Trên các cánh đồng Đồng Gồ, Đồng Cửa, Gốc Xá… (xã Khánh Hải) những ngày này nước đã được rút cạn, nhiều nông dân đang tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, cấy dặm, bắt ốc bươu vàng.
Bà Phạm Thị Khuyên dành cả buổi chiều chỉ để té nước rửa bùn trên lá lúa, bà cho biết: Gia đình tôi có 1 mẫu lúa, trong đó có 6 sào gieo sạ. Hôm bão về, ruộng ngập nước, tưởng như mất trắng nhưng nhờ nỗ lực của đội thủy nông, HTX, chỉ hơn 1 ngày bơm tát là nước rút hết.
Tuy nhiên, nước rút đi để lại 1 lớp bùn trên lá, theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, tôi đang tranh thủ té nước rửa qua, tạo điều kiện cho cây quang hợp. Bên cạnh đó, qua kiểm tra, một số điểm đầu rãnh, trũng, lúa bị chết rải rác, tôi tính đợi cây lúa ổn định trở lại sẽ tiến hành cấy dặm, đồng thời phun phân bón lá để cây lúa mau phục hồi.
Nhằm giúp người dân sớm ổn định sản xuất, UBND xã Khánh Hải đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn, các HTX, ban lãnh đạo các thôn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân dọn vệ sinh môi trường, nạo vét kênh mương tiêu úng cho cây trồng. Tập trung chăm bón để lúa phục hồi nhanh. Riêng những diện tích bị thiệt hại nặng không có khả năng hồi phục khẩn trương làm đất, gieo lại bằng các giống ngắn ngày.
Còn tại xã Khánh Hồng, địa phương có diện tích cây màu bị thiệt hại nhiều nhất huyện Yên Khánh với 50 ha rau các loại, 5 ha ngô; 3,5 ha đậu xanh; 0,5 ha đậu tương bị dập nát, gãy đổ. Ngay sau khi bão tan, nông dân ở đây đã tập trung ra đồng thu dọn cây que, nilon, đồng thời thu hoạch những gì còn sót lại, tranh thủ mang bán mong vớt vát lại chút vốn.
Nhìn ruộng dưa lê hơn 5 sào đang thì thu hoạch, quả trắng luống nhưng dây thì đã chết héo hàng loạt, ông Chu Văn Bạo (xóm 10, Khánh Hải) xót xa: 1,4 mẫu rau màu các loại, trong đó có 5 sào dưa lê bắt đầu vào thu hoạch, 2 sào mướp đắng đang mỗi ngày hái cả tạ quả rồi dưa chuột mới ra luống. Tính "non" cơn bão này cũng làm gia đình ông thiệt hại 30 triệu đồng.
Tuy nhiên, không chịu khuất phục trước thiên nhiên, ông Bạo quả quyết: May mắn gia đình tôi vẫn còn lưu giữ được một ít cây dưa chuột giống, nay mai tôi lại tiếp tục xuống giống 2 sào này, đây là giống cây ngắn ngày nhất nên đảm bảo đến lúc thu giá sẽ rất cao.
Ngoài ra, sau cơn bão, nhiều Công ty giống cây trồng đã chia sẻ, tặng gia đình một số loại giống rau, tôi sẽ thuê thêm nhân công nhanh chóng làm đất để gieo trồng kịp vụ đông sớm để thu hoạch vào thời điểm giá cao nhất, bù lại những mất mát vừa qua.
Vườn rau giống hơn 3 sào của ông Đinh Văn Nghị (xóm 10, Khánh Hồng) đã được 2-3 lá, chờ vài ngày nữa là có thể ra ruộng. Tuy nhiên, sau cơn bão số 1, chỉ còn lại duy nhất 2 luống rau thì là và vài luống bắp cải là chưa bị dập nát. Dưới cái nắng gắt sau bão, ông Nghị cặm cụi che chắn lại lớp lưới đen với hy vọng "Còn cây nào bật lên được thì bật".
Ông Nghị cho biết, thời điểm này, bà con trong xã đang thu hoạch các cây màu vụ hè thu, thậm chí có nhà đã làm đất chỉ chờ vài ngày nữa là xuống giống vụ rau đông sớm, thế mà hơn 15 vạn cây bắp cải giống của ông trôi theo mưa bão, mặc dù ông đã đầu tư kỹ lưỡng làm vòm, căng 2 lớp lưới rồi áo mưa để che chắn. "Lại cuốc lên, rắc phân lại, lại gieo hạt giống chứ chả làm được cái gì cả. Chỉ tiếc là lỡ mất vụ cây rau sớm, vụ sản xuất cho thu nhập cao nhất của năm", ông Nghị chia sẻ.
Theo số liệu thống kê của HTX dịch vụ nông nghiệp Yên Lạc (xã Khánh Hồng), toàn HTX có khoảng 45 ha chuyên canh rau màu, tuy nhiên, gần như toàn bộ diện tích này đã bị thiệt hại sau bão. Không chỉ thiệt hại về cây trồng mà nhiều vật tư khác như cây que để làm giàn, các loại nilon che phủ luống, lưới chống nắng cũng bị hư hỏng nặng.
Bên cạnh đó, sau bão, mưa nắng thất thường khiến cho việc gieo trồng đợt rau mới của người nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện nay HTX đang hướng dẫn bà con tập trung chăm sóc những diện tích cây trồng còn lại, chủ động phun các loại phân bón lá để cây mau hồi phục. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, trong đó lưu ý đến bệnh bạc lá trên lúa để kịp thời phun trừ khi đến ngưỡng.
Bên cạnh đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, đặc biệt là cơn bão số 2, lựa chọn thời điểm xuống giống thích hợp để tránh thiệt hại.
UBND huyện Yên Khánh cho biết: Do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 1, trên địa bàn huyện đã có mưa to, gió lớn với lượng mưa đo được từ ngày 27-29/7 là gần 200 mm, gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp với trên 90% diện tích lúa mới gieo cấy bị ngập trắng, hơn 400 ha rau màu và hàng trăm cây ăn quả, cây lâm nghiệp bị đổ gãy.
Ngay sau đó, các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp trên toàn huyện đã chủ động 250 máy bơm dầu và phối hợp cùng với Chi nhánh KTCTTL huyện để bơm tiêu úng kịp thời. Đến ngày 31-7-2016, toàn bộ diện tích cây trồng bị ngập úng trên địa bàn huyện đã cơ bản khắc phục xong.
Tuy nhiên, toàn huyện vẫn có 50 ha lúa và hơn 400 ha rau màu bị thiệt hại hoàn toàn. UBND huyện đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các HTX nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh KTCTTL chủ động điều tiết nước hợp lý cho cây lúa, nhất là diện tích lúa mới gieo sạ để lúa phục hồi nhanh. Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm BVTV, Trạm Khuyến nông cử cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở; phối hợp với địa phương hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng.
Đối với những diện tích lúa không thể phục hồi thì khẩn trương gieo lại bằng các giống ngắn ngày. Riêng với vùng đất màu, huyện chỉ đạo các xã hướng dẫn bà con vệ sinh đồng ruộng, làm đất, xử lý vôi để tiến hành xuống giống các cây rau màu ngắn ngày phục vụ kịp thời nhu cầu tiêu dùng. UBND các xã tiến hành rà soát, đánh giá, báo cáo diện tích cây trồng bị thiệt hại để đề xuất hỗ trợ sớm khôi phục sản xuất n
Hà Phương