Đối với ông Phạm Hồng Thanh ở thôn 15, xã Khánh Trung, Yên Khánh thì ngay từ khi còn nhỏ ông đã thấy cây đa cổ thụ mọc sừng sững bên cạnh đền làng Quyết Trung như đang giang rộng vòng tay che chở, bảo vệ cho người dân quê hương. Ông cho biết: Cây đa này đã gần 200 tuổi, là tài sản quý mà mỗi người dân nơi đây đều có ý thức giữ gìn, bảo vệ. Cây đa đã gắn liền với lịch sử của quê hương và đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của dân làng. Xưa kia, gốc đa này là nơi nghỉ chân của bà con sau những giờ đồng áng, nơi hội họp của các đoàn thể và cũng là nơi hẹn hò của lứa đôi. Ngày nay, dù nhịp sống hiện đại có nhanh và gấp gáp đến mấy thì mỗi khi được trở về đình làng, ngồi dưới bóng cây cổ thụ râm mát, tâm hồn con người lại bình yên và thư thái đến lạ thường.
Đồng chí Phạm Ngọc Duân, Chủ tịch UBND xã Khánh Trung cho biết: Khánh Trung có 2 cây cổ thụ được công nhận là cây di sản Việt Nam, đó là cây đa chùa Kiến ốc gắn với di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cũng tại nơi này, ngày 24/6/1969 xã đã được đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm. Cây đa đền Quyết Trung cũng gắn với di tích lịch sử cấp tỉnh. Thời gian qua, Đảng ủy xã đã có Nghị quyết chuyên đề coi ngành sinh vật cảnh là ngành kinh tế mũi nhọn đối với Khánh Trung, trong đó có đề cập tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn liền với cây di sản văn hóa tại chùa Kiến ốc và đền Quyết Trung. UBND xã đã ban hành quy chế bảo vệ và chăm sóc, giao cho Trường THCS và một số đồng chí có chuyên môn về lĩnh vực cây cảnh thường xuyên chăm lo cây di sản tại địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con nhân dân có ý thức bảo vệ, chăm sóc cây di sản.
ở xã Khánh Thiện có một di tích lịch sử gắn liền với quê hương và những con người anh hùng- đó là cây sanh già trên 100 năm tuổi tại đền thôn Ba. Dấu ấn thời gian hiện rõ với rễ cây vươn rộng ôm cả ang trồng, những tán lá vươn cao, bóng cây trải rộng cả một khu vực lên tới 300m2. Thân cây xù xì với vô vàn những nhánh rễ đan xen, bện chặt, khăng khít như chính tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, truyền thống bất khuất của mảnh đất và con người nơi đây. Cả một thời kỳ lịch sử hào hùng của cha anh vẫn còn được lưu giữ tại ngôi đền này và cây sanh cổ thụ chính là nhân chứng tiêu biểu. Ngày hôm nay, dưới bóng mát của cây sanh già, người dân nơi đây vẫn thường kể lại cho nhau nghe những câu chuyện thú vị.
Ông Vũ Phương Đông, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh xã Khánh Thiện cho biết: Theo sử sách ghi lại, đền thôn Ba được xây dựng từ những năm 1860, thờ tướng Nguyễn Phục, vị tướng có công phù quốc, an dân. Trong những năm kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc, ngôi đền trở thành địa chỉ đỏ, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của quê hương. Năm 2016, cây sanh đền thôn Ba được công nhận là cây di sản Việt Nam. Hội sinh vật cảnh xã cũng đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền cho nhân dân biết giá trị của cây di sản và có nhiều việc làm thiết thực chăm sóc, bảo vệ cây cũng chính là bảo vệ nguồn gen thực vật quý hiếm này.
Ông Đinh Hoàng Vệ, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Yên Khánh cho biết: Huyện Yên Khánh có 148 cây cổ thụ quý hiếm được tỉnh công nhận. Năm 2016, huyện có 11 cây cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Trung ương Hội Sinh vật cảnh công nhận là "Cây di sản Việt Nam", gồm các loại: Cây Đề, cây Đa, cây Sanh, cây Muỗm. Theo quy định về tiêu chí cây di sản Việt Nam, cây di sản là những cây thân gỗ, có tuổi thọ trên 100 năm; có hình dáng đặc sắc, độc đáo; có giá trị về khoa học, cảnh quan môi trường, văn hóa, lịch sử... Các cây di sản được công nhận đều nằm trong khuôn viên di tích đền, chùa, tạo nên quần thể di sản độc đáo mang đậm yếu tố tâm linh và giá trị văn hóa truyền thống. Từ khi được công nhận, các cây di sản đều được gắn bia công nhận và có quy định chi tiết về việc bảo vệ theo đúng quy định của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay trên địa bàn huyện Yên Khánh là các cây di sản có tuổi thọ cao, dễ bị xâm hại bởi sâu bệnh và thiên tai; nguồn kinh phí bảo tồn chủ yếu do xã hội hóa... Vì thế, để bảo vệ cây di sản, Hội SVC huyện đã phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương có biện pháp chăm sóc, bảo vệ và bảo tồn cây di sản. Đồng thời, Hội đã giao cho Hội cấp xã thường xuyên chăm sóc, bảo vệ, lưu truyền cây cổ thụ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chung tay chăm sóc và bảo vệ tốt các cây di sản; theo dõi diễn biến sinh trưởng của cây để có biện pháp chăm sóc phù hợp, kéo dài tuổi thọ của cây; phối hợp giáo dục truyền thống, văn hóa tâm linh, phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di tích và cây di sản, từng bước hình thành ý thức quý trọng, bảo vệ cây di sản cho các tầng lớp nhân dân.
Bài, ảnh: Tiến Minh