Vẫn nặng tư tưởng "trọng nam, khinh nữ"
Là người gắn bó với công tác DS-KHHGĐ từ hơn 20 năm nay, bà Đinh Thị Phin, thị trấn Yên Ninh, huyện Yên Khánh cho biết: tuy nhận thức của người dân đã có nhiều tiến bộ, song tư tưởng "trọng nam kinh nữ" vẫn còn "ăn sâu, bám rễ" của một bộ phận người dân. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng sinh con thứ 3 và lựa chọn giới tính khi sinh ngày một gia tăng.
Gia đình chị T. (thị trấn Yên Ninh) có 2 cô con gái, chăm ngoan, học giỏi. Chồng chị là lái xe, bản thân chị làm nghề buôn bán nhỏ nên cuộc sống khá ổn định, hạnh phúc và luôn là tấm gương để nhiều người noi theo. Thế mà, bây giờ chị T. lại có bầu. Chia sẻ với chúng tôi, chị T. ngậm ngùi: Vẫn biết con nào cũng là con, song con gái lớn rồi sẽ đi lấy chồng, chẳng có con cháu quây quần bên cạnh lúc tuổi già thì cũng buồn lắm. Vợ chồng tôi quyết định cố thêm một đứa con trai. Chúng tôi cũng đi xem ngày, xem giờ, uống thuốc bắc... mong là được toại nguyện.
Bà Đinh Thị Phin cho biết thêm, vì khát khao một đứa con trai để nối dõi tông đường mà có trường hợp người mẹ đã sinh mổ tới 3 lần rồi vẫn quyết sinh thêm đứa thứ 4, rất nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của cả hai mẹ con. Cũng phải thấy một thực tế nữa, đó là đối tượng sinh con thứ 3 và lựa chọn giới tính khi sinh không hẳn chỉ là những gia đình sinh con một bề. Khi kinh tế ngày càng khá giả, nhiều gia đình lại nghĩ tới chuyện sinh thêm con.
Để minh chứng, bà Phin kể cho chúng tôi nghe về trường hợp của chị H. một người có hai bằng đại học, có công ăn, việc làm ổn định được nhiều người ngưỡng mộ. Chị H. đã có hai đứa con 1 trai, 1 gái. Vậy mà giờ chị lại quyết định mang thai thêm lần nữa. Khi cộng tác viên dân số đến vận động, chị H. nói rằng, có thêm con là thêm phúc, thêm lộc. Chưa kể, bây giờ nhiều bệnh tật, tai nạn rủi ro nên cũng phải đẻ nhiều để... trừ hao.
Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Yên Khánh cho biết, sự tiến bộ của khoa học, công nghệ đã giúp các bà mẹ nhận biết được giới tính của thai nhi từ rất sớm bằng nhiều cách: siêu âm, chọc ối, sinh thiết gai rau... Chính vì thế, họ có thể dễ dàng loại bỏ và lựa chọn giới tính thai nhi theo ý muốn. Điều này dẫn đến thực trạng thừa nam, thiếu nữ, ảnh hưởng lớn đến cơ cấu dân số, cơ cấu ngành nghề và sự phát triển bền vững của gia đình, xã hội.
Theo số liệu thống kê 10 tháng đầu năm 2014, tỷ lệ giới tính khi sinh ở Yên Khánh là 118 bé trai/100 bé gái. Cá biệt, ở một vài xã tỷ lệ mất cân bằng giới tính khá cao, điển hình như xã Khánh Hồng, tỷ lệ giới tính khi sinh là 224 bé trai/100 bé gái; ở Khánh Lợi, tỷ lệ này là 146 nam/100 nữ. Đáng chú ý là số đảng viên sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng. Trong năm, đã có hơn 30 đảng viên sinh con thứ 3. Đây là một thách thức lớn đối với công tác DS-KHHGĐ của huyện Yên Khánh.
Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Để từng bước giảm thiểu và khống chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tăng cường công tác truyền thông có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, Trung tâm còn đẩy mạnh hoạt động tư vấn trực tiếp đến các cấp Đảng, chính quyền, đoàn thể và các cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh đẻ có con một bề nhằm hạn chế những hành vi không phù hợp với việc sinh đẻ theo quy luật tự nhiên.
Từ đó, gắn trách nhiệm thực hiện DS-KHHGĐ với đánh giá, phân loại hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm đối với các cấp ủy, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên. Trung tâm DS-KHHGĐ còn phối hợp với ngành chức năng tiến hành thanh kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế có dịch vụ siêu âm, nạo phá thai trong việc thực hiện quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, duy trì sinh hoạt các câu lạc bộ "xây dựng gia đình hạnh phúc"...
Đặc biệt, với việc triển khai Đề án "Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2011-2015", tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã thành lập và duy trì sinh hoạt của 19 CLB "phụ nữ không sinh con thứ 3 trở lên giúp nhau phát triển kinh tế gia đình", tổ chức nói chuyện chuyên đề, lồng ghép tuyên truyền và phổ biến các thông tin nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhằm khống chế tốc độ gia tăng mất cân bằng giới tính, tiến tới cân bằng giới tính khi sinh, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Thời gian qua, Trung tâm cũng tổ chức nhiều hội nghị cung cấp thông tin cho các cấp lãnh đạo về mất cân bằng giới tính khi sinh; tập huấn kỹ năng truyền thông, tư vấn chính sách dân số, quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi cho các cán bộ xã. Bên cạnh đó, Trung tâm còn phối hợp với Trung tâm y tế huyện tổ chức thành công các đợt truyền thông, khám và cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ cho hàng nghìn lượt phụ nữ trên địa bàn.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động, đa số người dân trong huyện đều hiểu rõ những hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, để thay đổi được hoàn toàn quan điểm phải có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ của một bộ phận không nhỏ trong nhân dân, nhất là các vùng nông thôn là không dễ dàng. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên ở cơ sở để thực hiện tốt công tác dân số-KHHGĐ; đồng thời, huy động sự phối hợp, tham gia tích cực của các tổ chức chính trị xã hội.
Nguyễn Hùng