Là huyện nông nghiệp, chính vì vậy ngay từ những năm đầu triển khai xây dựng NTM, Yên Khánh thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó chú trọng giải pháp dồn điển đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác. Đến nay địa phương có 16/16 xã, thị trấn hoàn thành công tác dồn diền đổi thửa kết hợp chỉnh trang đồng ruộng, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Các địa phương trong huyện đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, từng bước đưa cây con chất lượng cao, giá trị lớn hơn, thị trường yêu cầu đi vào sản xuất. Hiện toàn huyện có 80% diện tích lúa được gieo trồng bằng các giống lúa chất lượng cao, 1.700 ha cánh đồng mẫu lớn.
Cơ giới hóa được đẩy mạnh với 100% diện tích ở khâu làm đất, 80-90% diện tích lúa thu hoạch bằng máy, trên 70% diện tích lúa gieo sạ, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp đang diễn ra phổ biến hiện nay. Giá trị sản xuất tăng lên 127 triệu đồng/ha/năm.
Sản xuất vụ đông chuyển dịch theo hướng mở rộng diện tích cây có giá trị thu nhập cao, hình thành vùng sản xuất hàng hóa với các cây trồng có giá trị: khoai tây, bí xanh, ngô ngọt, ngô nếp, dưa, cà chua, trạch tả,... có thu nhập đạt 50-55 triệu đồng/ha. Chăn nuôi phát triển theo hướng quy hoạch tập trung và theo hình thức trang trại, gia trại.
Toàn huyện có 14 cơ sở sản xuất nấm quy mô trên 2.000 m2 lán trại trở lên và sản lượng nấm tươi hàng năm đạt khoảng 2.000 tấn; có 62 trang trại chăn nuôi lợn quy mô mỗi trang trại từ 300-1.000 con, 86 gia trại quy mô từ 50-200 con; có 252 mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Việc xây dựng các mô hình sản xuất có áp dụng khoa học công nghệ cao, tạo chuỗi giá trị liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm đạt được nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao quy mô 500 ha tại 4 xã Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Thành, Khánh Công; mô hình liên kết sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao và lúa xuất khẩu; mô hình sản xuất nông sản sạch ở xóm 13 và xóm 7 xã Khánh Thành; mô hình tích tụ ruộng đất áp dụng công nghệ cao trồng rau sạch xuất khẩu, trồng khoai tây giống;...
Nhờ chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, xây dựng các mô hình điểm có hiệu quả đã nâng thu nhập người dân lên từ 15-20%, tiết kiệm về chi phí sản xuất từ 500 nghìn đến 2 triệu đồng/ha.
Cùng với nâng cao thu nhập, tạo nguồn lực xây dựng NTM, Yên Khánh xác định phát triển đường giao thông nông thôn là khâu đột phá, tạo động lực thúc đẩy kinh tế và các hoạt động văn hóa xã hội. Bằng biện pháp tuyên truyền, người dân Yên Khánh đã hiểu về NTM, xây dựng NTM nói chung và làm đường giao thông nông thôn nói riêng không chỉ là việc của chính quyền, mà cần có sự chung sức, đồng lòng của nhân dân.
Nhờ có sự bàn bạc dân chủ, sự tham gia đóng góp ý kiến của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nên khi phát động làm đường giao thông nông thôn đã được cán bộ và nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia và đã trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng khắp.
Từ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và sự đóng góp tích cực của nhân dân, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và con em quê hương, Yên Khánh đã nâng cấp và làm mới trên 2.300 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài trên 275 km.
Xác định tiêu chí về môi trường là một trong những tiêu chí khó nên những năm qua Yên Khánh đã tập trung đầu tư và đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện Yên Khánh có 100% số xã, thị trấn đã quy hoạch và xây dựng xong điểm tập kết rác thải để phân loại, xử lý, chôn lấp rác thải rắn. Hoạt động thu gom rác thải tại các các xã, thị trấn đi vào nề nếp, hiệu quả, đội thu gom rác thải đến tận từng hộ dân thu gom theo đúng lịch.
Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và công nghệ, huyện đã xây dựng thành công mô hình xử lý rác thải bằng lò đốt LOSIHO 500 tại xã Khánh Thiện, giải quyết cơ bản chất thải sinh hoạt cho 3 xã Khánh Thiện, Khánh Tiên, Khánh Lợi.
Với những ưu điểm nổi bật so với một số công nghệ khác, đặc biệt là kinh phí đầu tư, chi phí vận hành thấp, huyện đã xây dựng đề án xây dựng lò đốt rác tiên tiến LOSIHO 500 cho tất cả các xã (hoặc cụm xã) còn lại.
Theo đại diện lãnh đạo huyện Yên Khánh, trong 6 năm qua phong trào xây dựng NTM đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, cùng sự phối hợp của các cấp, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của nhân dân.
Đặc biệt, phong trào "Nhân dân Yên Khánh chung sức xây dựng NTM", được triển khai thực hiện sâu rộng, có sức lan tỏa. Nhiều mô hình, cách làm hay trong xây dựng NTM phát huy hiệu quả, có sự tham gia đông đảo của nhân dân, của con em quê hương và của các doanh nghiệp tạo sức mạnh tổng hợp chung sức xây dựng NTM.
Tính đến nay, Yên Khánh đã có 14 xã hoàn thành và được công nhận xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Qua khảo sát về 19 tiêu chí của tất cả các xã về đích NTM đều có trên 90% tổng số người dân trong xã hài lòng với kết quả xây dựng NTM.
Thực hiện kế hoạch và sự chỉ đạo của tỉnh, năm 2018 Yên Khánh phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM. Hiện nay huyện đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ đối với tất cả các xã, thị trấn. Trong đó với các xã đã về đích NTM, tập trung củng cố các tiêu chí, đảm bảo phát triển vững chắc và xây dựng 2-3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Còn 4 xã chưa về đích, tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành các tiêu chí và về đích NTM trước quý I năm 2018, riêng trong năm 2017 phấn đấu có từ 2-3 xã đạt chuẩn NTM.
Cùng với sự đầu tư cho các xã, huyện tập trung nguồn lực tiến hành đồng bộ kết cấu hạ tầng của thị trấn Yên Ninh để tạo sự kết nối về giao thông, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đáp ứng đúng 9 tiêu chí theo Quy định về huyện nông thôn mới.
Hồng Giang