Trong công tác xử lý rác thải sinh hoạt, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập tổ thu gom rác thải. Hiện nay, 100% các xã, thị trấn đã xây dựng Đề án thu gom rác thải và được Hội đồng nhân dân xã, thị trấn phê duyệt. Theo đó, việc thu gom rác được triển khai trên tất cả các thôn, xóm, tổ dân phố, đảm bảo rác thải phát sinh từ hộ gia đình được thu gom kịp thời. Phong trào tổng vệ sinh môi trường khu dân cư, đường làng, ngõ xóm, khu công cộng được phát động thường xuyên và được nhân dân hưởng ứng tích cực.
Đặc biệt, năm 2015, UBND huyện đã xây dựng đề án lắp đặt các lò đốt rác theo mô hình cụm xã. Theo đó, toàn huyện đã lắp đặt được 4 lò đốt rác tại các xã: Khánh Hòa, Khánh Thiện, Khánh Thủy, Thị trấn Yên Ninh. Các lò đốt này đảm nhiệm xử lý rác thải cho các xã: Khánh Tiên, Khánh Thiện, Khánh Lợi, Thị trấn Yên Ninh, Khánh Hòa, Khánh Thủy, Khánh Phú, Khánh Hội, Khánh Mậu. Các xã còn lại rác được tập kết tại bãi rác, xử lý bằng hình thức đốt thủ công và chôn lấp. Đến nay, tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đạt khoảng 85%. Từ năm 2018, do lượng chất thải sinh hoạt phát sinh ngày càng nhiều, việc xử lý rác thải tại các bãi rác không đáp ứng được nhu cầu, UBND huyện đã giao cho Trung tâm Vệ sinh môi trường huyện ký hợp đồng vận chuyển rác thải về xử lý tại lò đốt thành phố Tam Điệp.
Cùng với việc xử lý rác thải sinh hoạt, Yên Khánh đặc biệt chú trọng xử lý rác thải công nghiệp, chất thải y tế. Hiện trên địa bàn huyện có 37 cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 23 cơ sở sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, còn lại 14 cơ sở ngoài khu công nghiệp. Trước khi các dự án được phê duyệt đầu tư vào địa bàn, các cụm công nghiệp, huyện tiến hành thẩm định và cấp giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường đơn giản, giấy xác nhận đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho các dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm những nội dung đã cam kết bảo vệ môi trường. Toàn huyện có 1 trung tâm y tế huyện, 1 phòng khám đa khoa khu vực tại xã Khánh Trung, 19 trạm y tế xã, thị trấn và 11 phòng khám bệnh tư nhân. Theo thống kê của ngành chức năng, trung bình tổng lượng rác thải phát sinh từ các cơ sở y tế của huyện khoảng 4.040 kg/tháng. Trong đó lượng rác thông thường khoảng 3.575kg, rác thải y tế là 465 kg, rác thải y tế nguy hại chiếm khoảng 30% (khoảng 140 kg/tháng). Huyện đã yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện thu gom, xử lý theo quy định, đảm bảo giữ gìn vệ sinh chung, chăm sóc tốt sức khỏe cho nhân dân.
Trong nhiều năm qua, Yên Khánh kiên trì tuyên truyền, vận động nhân dân xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp như: chất thải rắn từ canh tác, thu hoạch mùa màng (vỏ, thân, lá, gốc rễ các loại cây trồng), trong đó rơm, rạ sau vụ thu hoạch chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 80-85%). Phần lớn thân lá, gốc cây được các hộ dân sử dụng làm chất đốt, rơm rạ sau thu hoạch mùa màng được phơi khô và thu gom bằng máy cuộn rơm, một phần được xử lý ngay tại đồng ruộng bằng phương pháp cày lật đất, ngâm ủ nước, một phần được tận dụng để làm nguyên liệu sản xuất nấm.
Do đó, tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, vứt xả rơm rạ xuống kênh mương, sông ngòi đã dần được khắc phục. Đối với chất thải chăn nuôi gia súc, gia cầm, các chủ gia trại, trang trại thu gom và xử lý bằng bể biogas hoặc đệm sinh học, sau đó sử dụng để bón ruộng, trồng hoa, cây cảnh. 100% các trang trại, gia trại đã có thủ tục về môi trường và thực hiện các điều kiện về vệ sinh thú y trong chăn nuôi theo quy định tại Luật Thú y. Đối với các loại chất thải là vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, huyện chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, gắn với thu gom, xử lý chất thải từ các hoạt động này.
Trung bình mỗi năm, toàn huyện sử dụng từ 20- 25 tấn thuốc bảo vệ thực vật, trong đó khối lượng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 5% (1- 1,2 tấn). Trong quá trình chỉnh trang, cải tạo đồng ruộng, các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đã dành một phần kinh phí để lắp đặt bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở các khu đồng nhằm lưu giữ và hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vận sau sử dụng. Do vậy, tỷ lệ bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được thu gom, lưu giữ, xử lý đạt khoảng 70%, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, nhất là tầng nước mặt.
Quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường đã góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới, đảm bảo cho sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, đưa những vùng quê ở Yên Khánh thực sự trở thành "vùng quê đáng sống".
Mai Lan