PV: Đồng chí cho biết những kết quả chính đạt được trong vụ đông vừa qua của huyện? Đ/c Đinh Văn Vọng: Năm 2015, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, song sản xuất vụ động của Huyện Yên Khánh vẫn đạt được những kết quả nổi bật, đó là có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; các HTX đã tích cực, chủ động làm tốt các khâu dịch vụ , một số HTX còn có chính sách hỗ trợ nhân dân phát triển vụ đông; các mô hình cây trồng có giá trị cao, đã trở thành truyền thống, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, dễ tiêu thụ... vẫn duy trì được diện tích.
Toàn huyện gieo trồng được 2.535 ha cây vụ đông các loại với tổng giá trị sản phẩm ước đạt 154,58 tỷ đồng (theo giá hiện hành); bình quân đạt giá trị 61 triệu đồng/ha, tăng 4,5 triệu đồng/ha so với năm trước.
Cây ngô trồng được 728,8 ha (có 199,9 ha ngô ngọt), năng suất ngô đại trà đạt 40,5 tạ/ha, ngô ngọt đạt 98 tạ/ha; cây đậu tương 38,4 ha, năng suất đạt 12,4 tạ/ha; khoai tây 233,8 ha, năng suất đạt 173 tạ/ha; bí xanh 336,2 ha, năng suất đạt 239,5 tạ/ha; khoai lang105 ha, năng suất đạt 113,5 tạ/ha ; trạch tả 63,4 ha, năng suất đạt 87 tạ/ha; dưa bao tử 12,5 ha, giá trị đạt 138,7 triệu đồng/ha; cà chua nhót 4 ha, giá trị đạt 87,6 triệu đồng/ha; rau các loại 961,6 ha, năng suất đạt 209,5 tạ/ha...
PV: Điều gì đáng quan tâm trong vụ đông này-Thưa đồng chí?
Đ/c Đinh Văn Vọng: Trong vụ đã có nhiều mô hình cây trồng có giá trị, có liên kết sản xuất ổn định được nhân rộng, mở rộng ra nhiều nơi, như mô hình trồng bí xanh, toàn huyện có tới 336 ha; trồng ngô ngọt có gần 200 ha, trạch tả 63,4 ha, ớt xuất khẩu 30,3 ha...được trồng nhiều ở các xã là Khánh Trung, Khánh Thành, Khánh Cường, Khánh Công, Khánh Hải, Khánh Hòa, Khánh Mậu...
HTX NN Đại Thành và Đồng Xuân Tiến đã đưa vào trồng giống Bí đỏ Cô Tiên mới trên diện tích gần 30 ha; kết quả cho thấy đây là giống bí có nhiều ưu điểm so với giống bí đỏ truyền thống, dễ trồng, thời gian sinh trưởng 75-80 ngày, cho năng suất cao từ 5-6 tạ/sào, ăn ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá trị đạt 60-70 triệu đồng/ha và đây là loại cây trồng có thể mở rộng trong vụ tới.
Mô hình thử nghiệm giống và đưa vào sản xuất các cây trồng mới có giá trị kinh tế cao; cà chua nhót ( Khánh Mậu, Khánh Công), cải bó xôi (Khánh Mậu) làm tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.
Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức sản xuất 4 ha lạc giống, 2 ha hành củ tại HTX Đông Mai-Khánh Hải.
Một số mô hình có tính khảo nghiệm: Trồng hành lá tại Khánh Phú, cà chua gép trên gốc cà tím (Hợp Tiến-Khánh Nhạc), 4 giống ngô Thái Lan (HTX xuân Thắng-Khánh Cư), trồng hoa Ly tại Khánh Hồng...cho năng suất, giá trị cao, triển vọng có thể áp dụng mở rộng ở vụ tới.
PV: Đồng chí cho biết phương hướng và mục tiêu của vụ đông năm 2016?
Đ/c Đinh Văn Vọng: Về phương hướng, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát triển vụ đông bền vững, từng bước trở thành cây hàng hóa gắn với tái cơ cấu ngành trồng trọt; chú trọng phát triển cây trồng có đầu ra, dễ tiêu thụ, dễ bảo quản, cây có khả năng liên doanh, liên kết sản xuất.
Bố trí cơ cấu hợp lý giữa cây ưa ấm và ưa lạnh, mở rộng diện tích loại rau áp dụng VietGap. Quy hoạch sản xuất gọn vùng để chủ động tưới tiêu, thuận tiện cho cơ giới hóa. Đẩy mạnh chương trình sản xuất nấm ăn...
Mục tiêu: Phấn đấu toàn huyện gieo trồng khoảng 2.500 ha cây đông các loại với giá trị ước đạt 160.314,5 triệu đồng; bình quân giá trị đạt 64,1 triệu đồng/ha.
Về cơ cấu: Ngô 604 ha (có 204 ha ngô ngọt), Khoai Tây 290 ha, Bí xanh 430 ha, Khoai Lang 55 ha, Rau các loại 901 ha, Đậu Tương 30 ha, Dưa bao tử 8 ha, Cà chua nhót 5 ha, Trạch tả 30 ha, Lạc đông 30 ha, Cây khác 12 ha.
Tùy điều kiện, tình hình và tập quán canh tác ở từng địa phương mà có kế hoạch bố trí về diện tích và chủng loại cây trồng vụ đông cho phù hợp. Phấn đấu ứng dụng sản xuất rau công nghệ cao, quy mô 2 ha tại xã Khánh Hồng và Khánh Thành.
PV: Để đạt được mục tiêu trên, huyện có những biện pháp gì?
Đ/c Đinh Văn Vọng: Công tác chỉ đạo, lãnh đạo điều hành đã được quán triệt và triển khai ngay từ những ngày đầu của năm kế hoạch, trên cơ sở đó mà các địa phương, đơn vị lập quy hoạch, kế hoạch của mình để bố trí mùa vụ, cơ cấu cây trồng, trà lúa, giống lúa cho phù hợp nhằm có được nguồn quỹ đất tốt nhất để sản xuất vụ đông.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia sản xuất vụ đông. Tập trung chỉ đạo thu hoạch lúa mùa nhanh gọn, giải phóng đất càng sớm càng tốt.
Theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết khí hậu, tranh thủ khi thời tiết thuận lợi, tập trung nhân lực, vật lực, phương tiện đẩy nhanh tiến độ sản xuất. áp dụng cơ giới hóa vào khâu thu hoạch lúa mùa và khâu làm đất theo phương châm "Gặt đến đâu làm đất ngay đến đó", "Sáng lúa, chiều đông"; tùy từng loại cây trồng có thể áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu.
Đối với nhóm cây ưa ấm (đậu tương, ngô, lạc, bí xanh, cà chua, ớt...) lựa chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn và trồng trước ngày 10/10. Thực hiện giải pháp bô cây sớm trước 15-20 ngày (làm bầu to) đối với ngô, dưa chuột, bí xanh, ớt.
Về giống: ngô sử dụng các giống CP 333, CP 989, CP 999, 3Q, NK 66, ngô nếp MX2, MX10, MX4, HN88; Đậu tương dùng các giống DT12, DT 84, DT 26; Khoai lang, sử dụng các giống KL2, KL5, KLC3; Lạc, sử dụng các giống L14, L19, L23, L26, L27.
Đối với nhóm cây ưu lạnh: Khoai tây, sử dụng các giống Diamant, Sinora, Solara, Atlantic...tập trung trồng từ 15/10-15/11; riêng khoai tây trồng muộn (từ tháng 12/2016 đến tháng 2/2017) để làm giống phải ký hợp đồng bao tiêu 100% sản phẩm với doanh nghiệp cho nông dân.
Cây rau đậu, tận dụng tối đa diện tích để gieo trồng, ưu tiên loại cây truyền thống, có giá trị kinh tế cao: Bí xanh, bí đỏ, hành ta, su hào, súp lơ...cần tính toán rải vụ để tiêu thụ thuận lợi. Làm tốt công tác BVTV, khuyến nông, dịch vụ tưới tiêu nước, chuyển giao tiến bộ, ứng dụng KHKT vào sản xuất theo hướng sản xuất an toàn sinh học, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đinh Chúc (thực hiện)