PV: Xin đồng chí cho biết một số kết quả của sản xuất vụ đông 2018 trên địa bàn huyện? Đ/c Trần Ngọc Diệp: Trong những năm gần đây, sản xuất vụ đông của huyện luôn được duy trì trên 2.500 ha (chiếm 40% diện tích vụ đông của toàn tỉnh). Phong trào sản xuất vụ đông được phát triển mạnh, một số đơn vị coi sản xuất vụ đông là vụ sản xuất chính mang lại hiệu quả kinh tế cao trong năm như: Khánh Hải, Khánh Hồng, thị trấn Yên Ninh, Khánh Thành, Khánh Thủy.. .
Vụ đông năm 2018, huyện Yên Khánh gieo trồng được 2.630 ha, bằng 99,25 % kế hoạch. Tổng giá trị sản phẩm vụ đông đạt: 230.828 triệu đồng (theo giá hiện hành); giá trị bình quân sản xuất trên 1 ha canh tác đạt 88 triệu đồng, tăng 1,2 triệu đồng/ha so với vụ đông năm 2017.
Các xã đã tập trung đưa vào sản xuất những loại cây có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định như: Bí xanh, khoai tây, trạch tả, một số loại rau... Nhiều mô hình liên doanh, liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao được duy trì và hình thành trong sản xuất vụ đông như: mô hình liên kết và tiêu thụ sản phẩm khoai tây, ngô ngọt, đậu bắp, đậu tương rau, ớt, trạch tả...
Hình thành và phát triển nhiều vùng chuyên canh sản xuất rau màu hàng hóa theo hướng tập trung chất lượng và bền vững, nhằm tạo bước đột phá, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích cũng như hình thành những cánh đồng chuyên canh cho thu nhập cao (Khánh Hải, thị trấn Yên Ninh, Khánh Hồng, Khánh Thành...). Một số công ty tham gia vào liên kết sản xuất vụ đông trên địa bàn huyện như: Viện sinh học Nông nghiệp, Công ty An Việt, Công ty Việt Xanh…
PV: Theo đồng chí, xuất phát từ đâu mà huyện Yên Khánh đạt được kết quả trên?
Đ/c Trần Ngọc Diệp: Yên Khánh là huyện có truyền thống trong sản xuất nông nghiệp đặc biệt là sản xuất vụ đông. Có được những kết quả kể trên là do có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành cùng với sự đồng lòng quyết tâm của nhân dân trong toàn huyện.
Với chủ trương đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính, không sản xuất theo phong trào, hàng năm Huyện ủy, UBND huyện luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất, giao chỉ tiêu cho từng đơn vị, khuyến khích mở rộng những cây trồng có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận được các chính sách nguồn vốn, các ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Sản xuất vụ đông có sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, các phòng, ban, ngành, đoàn thể từ huyện xuống cơ sở; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo vận động quần chúng nhân dân tích cực sản xuất cây vụ đông để việc sản xuất cây vụ đông thành một phong trào có sức lan tỏa, đi đầu là cán bộ và các tổ chức hội, đoàn thể; xây dựng mỗi tổ chức hội, đoàn thể có ít nhất một mô hình sản xuất vụ đông.
Cùng với đó Trung ương, tỉnh và huyện đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất các mô hình vụ đông như: Nghị quyết số 39/2018/NQ-HĐND ngày 12/12/2018 về phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 01/11/2016 về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2025; Nghị định số 57/2018 ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Những chính sách và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trên đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất vụ đông tại Yên Khánh, đưa Yên Khánh trở thành đơn vị đứng đầu cả tỉnh trong sản xuất vụ đông, tăng thu nhập cho người nông dân.
PV: Xin đồng chí cho biết mục tiêu, kế hoạch và tiến độ thực hiện của vụ đông 2019?
Đ/c Trần Ngọc Diệp: Năm 2019, huyện Yên Khánh tiếp tục phát triển sản xuất vụ đông theo hướng tái cơ cấu ngành trồng trọt nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững, trong đó tập trung vào việc phát triển, mở rộng các cây trồng có giá trị kinh tế cao có đầu ra ổn định.
Ưu tiên sản xuất gọn vùng tạo thành những vùng sản xuất lớn, tập trung thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hóa là tiền đề phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp; tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất cây vụ đông quy mô lớn áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật có sự tham gia đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp tạo thành chuỗi sản xuất bền vững để nhân rộng ra trên toàn huyện; chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, mở rộng diện tích sản xuất các loại rau - củ - quả áp dụng các quy trình sản xuất an toàn, quy trình thực hành nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGap, GAP... xây dựng thương hiệu nông sản sạch, an toàn thực phẩm.
Về mục tiêu: Vụ đông năm 2019, toàn huyện phấn đấu trên 2500 ha, trong đó tập trung chủ yếu vào một số cây trồng chủ lực như: Bí xanh, trạch tả, khoai tây, ngô, rau các loại. Về thời vụ gieo trồng: đối với nhóm cây ưa ấm như: Ngô, bí xanh, khoai lang, cà chua, ớt, đậu tương, lạc,... kết thúc trồng trước 05/10; Đối với nhóm cây ưa lạnh tập trung (khoai tây gieo trồng từ 05/11-15/11/2019), rau các loại trồng liên tục đến khi hết thời vụ.
PV: Để đạt được mục tiêu trên, huyện có biện pháp, giải pháp gì?
Đ/c Trần Ngọc Diệp: Để đạt được mục tiêu trên,Yên Khánh tập trung đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền sản xuất vụ đông đến mọi tầng lớp và nhân dân trong toàn huyện từ việc xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông, các xã, thị trấn phải xây dựng chi tiết đến từng thôn, xóm và được sự nhất trí đồng lòng của người dân; chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác PCLB, chuẩn bị tốt các loại máy bơm điện, bơm dầu để sẵn sàng chống úng cho vụ đông sớm, làm tốt kế hoạch thủy lợi nội đồng, chú trọng đến vùng sản xuất cây vụ đông; tiếp tục khuyến khích tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, hộ nông dân mượn đất, thuê đất, đổi vị trí đất để làm cây vụ đông; giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật mới; thường xuyên cập nhật thông tin về dự tính, dự báo thông tin thị trường, diễn biến thời tiết, sâu bệnh hại... đến người sản xuất nhanh nhất, hiệu quả nhất; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất vụ đông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất vụ đông.
Ngoài ra huyện cũng tập trung chú trọng vào các biện pháp kỹ thuật như: làm đất, bố trí thời vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (thực hiện bô cây trước đối với nhóm cây ưa ấm), công tác dự tính, dự báo phòng trừ sâu bệnh,…
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Đinh Chúc (thực hiện)