Thời gian vừa qua do thời tiết nắng nóng, mưa nắng thất thường đã tạo điều kiện cho sâu bệnh phát sinh và gây hại. Qua điều tra của Trạm BVTV huyện cho thấy, nhiều đối tượng sâu bệnh đang có nguy cơ gây hại mạnh trên diện rộng: sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 gây hại rải rác trên các trà lúa, tập trung ở các xã giáp huyện Kim Sơn với diện tích bị nhiễm là 500 ha. Trong đó có 300 ha bị nhiễm nặng với mật độ 10-50 con/m2 cần phải phun trừ. Riêng sâu đục thân lúa 2 chấm, do vụ này các xã làm đất nhanh, thời vụ gieo cấy gọn nên áp lực sâu không lớn.
Tuy nhiên ở các xã phía Bắc huyện (Khánh Tiên, Khánh Hải, Khánh Cư…) do gieo cấy sớm lại ở gần khu công nghiệp nên mật độ sâu cao nếu không phun trừ kịp thời có thể làm giảm 8-15% năng suất. Bệnh khô vằn phát sinh và gây hại với diện tích lớn (1.500 ha). Rầy nâu và rầy các loại hại cục bộ trên các trà lúa, tập trung ở các xã phía Nam, mật độ nơi cao 700 con/m2, cá biệt có nơi lên tới 1.500-5.000 con/m2, cao gấp nhiều lần so với vụ mùa năm 2008.
Để hạn chế tới mức thấp nhất khả năng gây hại của các đối tượng sâu bệnh, huyện Yên Khánh đã chỉ đạo các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp tập trung thực hiện nghiêm túc việc phòng trừ sâu bệnh. Tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời đưa ra những biện pháp đối phó. Đặc biệt chú trọng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh 3 cấp để nhân dân nắm rõ tình hình sâu bệnh, tiến hành phun trừ một cách đồng loạt, đúng kỹ thuật nhằm đạt hiệu quả tốt nhất.
Đồng chí Phạm Thị Dung, Trạm trưởng Trạm BVTV Yên Khánh cho biết: Do phần lớn bà con nông dân trong huyện đều nắm vững kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM nên bón phân cân đối, đúng liều lượng, chỉ sử dụng thuốc hóa học khi đến ngưỡng phòng trừ. Thêm vào đó, với những đơn vị bị sâu bệnh hại mạnh, Trạm thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn chi tiết cho bà con nông dân từ loại thuốc, nồng độ, cách phun trừ… nên đa phần họ đều sử dụng thuốc đúng quy cách. Vụ mùa này sâu bệnh khá nhiều nhưng Trạm đã chỉ đạo các đơn vị phun trừ được 2.000 ha lúa bị bệnh khô vằn, một số diện tích bị nhiễm sâu đục thân 2 chấm và sâu cuốn lá nhỏ.
Trong thời gian từ 22 đến 25-8, Trạm tiếp tục chỉ đạo bà con ở các xã phía Nam của huyện phun trừ rầy nâu; phun trừ thêm khoảng 3.000 ha lúa bị nhiễm khô vằn bằng các thuốc: Calihex 25SC, Hexin 25SC, Validacin 5L, Levin 5L… Từ ngày 25-8 đến 10-9 sẽ phun trừ sâu đục thân với diện tích dự kiến là 3.500 ha, sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như: Tasodant 600 EC, Dupont prevathon 5 SC, Lorsban 40 EC, Virtako 30 EC.
Bên cạnh việc phát hiện và phun trừ sâu bệnh kịp thời, huyện Yên Khánh còn chỉ đạo các ban, ngành và cơ quan chức năng tăng cường việc kiểm tra, quản lý các đại lý thuốc BVTV nhằm đảm bảo cho người dân không mua phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng để tăng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.
Nguyễn Lựu