Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Yên Khánh cho biết: Vụ đông năm 2013 - 2014, mặc dù gặp nhiều khó khăn về thời tiết, nhưng với kinh nghiệm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong sản xuất vụ đông và sự nỗ lực của người nông dân nên vụ đông trong huyện đã đạt kết quả khá toàn diện. Tổng diện tích cây vụ đông đạt 3.479 ha, trong đó diện tích cây vụ đông trên đất 2 lúa là 2.868 ha, bằng gần 36% diện tích đất 2 lúa. Năng suất, sản lượng một số cây trồng vụ đông năm 2013 - 2014 đạt ở mức khá như: Ngô đại trà năng suất đạt 41 tạ/ha, ngô ngọt năng suất đạt 140 tạ/ha, khoai tây năng suất đạt 172 tạ/ha, bầu bí năng suất đạt gần 234 tạ/ha, rau các loại năng suất đạt 227,4 tạ/ha. Tổng giá trị sản phẩm vụ đông đạt 164,8 tỷ đồng; giá trị bình quân sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 47,38 triệu đồng, tăng hơn 5 triệu đồng so với năm 2012 - 2013.
Điểm nổi bật của vụ đông 2013 - 2014 là cơ cấu cây trồng tiếp tục được chuyển dịch tích cực theo hướng mở rộng diện tích cây có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ sản phẩm và sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường, giá trị cao cho nông dân. Sản xuất vụ đông tiếp tục được duy trì, phát triển ở các đơn vị có truyền thống, có thế mạnh sản xuất vụ đông như: cây bí xanh, khoai tây ở Khánh Hải; rau các loại ở Khánh Hồng, thị trấn Yên Ninh; ngô ngọt ở Khánh Hòa, Khánh Trung; trạch tả ở Khánh Thủy.
Các biện pháp kỹ thuật mới như trồng ngô ngọt, khoai tây trên đất hai lúa bằng phương pháp làm đất tối thiểu để lách thời vụ, giảm chi phí lao động được thực hiện có hiệu quả ở một số đơn vị như: Khánh Trung, Khánh Hải. Các xã Khánh Hải, Khánh Hồng, Khánh Trung, Khánh Thành, Khánh Hòa, thị trấn Yên Ninh…đã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, công ty, thương lái và nông dân tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm vụ đông cho bà con nông dân, góp phần phát triển sản xuất ổn định, bền vững.
Phát huy những kết quả đã đạt được, bước vào sản xuất vụ đông năm 2014 - 2015, huyện Yên Khánh có rất nhiều thuận lợi là HĐND tỉnh có Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 16-7-2014 về việc sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vụ đông giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đây thực sự là động lực thúc đẩy phong trào phát triển cây vụ đông trên địa bàn huyện. Theo kế hoạch của huyện, thời điểm thu hoạch lúa mùa tập trung trước ngày 30-9 khoảng 1.000 ha, phấn đấu đến ngày 10-10 thu hoạch khoảng 5.500 ha, là điều kiện thích hợp để bố trí đất và thời vụ để gieo trồng cây vụ đông, kể cả cây vụ đông ưa ấm và ưa lạnh. Các điều kiện phục vụ cho sản xuất như: Làm đất, điều tiết nước, phân bón, giống cây trồng, bảo vệ thực vật, phòng, chống úng... ở các xã, HTX cơ bản được bảo đảm kịp thời cho sản xuất vụ đông.
Đến nay đã có 10/19 xã, thị trấn hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, tạo thuận lợi cho việc quy hoạch diện tích trồng cây vụ đông, các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng tiếp tục được hoàn thiện, phục vụ kịp thời cho nhu cầu tưới, tiêu phục vụ cho sản xuất. Các tiến bộ kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật thâm canh; cơ giới hóa trong sản xuất tiếp tục được ứng dụng nhanh vào sản xuất trên địa bàn. Nhiều địa phương đã chủ động liên kết với các công ty sản xuất và bao tiêu sản phẩm cây trồng vụ đông cho nông dân.
Bên cạnh những thuận lợi thì sản xuất vụ đông năm nay cũng gặp không ít khó khăn là thời tiết diễn biến phức tạp. Thị trường vật tư và hàng hóa nông sản biến động. Giá các loại vật tư nông nghiệp luôn có xu hướng tăng giá, giá bán nông sản vụ đông không ổn định. Đây chính là những vấn đề đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của ngành chức năng nhằm bình ổn giá vật tư giúp nông dân yên tâm sản xuất không chỉ ở vụ đông mà ở tất cả các vụ trong năm. Có như vậy sản xuất nông nghiệp mới thực sự bền vững.
Vụ đông năm 2014 - 2015, toàn huyện phấn đấu gieo trồng khoảng 3.500 ha, giá trị sản phẩm đạt 174,5 tỷ đồng, bình quân giá trị sản xuất trên 1 ha cây vụ đông đạt 50 triệu đồng. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện đã chỉ đạo các địa phương, nông dân chú trọng phát triển sản xuất vụ đông theo hướng sản xuất hàng hóa, tổ chức sản xuất gieo trồng cây vụ đông theo hướng gọn vùng, theo quy hoạch để đảm bảo thuận lợi cho tổ chức các khâu dịch vụ sản xuất; liên kết trong sản xuất, thu mua, tiêu thụ sản phẩm; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; từng bước hình thành vùng sản xuất cây vụ đông hàng hóa tập trung, vùng cánh đồng mẫu lớn 3 vụ.
Mở rộng diện tích cây trồng có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, tiêu thụ thuận lợi như: Ngô ngọt, khoai tây, bí xanh, dưa bao tử, cà chua nhót, trạch tả, rau các loại; đồng thời tiếp tục khuyến khích mở rộng trồng đậu tương đông, ngô các loại trên đất 2 lúa ở vùng đã được quy hoạch sản xuất vụ đông. Cơ cấu cây trồng vụ đông được bố trí khá hợp lý với 650 ha ngô (trong đó ngô ngọt 150 ha), khoai tây 500 ha, bầu bí 400 ha, khoai lang 230 ha, rau các loại 1.000 ha, đậu tương 500 ha, dưa chuột 40 ha, cà chua nhót 10 ha, trạch tả 120 ha, lạc đông 20 ha…
Để đảm bảo thời vụ gieo trồng đối với từng loại cây trồng, huyện chỉ đạo các địa phương khi gieo trồng các cây ưa ấm như: Đậu tương, ngô, bí xanh, khoai lang, cà chua… cần lựa chọn giống có thời gian sinh trưởng ngắn để gieo trồng sớm, kết thúc thời vụ gieo trồng trước ngày 5-10. Đối với các loại cây có điều kiện bô (ngô, bí xanh, ớt, cà chua) thì phải làm bô to, bô sớm trước khi có đất trồng 7-10 ngày (riêng bí xanh, cà chua có thể bô sớm trước khi trồng ra ruộng 20 ngày). Các cây trồng ưa lạnh, gieo trồng sau ngày 10-10, riêng cây khoai tây tập trung trồng từ 15-10 đến 15-11. Đối với rau các loại, bố trí gieo rải vụ rau phù hợp để đảm bảo nguồn cung và nâng cao thu nhập, tránh tình trạng dư thừa, giá thấp.
Các xã, thị trấn, các HTX nông nghiệp đã bám sát kế hoạch của UBND huyện, trên cơ sở điều kiện, khả năng của địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất theo quy hoạch, xác định diện tích, cơ cấu cây trồng, vùng sản xuất cây vụ đông để tập trung chỉ đạo thời vụ gieo trồng, tổ chức làm đất, tưới tiêu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và hình thành vùng sản xuất tập trung. Tổ chức thành công các mô hình mới trong sản xuất vụ đông gắn với xây dựng nông thôn mới như: Mô hình trồng rau an toàn tại xã Khánh Hải, mô hình trồng cà chua nhót tại xã Khánh Nhạc và mô hình đưa cơ giới hóa tất cả các khâu trong sản xuất từ khâu làm đất đến thu hoạch tại xã Khánh Cường và Khánh Trung. Chủ động liên hệ ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp cung ứng giống đảm bảo đủ số lượng, chất lượng, chủng loại; ký kết hợp đồng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của huyện, của đơn vị về sản xuất vụ đông; hướng dẫn về thời vụ gieo trồng, các biện pháp kỹ thuật, giới thiệu các mô hình sản xuất vụ đông có hiệu quả, các biện pháp kỹ thuật thâm canh, giống cây trồng mới, kịp thời biểu dương những điển hình, cá nhân, đơn vị làm tốt sản xuất vụ đông để nhân rộng. Theo dõi diễn biến của thời tiết, chỉ đạo chặt chẽ việc gieo trồng cây vụ đông, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi huy động mọi nguồn lực để gieo trồng cây vụ đông với phương châm thu hoạch đến đâu làm đất gieo trồng cây vụ đông ngay đến đó để đảm bảo thời vụ.
Thanh Chiên