Tuy không phải là địa phương được huyện chỉ đạo thực hiện dồn điền, đổi thửa xong trong năm 2013 nhưng với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, được nhân dân đồng tình ủng hộ, xã Khánh Mậu đã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng vào tháng 12 năm 2013. Kết quả đã giảm số thửa từ 6 thửa/hộ (năm 2003) xuống còn 1,5 thửa/hộ.
Cùng với đó, việc chỉnh trang đồng ruộng, làm đường giao thông nội đồng theo quy hoạch nông thôn mới được triển khai với khối lượng 68.534 m3, lắp mới 992 cống bi các loại, tổng kinh phí là 2,5 tỷ đồng. Sau khi đo giao ruộng, xã tiếp tục triển khai thực hiện việc nghiệm thu kết quả dồn điền, đổi thửa của các xóm, vẽ sơ đồ vị trí ruộng đất của các hộ làm cơ sở để lập hồ sơ địa chính sau dồn điền, đổi thửa để thuận tiện cho việc quản lý.
Về kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác dồn điền đổi thửa của địa phương, đồng chí Nguyễn Cao Cường, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Mậu cho biết: Chúng tôi đã tập trung, thống nhất xử lý và giải quyết linh hoạt, kịp thời, đúng nguyên tắc những đề nghị, kiến nghị của nhân dân và tiểu ban dồn điền, đổi thửa các thôn, xóm. Phân công rõ trách nhiệm cho các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, thành viên UBND, trưởng các ban, ngành, đoàn thể, thành viên Ban chỉ đạo phụ trách các thôn, xóm. Đồng thời phát huy vai trò nòng cốt của các đoàn thể nhân dân trong tuyên truyền, vận động, thuyết phục làm cho nhân dân hiểu rõ dồn điền, đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp là mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho chính bản thân và gia đình họ.
Trao đổi với các đồng chí lãnh đạo huyện được biết: Từ thực tiễn triển khai của các địa phương đi tiên phong trong công tác dồn điền, đổi thửa như Khánh Nhạc, Khánh Thành, Khánh Mậu… bên cạnh việc ghi nhận những cách làm hay và sáng tạo, huyện cũng thẳng thắn nhìn nhận những điểm còn hạn chế và khó khăn để kịp thời đưa ra các giải pháp đối với những địa phương còn lại. Trong đó khó khăn cơ bản là việc dồn điền, đổi thửa động chạm đến quyền lợi trực tiếp của nhân dân, một số hộ trước đây được giao ruộng ổn định ở vị trí tốt và thuận tiện cho sản xuất, ruộng ven các trục đường giao thông không tự nguyện tham gia, gây ít nhiều cản trở trong quá trình tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, diện tích đất để quy hoạch xây dựng một số công trình phúc lợi công cộng theo đề án xây dựng nông thôn mới tập trung ở một số xóm vào diện tích đất tốt, thuận lợi cho các hộ sản xuất thâm canh nay phải lấy ra dành cho quy hoạch cũng là một việc đáng lưu tâm. ở một số xóm có đất ruộng ở nhiều xứ đồng, mặt bằng ruộng đất không đồng đều nên việc lập phương án dồn điền đạt mục tiêu mỗi hộ còn từ 1 đến 2 thửa gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài việc ghi nhận, phổ biến những cách làm hay, sáng tạo huyện còn thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những khó khăn, hạn chế của các xã đi tiên phong trong công tác này để kịp thời đưa ra giải pháp cho những địa phương còn lại.Giải pháp quan trọng hàng đầu mà huyện đã triển khai là tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục tạo sự đồng thuận cao trong toàn Đảng bộ và nhân dân. Đồng thời mọi hoạt động liên quan đến công tác dồn điền, đổi thửa đều được công khai, được đưa ra bàn bạc dân chủ, thống nhất. Cụ thể, Ban chỉ đạo xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa đã tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhu cầu chuyển đổi, phương án chuyển đổi, cơ chế chính sách.
Ban chỉ đạo ở các xã cho đến các thôn xóm đã bám sát trình tự các bước và thực hiện công khai các quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015. Chú trọng tiến hành thu thập tài liệu liên quan đến công tác dồn điền, đổi thửa và tổ chức điều tra quỹ đất, khẩu được giao ruộng và hiện trạng đất nông nghiệp ngoài đồng của từng hộ. Sau khi đo giao ruộng, các xã tiếp tục triển khai thực hiện việc nghiệm thu kết quả của các thôn, xóm là cơ sở để lập hồ sơ địa chính, đồng thời tiếp tục giải quyết các vướng mắc của nhân dân.
Nhờ các giải pháp đồng bộ trong công tác dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, hiện nay bình quân số ruộng của các hộ dân trên địa bàn huyện đã giảm từ 4,7 thửa/hộ xuống còn 1,3-1,7 thửa/hộ. Toàn huyện làm mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống đường giao thông, hệ thống kênh mương nội đồng với gần 8 nghìn tuyến đường nội đồng, bờ vùng, bờ thửa; hơn 2 nghìn tuyến kênh nội đồng, lắp đặt trên 10 nghìn cống các loại với tổng kinh phí khoảng 35 tỷ đồng… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất của huyện Yên Khánh.
Duy Hiền