Lãnh đạo Chi nhánh khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) huyện Yên Khánh cho biết: Để đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân, Chi nhánh KTCTTL đã xây dựng kế hoạch sửa chữa các công trình, nạo vét kênh mương, bể hút, kênh dẫn, kênh tưới, trạm bơm, các cống dưới đê, đảm bảo 100% máy móc, thiết bị sẵn sàng vận hành cho việc tưới và chống hạn vụ đông xuân. Tổ chức tập huấn đo độ mặn, kiểm tra chất lượng nước, đưa nước vào đồng ruộng.
Chi nhánh phối hợp với các HTX nông nghiệp đẩy mạnh công tác thủy lợi nội đồng, đắp bờ vùng giữ nước mặt ruộng; kiểm tra, sửa chữa máy móc, thiết bị, nạo vét các tuyến sông, kênh dẫn vào trạm bơm tưới và kiên cố hóa một số kênh; đồng thời huy động toàn bộ hệ thống bơm điện, bơm dầu trên địa bàn, đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ nhân dân làm đất gieo cấy lúa đông xuân.
Chi nhánh đã xây dựng kế hoạch điều tiết nước cụ thể, chi tiết cho từng vùng gieo cấy, phù hợp với lịch gieo cấy của huyện như: Vùng tưới bằng kênh cánh Diều, Chi nhánh phối hợp với các HTX vận hành, điều tiết nước tập trung từ ngày 10-1-2015 đảm bảo đủ nước làm đất, gieo cấy theo lịch sản xuất của các đơn vị. Vùng bơm điện, từ ngày 20-1 tập trung vận hành máy bơm nước. Vùng tưới bằng thủy triều, từ ngày 3-1 tổ chức lấy nước thau chua rửa mặn; từ ngày 18 đến 23-1 bắt đầu lấy nước bừa ngả; từ ngày 1-2 đến ngày 5-2 lấy nước bừa cấy, giữ nước trong ruộng, hệ thống kênh mương để có nước làm đất gieo cấy; từ ngày 17-2 điều tiết nước để cấy và dưỡng lúa sau khi cấy...
Đồng chí Đinh Văn Vọng, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết: Vụ đông xuân năm nay toàn huyện gieo trồng 8.600 ha cây trồng các loại, trong đó có 7.400 ha lúa, năng suất phấn đấu 67,5 tạ/ha; 800 ha cây lạc; 260 ha rau đậu; 20 ha khoai lang; 10 ha ngô, 30 ha dưa chuột. Tổng giá trị sản phẩm đạt 498 tỷ đồng, giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt 58 triệu đồng.
Bước vào vụ sản xuất đông xuân năm nay, Yên Khánh có rất nhiều thuận lợi như cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được tăng cường, bổ sung. Công tác dồn điền đổi thửa đã hoàn thành, hệ thống thủy lợi nội đồng được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp; đồng ruộng được chỉnh trang tạo thuận lợi cho tổ chức điều hành sản xuất, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất.
Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhiều mô hình đã được ứng dụng trong thực tiễn sản xuất có hiệu quả, giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng hiệu quả kinh tế. Bên canh những thuận lợi thì cũng gặp không ít khó khăn là thời tiết diễn biến phức tạp; giá lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật vẫn ở mức cao; thời vụ gieo cấy trùng với thời gian đón Tết Nguyên đán do vậy cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương mới đảm bảo thời vụ gieo cấy đông xuân.
Để đạt mục tiêu đề ra, huyện chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động xây dựng và triển khai sớm kế hoạch sản xuất vụ xuân. Tiếp tục mở rộng quy mô cánh đồng mẫu lớn để cấy cùng giống, cùng trà; mở rộng diện tích gieo sạ ở những vùng chủ động tưới tiêu, phấn đấu đạt từ 40- 50% diện tích gieo sạ. Thực hiện tốt việc liên kết 4 nhà trong tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Tiếp thu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống cây trồng, biện pháp thâm canh; đẩy mạnh đưa cơ giới vào khâu thu hoạch, mở rộng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất vụ xuân như: mướp đắng, dưa chuột, ớt tại xã Khánh Thành, Khánh Hồng; cà chua nhót tại xã Khánh Nhạc; chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi con đặc sản như cá lóc bông, cá trắm đen, chạch trấu… ở xã Khánh Thành, Khánh Thủy.
Các xã, HTX tập trung chỉ đạo, điều hành khâu cung ứng giống cây trồng, phân bón, làm đất, tưới tiêu đảm bảo thời gian và thời vụ cày lật đất xong trong tháng 1-2015; bừa dập, bừa được cấy xong trước ngày 10-2 để gieo cấy xong 100% diện tích lúa trước ngày 25-2. Cơ cấu giống, mùa vụ cũng được các địa phương triển khai chuyển đổi khá tốt với 100% diện tích là lúa xuân muộn, trong đó 10-15% là giống lúa lai gồm các giống Phú ưu số 1, phú ưu 978, nhị ưu 838; còn lại 85-90% là giống lúa thuần có chất lượng gạo ngon như QR1, DQ11, LT2, Bắc thơm số 7, thơm RVT, hoa ưu 109, nếp 97... Gieo mạ nền hoặc dày xúc từ ngày 20- 28-1 có che phủ nilon chống rét cho mạ; gieo sạ từ ngày 5 đến 12-2.
Huyện chỉ đạo các địa phương tập trung xuống đồng cấy từ ngày 10/2, nếu thời tiết thuận lợi phấn đấu kết thúc gieo cấy xong trước Tết nguyên đán. Đối với cây lạc, đưa vào trồng các giống lạc mới có tiềm năng năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh khá và cho giá trị kinh tế cao như L14, L15, MD7, TQ1, Sư tuyển, Sán dầu 30. Thời gian gieo lạc xuân vào xung quanh tiết lập xuân từ ngày 3 - 10-2. Một số cây trồng khác như dưa các loại, bầu bí, ngô ngọt, cà chua... cũng được kết thúc trồng trong tháng 2.
Để vụ sản xuất đông xuân thắng lợi, Huyện chỉ đạo phòng Nông nghiệp & PTNT, các xã, thị trấn hướng dẫn bà con nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh. Trong chăm bón, thực hiện tốt phương châm bón đúng, bón đủ, cân đối NPK theo nhu cầu của mỗi loại cây trồng và tùy từng chân đất để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả từng loại cây trồng.
Đối với cây lúa, tiến hành bón thúc sớm, nhanh gọn để lúa đẻ nhánh tập trung trong tháng 3, trỗ bông trong khung thời vụ tốt nhất. Đối với cây lạc, tập trung chăm bón sớm, khi lạc được từ 1- 2 lá thật sử dụng lân, đạm hòa loãng để tưới kết hợp xới xáo nhẹ. Khi lạc 4-5 lá tiếp tục bón thêm đạm và kali, kết hợp với xới xáo sâu để lạc đâm tia, phân cành.
Cùng với chăm bón, huyện chỉ đạo bà con nông dân thực hiện tốt biện pháp tưới tiêu khoa học nhằm tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng, phát triển. Thường xuyên kiểm tra, thăm đồng nắm tình hình sâu bệnh để hướng dẫn nông dân biện pháp phòng trừ đúng lúc, đúng cách, đúng thuốc đảm bảo hiệu quả, hạn chế ô nhiễm môi trường; phát động nhân dân diệt chuột bảo vệ mùa màng, phấn đấu giành thắng lợi vụ đông xuân.
Thanh Chiên