đông đang trở thành vụ sản xuất chính với đa dạng cây có giá trị hàng hóa cao. Nhiều loại cây dễ làm, phù hợp với đồng đất, đầu tư vừa phải và dễ tiêu thụ trên thị trường được nhân diện rộng như đậu tương trên 3.726 ha, ngô 800 ha, khoai lang, lạc, dưa chuột, bí xanh, rau các loại…
Các địa phương có kinh nghiệm thâm canh, bên cạnh việc duy trì, mở rộng diện tích những cây chủ lực trên, còn chú trọng đưa vào các loại cây mới cung cấp nguyên liệu cho các công ty chế biến sản phẩm xuất khẩu như ngô ngọt, ớt, dưa bao tử… Bởi vậy, có đơn vị diện tích cây đông tăng lên đáng kể, chiếm gần 80% diện tích đất nông nghiệp như Khánh Hải, Khánh Thành, Khánh Trung, Khánh Công…
Phong trào sản xuất vụ đông trên địa bàn đã thu hút sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Các tổ chức đoàn thể ngoài việc vận động đoàn viên, hội viên tích cực sản xuất tại gia đình, nhiều tổ chức hội còn trực tiếp triển khai tổ chức sản xuất, tạo ra nhiều cách làm mới, mô hình hay nhằm mục đích tăng thu nhập, gây quỹ hội như Hội phụ nữ xã Khánh An đã trồng trên 20 ha đậu tương…
Để vụ đông thuận lợi, các HTX, trạm BVTV, trạm khuyến nông phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cây vụ đông cho các hộ trực tiếp sản xuất; chuẩn bị tốt các khâu thiết yếu phục vụ sản xuất như làm đất, cung ứng giống, bán trả chậm vật tư, cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm…
Một số đơn vị ngoài hỗ trợ của tỉnh, huyện còn có thêm các hình thức hỗ trợ khác cho bà con xã viên như làm đất, hỗ trợ phân bón. UBND huyện, Phòng Nông nghiệp huyện đã chỉ đạo các đơn vị phải quan tâm, chú ý dự tính, dự báo sâu bệnh, dự báo thời tiết kịp thời để có biện pháp chủ động phòng trừ, giảm thiểu thiệt hại xảy ra. Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn thường xuyên hướng dẫn bà con xã viên các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Đối với cây đậu tương, các HTX Nông nghiệp đang tích cực đôn đốc bà con xã viên chủ động tạo rãnh thoát nước để tưới tiêu thuận lợi, không để nước ứ đọng trên mặt luống hoặc khô hạn, gây hiện tượng thối thân lở cổ rễ làm chết cây; tập trung tỉa dặm đảm bảo mật độ từ 45 - 50 cây/m2 tạo điều kiện cho cây phân cành.
Những diện tích đậu tương bị nhiễm sâu khoang được tổ chức phun thuốc đặc hiệu như Supermor 24SL, Vitashiel 40EC, Tasodan 600EC…, diện tích bị bệnh thối rễ, lở cổ rễ, giòi đục thân, nõn phun bằng thuốc Regent 800WG, Validacin 3L… Diện tích đậu tương từ 1 - 2 lá thật được bón 10 - 15 kg lân kết hợp với 2 - 3 kg đạm urê, đậu tương được 4 - 5 lá thật bón tiếp 2 - 3 kg đạm và 2 kg kali.
Với cây ngô, nông dân cũng thường xuyên chăm bón bổ sung, sử dụng phân bón ngâm, pha loãng tưới, khắc phục hiện tượng đỏ huyết dụ xảy ra, vun xới phá váng, vun kín gốc để tạo điều kiện cho rễ phát triển, chống đổ cây. Cây khoai tây, rau các loại còn thời vụ cho phép, cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân trồng đúng cách, nhất là đối với khâu bổ củ giống, vết cắt phải được chấm vào tro bếp hoặc xi măng khô, hạn chế sự lây lan của bệnh ở giai đoạn củ giống để cây phát triển tốt.
Những diện tích trồng bí xanh, dưa không để độ ẩm cao, tưới tiêu nước kịp thời, tổ chức phun phòng trừ bệnh thối thân bằng thuốc Validacin 5L, Topxin - M75WP… Với những biện pháp chăm sóc tích cực, cây đông trồng trên đồng đất Yên Khánh đang phát triển thuận lợi, hứa hẹn cho hiệu quả cao.
Hoàng Tâm