Công tác này đã và đang được cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân trên địa bàn huyện tham gia bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Hiện, toàn huyện Yên Khánh có 4.206 đối tượng chính sách, trong đó có hơn 1.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, 868 bệnh binh, 15 Mẹ Việt Nam anh hùng và các đối tượng chính sách được Nhà nước vinh danh vì có nhiều công lao đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc .
Đồng chí Đinh Văn Lâm, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết, chăm lo cho gia đình người có công đã trở thành đạo lý, truyền thống tốt đẹp để tri ân những người có công với Tổ quốc. Hàng năm, vào dịp 27-7, Huyện ủy, UBND huyện đều có văn bản chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương tổ chức các hoạt động phong phú, thiết thực nhằm thực hiện chương trình chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ. MTTQ huyện ra lời kêu gọi phong trào toàn dân ủng hộ, xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa".
Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống được các cấp, các ngành, đoàn thể trong huyện tích cực thực hiện dưới nhiều hình thức như: căng treo pa nô, áp phích, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền miệng… Nhờ đó, nhiều chế độ, chính sách mới của Nhà nước được triển khai nhanh, đầy đủ, kịp thời với các đối tượng người có công. Trên cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, huyện Yên Khánh đã huy động cả hệ thống chính trị và đông đảo người dân tham gia công tác "Đền ơn đáp nghĩa" bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực như: thăm hỏi, tặng quà các thương binh, gia đìnhliệt sỹ, gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc, tu bổ, nâng cấp nghĩa trang, nhà bia tưởng niệm liệt sỹ; hỗ trợ về nhà ở; rà soát việc thực hiện chính sách cho người có công với cách mạng…
Cũng từ phong trào này, nhiều tổ chức, cá nhân đã nhận đỡ đầu, chăm sóc thường xuyên những đối tượng người có công; hỗ trợ, tạo điều kiện học tập và việc làm cho con thương, bệnh binh, con liệt sỹ. Ngoài ra, mỗi năm, huyện huy động được hàng trăm triệu đồng để thực hiện hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho các đối tượng chính sách; xây mới nghĩa trang; phụng dưỡng, thăm hỏi các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn huyện, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho người có công và thân nhân của họ. Một số đơn vị làm tốt công tác người có công là: xã Khánh Hòa, Khánh Hội, Khánh Mậu…
Bên cạnh đó, để các chế độ, chính sách của Nhà nước đến được với các đối tượng người có công, huyện luôn chú trọng công tác rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi với người có công. Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện là đơn vị đầu mối đã thực hiện tốt công tác lập danh sách và rà soát các đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn, nhờ đó đã tránh để xảy ra tình trạng bị bỏ sót đối tượng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đã hoàn thiện 76 hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng"; chi trả trợ cấp kịp thời cho các đối tượng với số tiền trên 36 tỷ đồng. Huyện đã xây mới 2 ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình người có công ở xã Khánh Thủy và Khánh Thiện, phối hợp với Phòng Công thương thẩm định 104 hộ chính sách có khó khăn về nhà ở đề nghị hỗ trợ xây mới, sửa chữa trong năm 2014. Đặc biệt, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho UBND huyện ra quyết định thành lập Ban rà soát thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm (2014-2015). Phòng cũng triển khai kịp thời Thông tư liên tịch số 28/2013 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng đến các xã, thị trấn về điều kiện được xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ…
Hướng tới kỷ niệm 67 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ, các hoạt động trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" được các đơn vị, tổ chức, người dân trên địa bàn huyện thực hiện sôi nổi với mong muốn có nhiều việc làm thiết thực để tri ân các anh hùng, liệt sỹ, người có công. Huyện đang triển khai kế hoạch tặng quà các gia đình người có công với tổng số tiền trên 100 triệu đồng, trích trên 500 triệu đồng để tu sửa nghĩa trang liệt sỹ của huyện…
Nguyễn Hùng