Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh cho biết: Ngay sau khi cấy xong, huyện chỉ đạo bà con nông dân tập trung chăm bón, phòng trừ sâu bệnh cho lạc và lúa xuân. Trong khâu chăm bón, thực hiện tốt phương châm "bón đúng, bón đủ, cân đối NPK" theo nhu cầu của mỗi loại cây trồng và tùy từng chân đất để bón. Đối với cây lúa, tiến hành bón thúc sớm, nhanh gọn, tập trung hơn các năm và kết hợp với làm cỏ, sục bùn để lúa đẻ nhánh nhanh gọn, tăng số dảnh hữu hiệu, hạn chế sâu bệnh và trỗ bông trong khung thời vụ tốt nhất. Thực hiện tốt biện pháp tưới tiêu khoa học và phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của lúa để tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh nhanh, tăng sức đề kháng sâu bệnh và trỗ bông vào đúng thời điểm thích hợp. Chính vì thế, lúa và lạc năm nay phát triển tốt, độ đồng đều cao hơn vụ xuân năm 2008. Hiện nay, lúa xuân đang trong giai đoạn phân hóa đòng, lạc đang hoa.
Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy trên đồng ruộng một số đối tượng sâu bệnh đã và đang phát triển, gây hại cho lúa như: Bệnh đạo ôn đang phát triển khá mạnh ở các xã Khánh Nhạc, Khánh Hồng, Khánh Mậu, Khánh Hòa, Khánh Tiên, Khánh Trung… với diện tích phải phun trừ là trên 1.000 ha; tập trung chủ yếu trên giống Nếp Mỹ, Q5, LT2, Bắc Thơm số 7, D.ưu 527, Nhị ưu 838, CNR 5104. Rầy các loại lứa 2 tiếp tục nở rộ và gây hại với mật độ rầy trung bình khoảng 1.000 con/m2, nơi cao trên 2.000 con/m2…
Yên Khánh chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX tập trung triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống sâu bệnh cho lúa, màu. Chủ động điều tiết nước hợp lý, rút kiệt nước đệm từ 5 - 7 ngày giúp cho bộ rễ ăn sâu, tạo điều kiện cho lúa cứng cây, hạn chế đẻ nhánh vô hiệu, giảm sâu bệnh. Các tổ bảo vệ thực vật, cán bộ khuyến nông cơ sở tăng cường kiểm tra đồng ruộng, đánh giá đúng tình hình sâu bệnh của đơn vị mình để có biện pháp chỉ đạo phòng trừ hiệu quả. Hướng dẫn nông dân tự kiểm tra, xác định đúng đối tượng sâu bệnh gây hại, khoanh vùng những diện tích đến ngưỡng phải phòng trừ, tránh phun thuốc tràn lan gây lãng phí, ô nhiễm môi trường. Đối với rầy nâu, rầy các loại, thông báo, hướng dẫn nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ rầy có mật độ trên 2.000 con/m2 bằng các loại thuốc đặc hiệu như Conphai 15WP, Actador 100WP, Penalty Gold 50EC, Sutin 5SC, Dantotsu 16WSG. Đối với bệnh đạo ôn, đặc biệt quan tâm những giống lúa nhiễm bệnh như Q5, Nhị ưu 838, Nếp Mỹ, D.ưu 527. Hướng dẫn nông dân dùng các loại thuốc Fujione 40WP, BeamSuper 75WP, Kabim, Bump… để phòng trừ cho những diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn, đảm bảo liều lượng nước thuốc đã pha từ 20- 30 lít/sào. Sau khi phun 5 - 7 ngày kiểm tra lại nếu bệnh chưa giảm tiến hành phun tiếp lần 2. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, chỉ đạo phun trừ cục bộ đối với những diện tích có mật độ trên 20 con/m2 bằng các loại thuốc Regent 800WG, Regell 800WG, Dogent 800WG, Tango 800WG. Những diện tích có mật độ cao thì tăng nồng độ thuốc lên 1,5 - 2 lần… Đồng thời phát động bà con nông dân diệt chuột bằng các biện pháp thủ công như: Soi đèn, cạm, bẫy để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra, góp phần giành vụ đông xuân thắng lợi.
Thanh Chiên