Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện cho biết: Để chủ động cho công tác PCLB-TKCN, ngay từ đầu năm, Yên Khánh đã triển khai thi công 15 hạng mục công trình tu bổ đê điều năm 2009 do Trung ương và tỉnh đầu tư, đảm bảo hoàn thành trước thời gian quy định. Để chủ động nguồn nước tưới và tiêu úng, các địa phương đã phát động chiến dịch làm thủy lợi nội đồng vụ đông xuân 2008-2009 với tổng khối lượng đất nạo vét 234.397 m3, xây đúc 14 cống đầu mối; hoàn thành xây dựng các trạm bơm tiêu thôn 12 (Khánh Thành), trạm bơm Thuần Đầu (Khánh Hòa), trạm bơm xóm 7 (Khánh An), trạm bơm Tiền Phong (Khánh Tiên) và nạo vét trục kênh Cửa Quán giai đoạn I dài 1.800 m để đưa vào phục vụ nhiệm vụ PCLB. Cùng với công tác tu bổ đê điều, Yên Khánh đã thành lập Ban chỉ huy PCLB-TKCN của huyện và các cụm, các trọng điểm; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn và trọng điểm. Kiểm tra đánh giá chất lượng hệ thống đê, kè, cống và công trình PCLB trên địa bàn huyện để trên cơ sở đó xây dựng đề án, phương án PCLB sát với thực tế của địa phương. Qua công tác kiểm tra, quản lý, theo dõi, huyện đã xác định trên tuyến đê Đáy có 4 trọng điểm là Âu Xanh, Đầu Trâu (Khánh Cường), đò 10 (Khánh Thành), Độc Bộ (Khánh Tiên), kè Ngòi Quyền (Khánh Trung) và 2 phụ điểm kè Khánh Công, Tiên Yên. Trọng điểm chống úng là khu vực cống Chanh, Đồng én và khu vực liên xã Khánh Hội, Khánh Mậu, Khánh Thủy. Các trọng điểm xung yếu đều được huyện xây dựng phương án bảo vệ chi tiết, cụ thể; đồng thời quan tâm đến phương án hộ đê toàn tuyến nhằm chủ động ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Huyện đã tổ chức tổng kết công tác PCLB năm 2008 và triển khai nhiệm vụ PCLB-TKCN năm 2009 đến các đơn vị xã, thị trấn. Giao chỉ tiêu lực lượng, vật tư, phương tiện và vị trí các tuyến đê, kè, cống trọng điểm cho các xã, thị trấn và chịu trách nhiệm tuần tra, bảo vệ, xử lý khi có sự cố xảy ra. Tổ chức hiệp đồng với lực lượng quân đội về ứng cứu hộ đê. Ngày 13-5, Yên Khánh đã tổ chức diễn tập PCLB-TKCN cụm 3 xã Khánh Thành, Khánh Công và Khánh Thủy.
Để công tác PCLB năm 2009 đạt hiệu quả, Yên Khánh chỉ đạo các ngành, địa phương phải coi công tác PCLB-TKCN là nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị trong suốt mùa mưa bão. Thực hiện tốt phương châm "chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục hậu quả khẩn trương và có hiệu quả" nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lụt gây ra, không để vỡ đê. Làm tốt công tác "4 tại chỗ" và triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu và tích cực tham gia. Huyện đã chỉ đạo các đơn vị kiện toàn Ban chỉ huy PCLB-TKCN, xây dựng đề án, phương án trọng điểm năm 2009 trong phạm vi quản lý và tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm công tác PCLB năm 2008. Đội quản lý đê chuyên trách và lực lượng quản lý đê nhân dân thường xuyên kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm Pháp lệnh Đê điều, hành lang thoát lũ, công trình thủy lợi và sớm phát hiện sự cố để có biện pháp xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu. Trong công tác PCLB, Yên Khánh xác định lực lượng tại chỗ là rất quan trọng, vì vậy huyện đã chỉ đạo mỗi xã, thị trấn thành lập lực lượng xung kích từ 100-150 người, nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, có sức khỏe và được tập huấn kỹ thuật xử lý ứng cứu hộ đê; lực lượng tuần tra từ 5-10 người; lực lượng giao thông hỏa tốc 2-3 người. Ngoài ra, huyện còn hiệp đồng với lực lượng quân đội sẵn sàng chi viện cho mỗi trọng điểm từ 50-70 người. Tổng số vật tư, phương tiện các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phục vụ cho công tác PCLB năm 2009 gồm 12.000 cây tre, 25.000 bao tải, 320 xe vận tải, thuyền các loại và 5.500 chiếc mai, móng, cuốc, xẻng, đèn đuốc, thúng mủng. Ngay tại kho của Ban chỉ huy PCLB huyện và đội quản lý đê cũng dự trữ sẵn 29.700 bao tải, 6 nhà bạt, 522 bộ rọ thép, 10.600 m2 bạt chắn sóng. Tại các điểm xung yếu trên tuyến đê Đáy cũng được chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ tại cơ đê gồm đá hộc 9.343 m3, cát 50 m3 và đá 1x2, đá 4x6 là 250 m3. Các cống xung yếu dưới đê Đáy, đê Vạc, sông Mới chuẩn bị đủ phai toán dự phòng, bổ sung đất dự trữ mỗi cống từ 30-100 m3. Đội khai thác công trình thủy lợi huyện đang khẩn trương tiến hành kiểm tra các trạm bơm, cống và hệ thống công trình thủy lợi để có kế hoạch sửa chữa, đại tu kịp thời đảm bảo 100% số máy bơm hoạt động tốt trong suốt vụ. Đội KTCTTL phối hợp với các xã, HTX kiểm tra các trục tiêu nội xã và liên xã để có kế hoạch nạo vét những đoạn bồi lắng; giải tỏa đăng đó, vó, bè, bèo làm cản trở dòng chảy. Các địa phương lập kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự trước, trong và sau bão; kế hoạch sơ tán dân, phương án cứu hộ, cứu nạn đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân khi xảy ra tình huồng xấu nhất. Khẩn trương sửa chữa các trạm bơm, chuẩn bị gầu guồng sẵn sàng chống úng. Tổ chức tập huấn kỹ thuật hộ đê cho lực lượng quản lý đê nhân dân và lực lượng xung kích hộ đê các xã, thị trấn. Các ngành chức năng cũng đang khẩn trương chuẩn bị phương tiện, lực lượng đảm bảo an ninh trật tự và phục vụ ứng cứu hộ đê; sửa chữa đường dây, thiết bị đảm bảo nguồn điện chống úng, sinh hoạt và đảm bảo thông tin liên lạc thống suốt trong mùa mưa bão. Chuẩn bị đủ cơ số thuốc để cấp cứu, phòng, chống dịch bệnh trước, trong, sau bão lũ và xử lý môi trường khi lũ lụt xảy ra. Phòng Nông nghiệp & PTNT xây dựng kế hoạch chuẩn bị vật tư, giống để đáp ứng yêu cầu sản xuất tái vụ khi ngập úng, mất mùa xảy ra.
Thanh Chiên