P.V: Xin đồng chí cho biết những nét khái quát về sản xuất nông nghiệp của huyện Yên Khánh hiện nay?
Đ/c Vũ Thiện Quý: Hiện nay, diện tích gieo trồng cây hàng năm của huyện Yên Khánh đạt khoảng 21.000-22.000 ha, trong đó diện tích cây lúa khoảng 16.000 ha. Năng suất lúa bình quân năm 2012 đạt 125,9 tạ/ha, năm 2013 do dịch bệnh thiên tai ở vụ mùa nên năng suất lúa cả năm chỉ đạt 117,87 tạ/ha. Có thể thấy, Yên Khánh cùng với Kim sơn là hai đơn vị của tỉnh luôn có diện tích, năng suất, sản lượng lúa lớn nhất tỉnh. Riêng cây vụ đông trong 2 năm gần đây có khoảng 4.000-5.000 ha (trước đó khoảng 7.000-8.000 ha) và cũng là một trong ba đơn vị (Yên Khánh, Yên Mô, Nho Quan) luôn duy trì được diện tích cây vụ đông ở mức cao so với các địa phương khác trong tỉnh. Yên Khánh cũng là địa phương đi đầu trong phong trào trồng nấm, nhờ vào việc tận dụng các phụ phẩm (rơm, rạ) trong sản xuất nông nghiệp. Chăn nuôi tiếp tục được phát triển theo quy mô trang trại, gia trại, quy mô vừa và nhỏ để sản xuất hàng hóa. Nuôi trồng thủy sản đã xuất hiện những mô hình: nuôi cá rô đồng, cá lóc bông...cho giá trị và hiệu quả cao. Năm 2012, tỷ trọng nông nghiệp của huyện là 30%, năm 2013 còn 20%.
P.V: Thời gian gần đây, Yên Khánh được biết đến là địa phương có những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, xin đồng chí cho biết rõ hơn kết quả?
Đ/c Vũ Thiện Quý: Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp của Yên Khánh đó là lĩnh vực trồng trọt. Trong những năm qua, huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ hợp lý, đảm bảo sản xuất 3 vụ ăn chắc (gieo cấy 100% diện tích lúa xuân muộn, 100% diện tích lúa mùa sớm); tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, giống cây trồng, con nuôi mới vào sản xuất… Hiện, toàn huyện có 8.064,5/15.150,9ha được cấy bằng giống lúa chất lượng cao. ở Yên Khánh đã xuất hiện một số mô hình sản xuất nông nghiệp mới nhằm thay đổi tập quán canh tác, hình thành phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Nhờ đó, năng suất lúa năm 2011 đạt 125,18 tạ/ha/năm, tăng 29,07 tạ/ha/năm so với năm 1995. Năm 2011, mặc dù diện tích gieo trồng cả năm giảm 4.182,1 ha so với năm 1995 nhưng tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt khá cao, với 97.330 tấn (tăng 20.524 tấn so với năm 1995). Tốc độ tăng trưởng năm 2012 đạt 3,1%; tổng giá trị ngành nông, lâm, thủy sản đạt 1.843 tỷ đồng. Năm 2013, năng suất lúa vụ đông xuân đạt 67,46 tạ/ha, vụ mùa đạt 50,41 tạ/ha. Giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 120 triệu đồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Nông dân xã Khánh Hải (Yên Khánh) chăm sóc cây vụ đông. Ảnh: Đức Lam
Yên Khánh đã tổ chức sản xuất lúa giống chất lượng cao QR1 quy mô 400 ha/năm thành công, góp phần chủ động nguồn giống lúa chất lượng cao trên địa bàn. Địa phương cũng đã tổ chức thực hiện dự án cánh đồng mẫu sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô 700 ha, đảm bảo theo đúng sự chỉ đạo của tỉnh. Đây là mô hình mới được triển khai trên địa bàn huyện Yên Khánh và tỉnh Ninh Bình, là tiền đề để tổ chức thực hiện sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn và tập trung, được các hợp tác xã nông nghiệp và nhân dân tin tưởng. Ngoài cây lúa, Yên Khánh còn tập trung chỉ đạo thí điểm sản xuất mô hình rau an toàn; trồng khoai tây trên đất hai lúa, trồng nấm rơm trái vụ, bước đầu đạt hiệu quả. Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng được đẩy mạnh, phát triển theo quy mô trang trại, gia trại. Nhiều chương trình khuyến nông trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được nhân rộng như gà thả vườn, gà hướng trứng, gà an toàn sinh học, chương trình sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn, mô hình nuôi cá lóc bông, tôm càng xanh, baba, ếch Thái Lan… Đến nay, toàn huyện có 260 cơ sở sản xuất, kinh doanh giỏi trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với số vốn đầu tư mỗi cơ sở từ 300 triệu đến 3 tỷ đồng, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cho nhân dân từ 18-20%.
P.V: Thời gian tới, Yên Khánh phải làm gì để phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp?
Đ/c Vũ Thiện Quý: Với chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với phát triển dịch vụ ở nông thôn, Yên Khánh đã và đang tập trung chỉ đạo, khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tích tụ ruộng đất, hình thành và phát triển các vùng chuyên canh, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, đưa giống cây trồng có năng suất, chất lượng vào sản xuất; từng bước hình thành vùng trồng cây nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu; phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng gia trại, trang trại. Trong trồng trọt, tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ hợp lý, đảm bảo sản xuất 3 vụ ăn chắc (gieo cấy 100% diện tích lúa xuân muộn, 100% diện tích lúa mùa sớm, để có diện tích và thời vụ cho sản xuất vụ đông). Triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm thay đổi tập quán canh tác, hình thành phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa như: lúa chất lượng cao, sản xuất lúa giống, cánh đồng mẫu lớn; sản xuất rau an toàn; trồng khoai tây trên đất hai lúa, trồng nấm rơm trái vụ và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Trong chăn nuôi, thủy sản tuyển chọn giống vật nuôi có giá trị năng suất cao đáp ứng với mỗi vùng, miền; đặc biệt quan tâm đến giống con nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế ở địa phương đáp ứng nhu cầu thị trường, nhất là phục vụ du lịch. Củng cố vững chắc sản xuất vụ đông, phấn đấu đạt 65% tổng diện tích canh tác (50% diện tích cây đông trên đất 2 lúa) để vụ đông là vụ sản xuất chính; chú trọng đến thâm canh và trồng cây đông có giá trị hiệu quả cao; phát triển nâng cao hơn nữa sản lượng và giá trị trồng, chế biến nấm; sản xuất rau an toàn. Tập trung xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 huyện đạt tiêu chí huyện nông thôn mới.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Trường Sinh