Phát triển nông nghiệp gắn với phát triển dịch vụ ở nông thôn
Với chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển dịch vụ ở nông thôn, Yên Khánh đã tập trung chỉ đạo, khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vậy nuôi; tích tụ ruộng đất, hình thành và phát triển các vùng chuyên canh, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, đưa giống cây trồng có năng suất, chất lượng vào sản xuất; từng bước hình thành vùng trồng cây nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu; phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng gia trại, trang trại. Trong trồng trọt, tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ hợp lý, đảm bảo sản xuất 3 vụ ăn chắc (gieo cấy 100% diện tích lúa xuân muộn, 100% diện tích lúa mùa sớm, để có diện tích và thời vụ thuận lợi cho sản xuất vụ đông). Triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm thay đổi tập quán canh tác, hình thành phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa như: lúa chất lượng cao, sản xuất lúa giống, cánh đồng mẫu lớn; sản xuất rau an toàn; trồng khoai tây trên đất hai lúa, trồng nấm rơm trái vụ và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Do vậy, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác của huyện tăng nhanh trong những năm gần đây và chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đến năm 2012, đạt 120 triệu đồng/ha. Chăn nuôi tiếp tục được phát triển theo quy mô trang trại, gia trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm, thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Các mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã được tổng kết và nhân rộng rãi trong nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 255 cơ sở sản xuất, kinh doanh giỏi trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Sản xuất vụ đông đang trở thành vụ sản xuất chính. Diện tích sản xuất vụ đông được duy trì ổn định, tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng theo hướng hàng hóa, giá trị kinh tế cao, mở rộng diện tích cây trồng xuất khẩu. Yên Khánh luôn dẫn đầu toàn tỉnh cả về diện tích, năng suất và giá trị cây trồng vụ đông, bình quân hàng năm diện tích đạt trên 4.800 ha, trong đó có trên 65% diện tích trồng trên diện tích đất hai lúa. Năm 2013, giá trị sản xuất vụ đông đạt 46,7 triệu đồng/ha. Sản xuất và chế biến nấm được tập trung chỉ đạo đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Đến nay, toàn huyện có 1 doanh nghiệp, 1 HTX và 15 tổ hợp tác với 85 hộ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm. Hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp có bước đổi mới và chất lượng các khâu dịch vụ được nâng lên. Các HTX nông nghiệp tổ chức quản lý điều hành từ 4-7 khâu dịch vụ như làm đất, tưới tiêu, bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm. Tích cực tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy nhanh cơ giới hóa khâu làm đất, gieo cấy và thu hoạch. Năm 2013, Yên Khánh có 95% diện tích đưa cơ giới hóa trong khâu làm đất và 40% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Năm 2013, toàn huyện có trên 400 máy làm đất cỡ trung và 121 máy gặt đập liên hợp...
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của Yên Khánh vẫn còn một số hạn chế đó là: Nông nghiệp tăng trưởng chưa bền vững, sức cạnh tranh thấp; sản xuất nông nghiệp hàng hóa bước đầu được hình thành nhưng chưa vững chắc. Khâu bảo quản chế biến sau thu hoạch, cơ giới hóa trong thu hoạch còn hạn chế; khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản chưa có sự gắn kết. Công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại nông sản chưa được quan tâm đúng mức, nông dân rất khó khăn tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm; thu nhập của nông dân còn thấp. Ruộng đất còn manh mún; nông nghiệp, nông thôn phát triển còn thiếu quy hoạch đồng bộ. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tuy đã được tăng cường nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp chưa cao.
Hướng đi trong thời gian tới
Để phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, Yên Khánh tiếp tục triển khai và hoàn thiện mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa như: Mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao quy mô 400 ha/năm, từng bước hình thành trung tâm sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao quy mô 500 ha/vụ và nhân rộng cánh đồng mẫu lớn. Kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản nông sản trên địa bàn. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đai, tạo điều kiện dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất phù hợp với sản xuất lớn, hiện đại. Xây dựng chính sách khuyến nông và chuyển giao công nghệ nông nghiệp.
Cơ giới hóa đồng bộ các khâu sản xuất nông nghiệp; mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến, hình thành thị trường tiêu thụ nông sản, sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm. Chỉ đạo sản xuất rau an toàn; gắn kết chặt chẽ các khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm hình thành mô hình liên kết 4 nhà bền chặt, có hiệu quả, từng bước xây dựng thương hiệu một số mặt hàng nông sản.
Tập trung phát triển chăn nuôi, tuyển chọn giống vật nuôi có giá trị, năng suất cao phù hợp với mỗi vùng miền, đặc biệt quan tâm đến giống con nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế ở địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng, nhất là phục vụ du lịch Ninh Bình. Củng cố vững chắc sản xuất vụ đông đạt 65% tổng diện tích canh tác, trong đó đất 2 lúa đạt 50% diện tích trở lên để đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính. Phát triển nâng cao hơn nữa sản lượng, giá trị trong trồng và chế biến nấm; sản xuất rau an toàn. Tập trung xây dựng nông thôn mới, phấn đấu năm 2013 có 3 xã được công nhận xã nông thôn mới và đến năm 2020 huyện đạt tiêu chí huyện nông thôn mới.
Làm tốt công tác xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Rà soát bổ sung cơ chế, chính sách đầu tư, chuyển từ đầu tư tập trung cho trồng trọt sang đầu tư hợp lý cho cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Trong trồng trọt, chuyển từ tập trung cho lương thực sang phát triển rau quả, sản xuất nấm. Trong chăn nuôi, tập trung đầu tư quy mô lớn, tạo thế cạnh tranh, phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, cần tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ ở nông thôn đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới giàu mạnh, văn minh, tiến bộ.
Thanh Chiên