Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó chủ tịch UBND xã Khánh Hải cho biết: Trước đây, cây nấm được nhân dân Khánh Hải tiếp thu đưa vào trồng nhưng vẫn còn ở quy mô nhỏ lẻ. Từ năm 2006, thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về phát triển ngành nghề, Khánh Hải đã thành lập ban chỉ đạo và xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn toàn xã.
Đồng thời xã tổ chức cho 31 cán bộ và hộ nông dân đi tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái nấm tại Viện di truyền. Cuối tháng 10/2006, Khánh Hải tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân xây dựng lán trại và bắt tay vào sản xuất. Năm đầu tiên phát động, toàn xã có 28 hộ tham gia trồng nấm mỡ với tổng số 58 lán trại, trong đó có 14 lán kiên cố và 44 lán bán kiên cố; tổng số nguyên liệu sử dụng 121 tấn. Đến cuối tháng 1/2007 bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng 40- 50 tấn nấm mỡ tươi, bán với giá 7.000-7.500 đồng/kg, tổng thu đạt trên 300 triệu đồng, trừ chi phí trung bình mỗi hộ lãi 2 triệu đồng/ tấn nguyên liệu. Năm 2007, Khánh Hải tiếp tục mở rộng quy sản xuất lên 56 hộ với tổng diện tích lán trại trên 4000 m2. Tổng số nguyên liệu phục vu trồng nấm mỡ, nấm rơm, nấm sò là 119 tấn. Sản lượng năm 2007 đạt 257 tấn nấm các loại, tổng thu 282 triệu đồng…
Một số hộ đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nên năng xuất, hiệu quả đạt khá, điển hình như gia đình anh Nguyễn Văn ổn, Nguyễn Văn Hải ở HTX Đông Mai; anh Nguyễn Văn Hinh, Mai Văn Đại ở HTX Nhuận Hải. Một điều khẳng định cây nấm đã và đang mở hướng làm giàu trên đất Khánh Hải.
Rời Khánh Hải, chúng tôi đến thăm cơ sở trồng nấm của anh Nguyễn Văn Quang ở thôn Yên Cống- Khánh An(Yên Khánh) là một trong những hộ điển hình trong phong trào trồng nấm của xã, huyện.
Thu và xử lý nấm tại hộ anh Nguyễn Văn Quang, xã Khánh An.
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm khu trồng nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò, mộc nhĩ, linh chi…anh vừa tâm sự về "hành trình" đến với nghề trồng nấm của gia đình: Để có cơ ngươi như ngày hôm nay anh phải trải qua chặng đường khá vất vả.
Đầu năm 2003, anh theo học lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm ở Viện di truyền (Bộ nông nghiệp). Sau khi học xong, anh về bàn với vợ quyết định vay vốn Ngân hàng 7 triệu đồng để đầu tư xây dựng lán trại và mua 8 tấn nguyên liệu rơm, rạ để làm nấm mỡ, nấm sò. Kết quả, nấm sò năng suất đạt 500 kg nấm tươi/tấn nguyên liệu; nấm mỡ năng suất 150 kg/tấn nguyên liệu, trừ chi phí anh còn lãi 5 triệu đồng.
Cuối năm 2004, xã cho anh mượn 1,5 sào đất để mở rộng sản xuất. Có đất, anh tiếp tục vay thêm vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất như: xây nhà cấy giống, lò hấp, lò xấy, khu chế biến nấm và lán trại đưa tổng diện tích lán trại lên 1.300 m2.
Năm 2006, anh sử dụng 150 tấn nguyên liệu để sản xuất nấm mỡ nấm rơm và mộc nhĩ; trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng. Không chỉ dừng ở đó, năm 2007 anh đầu tư 310 triệu đồng làm tiếp 1.200 m2 lán trại, xây thêm lò xấy, mua máy đóng bịch, máy tưới…để giảm sức lao động. Năm 2007, anh làm 145 tấn nguyên liệu làm nấm sò, nấm mỡ, mộc nhĩ và linh chi với tổng thu trên 200 triệụ đồng, trừ chi phí giống vốn, công lao động còn lãi 100 triệu đồng. Cùng với phát triển sản xuất, anh còn tích cực tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Hiện nay, các sản phẩm nấm, mộc nhĩ, linh chi của gia đình anh ngoài phục vụ tiêu dùng cho nhân dân trong tỉnh, anh còn ký hợp đồng cung cấp cho nhà máy chế biến nấm xuất khẩu ở Hải Dương, Hà Nội... Nhờ phát triển nghề trồng nấm, anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức thu nhập từ 800.000- 1.200.000 đồng/người/tháng và 12- 13 lao động thời vụ. Nhờ trồng nấm, gia đình anh đã trở thành khá, giàu trong xã.
Theo các đồng lãnh đạo phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh: Từ những năm 1990, nghề trồng nấm mỡ xuất khẩu đã được đưa vào sản xuất trên địa bàn huyện. Nhưng do quy trình công nghệ lúc đó chưa phù hợp, giống nấm không thích ứng với điều kiện thời tiết, khí hậu nên hiệu quả thấp, dần dần các hộ bỏ không trồng nữa. Nhưng từ năm 2000, được sự chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh, từ huyện đến các địa phương đã thành lập ban chỉ đạo và xây dựng đề án phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn toàn huyện.
Để thúc đẩy nghề trồng nấm phát triển, Tỉnh đã đồng ý cho huyện Yên Khánh thành lập trung tâm sản xuất giống nấm và chế biến nấm Hương Nam để cung ứng giống nấm, vật tư tại chỗ và thu mua sản phẩm nấm cho nông dân. Đồng thời cấp 10.000 m2 đất và hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm nấm Hương Nam đầu tư trang thiết bị ban đầu phục vụ quá trình sản xuất. Tỉnh tạo điều kiện cấp đất cho các tổ chức, các hộ thuê lâu dài để xây dựng các trang trại sản xuất nấm với quy mô lớn.
Trích ngân từ chương trình giống của tỉnh hỗ trợ mỗi xã xây dựng điểm thu mua, chế biến nấm là 10 triệu đồng; hỗ trợ cho các hộ xây dựng mới lán trại kiên cố từ 100 m2 trở lên là 2 triệu đồng/lán và xây mới lán trại theo kiểu chữ A từ 50 m2 là 500.000 đồng/lán. Ngoài ra huyện Yên Khánh cũng đã đề ra nhiều chính sách khuyến khích tạo điều kiện cho các hộ được thuê đất, chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp để các hộ xây dựng trang trại sản xuất nấm có hiệu quả.
Từ những chính sách ưu đãi của tỉnh, huyện đã thúc đẩy phong trào trồng nấm trên địa bàn huyện phát triển. Năm 2006, toàn huyện có 144 hộ sản xuất nấm có lán trại kiên cố và 7 cơ sở sản xuất thu mua chế biến nấm. Trong năm 2006, các hộ đã sử dụng 2.362 tấn nguyên liệu để trồng nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, mộc nhĩ, linh chi với tổng sản lượng nấm tươi đạt 1.125 tấn, giá trị thu nhập đạt gần 6 tỷ đồng.
Hiện nay, nghề trồng nấm đang phát triển tương đối mạnh trên địa bàn huyện với hàng trăm hộ và cơ sở sản xuất chế biến nấm. Bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 10 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2008, toàn huyện đã sử dụng 1.695 tấn nguyên liệu các loại. Sản lượng nấm tươi đạt trên 600 tấn, giá trị thu nhập đạt 4 tỷ 515 tỷ đồng. Các xã duy trì và phát triển tốt nghề trồng nấm là Khánh Thành, Khánh Trung, Khánh Hải, Khánh Nhạc, Khánh Vân, Khánh Phú, Khánh An...
Thời gian tới, Yên Khánh tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh, mở rộng phát triển nghề trồng nấm nhằm tận dụng tối đa nguồn rơm rạ dư thừa trong sản Axuất nông nghiệp nhằm tăng thu nhập cho người nông dân.
Bài, ảnh: Thanh Chiên