P.V: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật của vụ đông xuân năm 2013?
Đ/c Vũ Thiện Quý: Vụ đông xuân 2013, toàn huyện đã gieo trồng 8.592 ha, đạt 101,1 % kế hoạch, trong đó diện tích cây lúa là 7.431 ha, lạc là 797,7 ha, rau các loại 294,7 ha, còn lại là ngô, khoai lang và các loại cây hoa màu khác. Đến đầu tháng 6, Yên Khánh đã cơ bản thu hoạch xong toàn bộ diện tích cây trồng vụ đông xuân, sớm hơn 10 ngày so với vụ đông xuân năm 2012. Năng suất lúa bình quân ước đạt 67,7 tạ/ha; cây lạc năng suất ước đạt 35 tạ/ha; ngô năng suất ước đạt 40 tạ/ha; khoai lang năng suất ước đạt 110 tạ/ha; rau các loại năng suất bình quân ước đạt 190 tạ/ha.
Nét nổi bật của vụ đông xuân năm nay là các địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, 100% cơ cấu trà xuân muộn cấy bằng các giống lúa có năng suất, chất lượng như: LT2, Bắc thơm số 7, QR1, RVT, Phú ưu số 1, Phú ưu 978… Mô hình cánh đồng mẫu sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao được triển khai thực hiện tại các xã Khánh Cư, Khánh Vân, Khánh Hải, Khánh Nhạc, Khánh Hội, Khánh Mậu, Khánh Thủy đã thực sự đem lại hiệu quả cao, đảm bảo quy hoạch gọn vùng, cấy cùng giống, đồng trà. Xây dựng cánh đồng mẫu lớn là sự thành công của sự liên kết 4 nhà, trong đó tạo ra sự gắn kết giữa nhà nông với doanh nghiệp. Mô hình này đã được tỉnh đánh giá cao, góp phần giúp người dân thay đổi nếp nghĩ từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất quy mô lớn với việc cấy cùng giống đồng trà, cùng quy trình kỹ thuật thâm canh; chuyển đổi từ sản xuất đủ dùng sang sản xuất hàng hóa xuất khẩu; trình độ kỹ thuật thâm canh được nâng lên, từng bước đồng bộ cơ giới hóa từ khâu gieo trồng đến khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản.
Huyện tiến hành dự án sản xuất lúa giống chất lượng cao bằng giống QR1 tại Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Công với tổng diện tích 160 ha, năng suất ước đạt 66 - 68 tạ/ha. Thực hiện khảo nghiệm và trình diễn các giống lúa mới tại các HTX Kiến Thái (xã Khánh Trung); Yên Lạc (xã Khánh Hồng); Đại Thành (xã Khánh Thành); phối hợp khảo nghiệm trình diễn phân bón tại HTX Hợp Tiến (xã Khánh Nhạc) và HTX Xuân Tiến (xã Khánh Vân). Phối hợp với Công ty Cổ phần Giống cây trồng con nuôi Ninh Bình tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm giống lúa thương phẩm ĐS1 với quy mô 80 ha tại các xã Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Thành, Khánh Nhạc. Nhiều đơn vị đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy trình gieo sạ lúa xuân, toàn huyện có 31/36 HTX nông nghiệp tổ chức thực hiện gieo vãi với quy mô diện tích 1.393 ha, chiếm khoảng 20% diện tích cây lúa, tăng 870 ha so với vụ xuân năm 2012; điển hình là xã Khánh Hải, Khánh Cư, Khánh Mậu, Khánh Tiên... Việc thu hoạch bằng máy được đẩy mạnh, vụ đông xuân năm 2013, toàn huyện có khoảng 50- 60% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp.
Cán bộ nông nghiệp huyện Yên Khánh hướng dẫn nông dân gieo mạ vụ mùa. Ảnh: Đức Lam
P.V: Bước vào vụ mùa năm nay, Yên Khánh đã đề ra mục tiêu, giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đ/c Vũ Thiện Quý: Để phấn đấu giành vụ mùa thắng lợi, Yên Khánh chỉ đạo các địa phương tập trung thu hoạch nhanh gọn lúa xuân, đẩy mạnh thu hoạch bằng máy, vận động nông dân tổ chức thu gom rơm rạ để làm nấm, xử lý rác thải đảm bảo vệ sinh đồng ruộng; đồng thời tổ chức tốt khâu làm đất nhanh, gọn, chất lượng với phương châm thu hoạch lúa đến đâu làm đất ngay đến đó. Vụ mùa năm 2013, huyện Yên khánh phấn đấu gieo trồng 8.400 ha (trong đó lúa 7.800 ha), phấn đấu đạt giá trị sản xuất 337.168 triệu đồng, giá trị bình quân 1 ha canh tác đạt trên 40 triệu đồng. Diện tích lúa chất lượng cao đạt từ 70% diện tích gieo cấy trở lên; xây dựng mô hình gieo sạ đạt khoảng 30- 40% diện tích.
Để đạt mục tiêu đề ra, huyện chỉ đạo các địa phương tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ với 100% diện tích lúa gieo cấy bằng trà mùa sớm, kết thúc gieo cấy xong trước ngày 5-7-2013. Cơ cấu giống được bố trí khoảng 70% diện tích lúa thuần chất lượng cao, 15% diện tích lúa tạp giao ngắn ngày, còn lại là lúa thuần khác. Thời vụ gieo cấy lúa mùa được bố trí sớm để lúa trỗ bông, phơi màu vào thời điểm an toàn nhất và có quỹ đất gieo trồng cây vụ đông sớm.
Căn cứ vào điều kiện thực tế, các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch gieo cấy cụ thể; trong đó đợt 1 khoảng 60% diện tích gồm các giống có thời gian sinh trưởng từ 100 - 110 ngày như: QR1, LT2, Bắc thơm số 7, RVT, Phú ưu 978, nếp 352... Thời gian gieo mạ từ ngày 5 đến 10-6, cấy xong trước 30-6, thu hoạch trước 30-9 để bố trí trồng cây vụ đông sớm như đậu tương, bí xanh, dưa, ngô... Đợt 2 khoảng 40% diện tích gieo cấy bằng các giống lúa lai, lúa thuần có năng suất cao, thời gian sinh trưởng từ 110 - 125 ngày như: Phú ưu số1, TBR45... gieo mạ từ ngày 10 đến 15-6, cấy xong trước 10-7, thu hoạch xong trước 10-10 để trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu, trồng nấm rơm trái vụ trên đất 2 lúa, trồng rau các loại.
Đối với diện tích gieo sạ được bố trí gọn vùng, chủ động tưới tiêu, thuận lợi cho phòng, chống mưa úng, thời gian gieo từ ngày 20 đến 30-6 bằng các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 100 - 105 ngày (đối với diện tích sản xuất vụ đông), từ ngày 1 đến 5-7 bằng các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 110 - 125 ngày (đối với diện tích không làm vụ đông). Đối với cây đậu tương, huyện chỉ đạo thu hoạch lạc xuân đến đâu trồng đậu tương ngay đến đó bằng các giống ĐT84, ĐT12, ĐT96.
Cùng với việc gieo cấy, Yên Khánh chỉ đạo các ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa bão chủ động tưới tiêu nước kịp thời theo phương án đã đề ra; kiểm tra phát hiện hư hỏng, sửa chữa kịp thời các công trình thủy lợi, kênh mương, cầu, cống, trạm bơm, nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, hệ thống điện... đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu hiệu quả. Hướng dẫn các hộ chủ động gieo tăng khoảng 10% lượng mạ và bảo quản mạ còn lại sau cấy để phòng lụt, úng làm mất lúa mới cấy có mạ để gieo cấy bổ sung.
Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn bà con nông dân thực hiện tốt quy trình kỹ thuật thâm canh, bón đúng, bón đủ lượng, bón cân đối các loại phân; đồng thời sử dụng phân, lượng phân bón phù hợp với từng chân đất, từng giống lúa, chú ý sử dụng phân kali tăng độ cứng của thân cây, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, chống đổ, nâng cao chất lượng. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa có thể dùng phân vi lượng, phân bón qua lá và các chế phẩm sinh học để cung cấp đầy đủ, kịp thời dinh dưỡng cho cây trồng. Các xã, thị trấn, HTX đã chủ động làm tốt khâu dịch vụ phục vụ sản xuất như: giống, phân bón, làm đất, tưới tiêu, BVTV để phục vụ bà con nông dân gieo cấy đảm bảo trong khung thời vụ. Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện phối hợp với các HTX xây dựng kế hoạch và tổ chức điều hành tưới, tiêu đảm bảo bảo phục vụ tốt cho thu hoạch lúa xuân, làm đất, gieo cấy, chăm sóc lúa mùa và triển khai thực hiện có hiệu quả phương án phòng, chống úng vụ mùa. Phòng Nông nghiệp & PTNT phối hợp chặt chẽ với Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông và các đơn vị chỉ đạo, tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bện kịp thời, hiệu quả, góp phần giành vụ mùa thắng lợi.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí!
Thanh Chiên (thực hiện)