Vụ mùa 2015, huyện Yên Khánh dự kiến gieo trồng 8.500 ha, trong đó có 7.900 ha lúa. Với cây lúa, bố trí 100% diện tích ở trà mùa sớm với cơ cấu giống có khoảng 80% là giống lúa chất lượng cao (LT2, Bắc thơm số 7, DQ11, QR1, Thơm RVT...), 20% là giống lúa lai và lúa thuần khác (Phú ưu 1, Khang dân 18, nếp các loại...). Tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô mỗi xã có từ 40-50 ha trở lên. Mở rộng diện tích lúa gieo sạ với tỷ lệ 35-40% tổng diện tích gieo cấy lúa.
Duy trì các khu đồng sản xuất lúa giống chất lượng cao ở các xã Khánh Thành, Khánh Trung, Khánh Công và tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp vào địa bàn sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm, bao tiêu sản phẩm cho hộ nông dân. Triển khai mở rộng các mô hình khảo nghiệm, trình diễn các giống lúa mới nhằm chọn, tạo ra được những giống lúa có năng suất, chất lượng, thích ứng rộng để khuyến cáo đưa vào sản xuất đại trà. Với diện tích lúa cấy, vùng có thể làm vụ đông thì gieo mạ xong trước ngày 10-6 và cấy xong trước ngày 30-6; diện tích còn lại gieo mạ trước ngày 12-6, cấy xong trước ngày 5-7. Diện tích gieo sạ bố trí tập trung, gọn vùng, chủ động được tưới tiêu, thực hiện gieo sạ từ ngày 25 đến 30-6 và 100% diện tích này phải được phun trừ cỏ, rầy, bệnh lùn sọc đen.
Thực tế cho thấy, tình trạng hạn hán đang diễn ra gay gắt ở nhiều địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh miền Trung; nước cho sản xuất vụ mùa cũng đang là vấn đề nan giải ở các huyện phía Bắc của tỉnh như: Nho Quan, Gia Viễn và thành phố Tam Điệp. Với Yên Khánh, nước cho sản xuất vụ mùa cũng ở trong tình trạng chung, nhưng bớt gay gắt hơn. Các xã phía Nam huyện (Khánh Thành, Khánh Công, Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Thủy...) có thể lợi dụng được thủy triều để lấy nước vào đồng và đã lấy đủ nước phục vụ cho khâu làm đất. Các xã phía bắc huyện phải nhờ động lực, huy động tối đa các loại máy bơm, trạm bơm vào cuộc. Về cơ bản, nước cho khâu làm đất ở các địa phương đã được đảm bảo. Các địa phương đang huy động tối đa phương tiện, máy làm đất xuống đồng. Toàn huyện hiện có gần 1.000 máy làm đất các loại (trong đó có gần 100 máy làm đất loại lớn) ngày đêm hoạt động trên đồng ruộng. Đến thời điểm ngày 16-6, lượng mạ cần thiết cho lúa cấy đã được các địa phương gieo xong. Khâu làm đất đã cơ bản cày lật đất; một số địa phương ở phía Nam huyện đã bắt đầu chuyển sang bừa cấy, dầm đất hoặc làm đất cho gieo sạ và xuống đồng gieo cấy vào những ngày cuối tháng 6.
Vụ mùa 2015, HTX Hợp Tiến (xã Khánh Nhạc) dự kiến gieo cấy 322,5 ha lúa với 100% diện tích được thực hiện theo phương thức gieo sạ. Lý giải về việc này, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ nhiệm HTX cho biết: Sau khi thực hiện dồn điền, đổi thửa, hệ thống kênh mương tưới tiêu được bố trí hợp lý, phù hợp; HTX có 6 máy bơm thì 5 máy bơm là bơm vô ống... nên việc đưa nước vào đồng ruộng cũng như khi cần rút nước đi được thực hiện nhanh chóng và kịp thời; hơn nữa người dân trong HTX đã thấy rõ lợi ích của việc gieo sạ, nắm vững kỹ thuật và có kinh nghiệm gieo sạ trong nhiều vụ qua. HTX có 10 máy làm đất, trong đó có 8 máy từ 70-80 mã lực. Hiện tại HTX đã thực hiện cày lật đất xong toàn bộ diện tích và đang tiến hành làm dầm. Từ ngày 25 đến 30-6 sẽ tiến hành gieo sạ; phấn đấu hoàn thành khâu gieo cấy trước ngày 30-6.
Huyện Yên Khánh phấn đấu gieo cấy xong lúa mùa trước ngày 5-7, sớm hơn so với vụ mùa năm trước gần 10 ngày. Việc hoàn thành khâu gieo cấy ở mốc thời gian như trên không chỉ đảm bảo thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng và phát triển phù hợp cho thu hoạch sớm để có nguồn quỹ đất dồi dào phát triển cây vụ đông.
Đinh Chúc