Xã Khánh Hồng có lợi thế khi 3 làng nghề đan cói và đan bèo bồng xuất khẩu được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Vì vậy, xã Khánh Hồng có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân. Cấp ủy, chính quyền xã đã có nhiều chính sách ưu tiên khuyến khích các hộ gia đình làm nghề và phát triển nghề như: Tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn vay thuận lợi, nhanh chóng, có chính sách phù hợp để các tập thể, cá nhân có nhu cầu thuê mặt bằng mở rộng sản xuất, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động… Do đó, với hình thức truyền nghề, gia đình nào ở xã Khánh Hồng cũng có lao động làm nghề. Có những gia đình có từ 3-4 lao động cùng tham gia làm nghề với nhu nhập khá. Nghề truyền thống đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu kinh tế của xã. Bên cạnh quan tâm phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, xã Khánh Hồng còn quan tâm lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xã đã tiến hành chuyển đổi cơ cấu giống lúa, phát triển diện tích cây màu với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao, xây dựng các mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao như: nuôi cá lóc, nuôi ếch, lợn, vịt… Xã đã quy hoạch vùng sản xuất cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất rau an toàn, vùng chăn nuôi tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm đem lại giá trị cao cho mỗi ha canh tác, góp phần từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Để nâng cao thu nhập cho người dân theo các tiêu chí nông thôn mới, huyện Yên Khánh đã có nhiều giải pháp, trong đó dựa theo đặc thù, tình hình của mỗi địa phương để có những giải pháp phù hợp. Trong lĩnh vực phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, huyện đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp với các doanh nghiệp, tổ hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho người lao động để từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường về mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về vốn, mặt bằng sản xuất, cơ chế, chính sách… nhằm giúp các doanh nghiệp, tổ hợp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Với 7 làng nghề truyền thống và các doanh nghiệp đang hoạt động trong Khu công nghiệp Khánh Phú đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu lao động. Có việc làm ngay tại địa phương còn giúp người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê, 10 tháng đầu năm 2013 giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại trên địa bàn huyện ước đạt gần 1.760 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt gần 1.500 tỷ đồng. Đến hết năm 2012, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Yên Khánh chỉ còn 30%, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng lên 51%, dịch vụ ngành nghề 19%.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Yên Khánh còn có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều địa phương đã mạnh dạn đưa các cây trồng có năng suất, chất lượng vào sản xuất, hình thành vùng trồng cây nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện nhiều dự án, mô hình sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa như: mô hình lúa chất lượng cao, sản xuất lúa giống, trồng nấm rơm trái vụ, mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình rau an toàn… Trong đó, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm với nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao, cơ cấu giống cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, hướng tới thị trường xuất khẩu. Yên Khánh là huyện luôn dẫn đầu toàn tỉnh cả về diện tích, năng suất và giá trị cây vụ đông với diện tích bình quân đạt trên 4.800 ha/năm, trong đó có 65% diện tích trồng trên đất hai lúa. Năm 2013 giá trị sản xuất vụ đông đạt 46,7 triệu đồng/ha. Để phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, Yên Khánh đang tiếp tục triển khai và hoàn thiện các mô hình sản xuất có giá trị cao như: mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao quy mô 400 ha/năm, từng bước hình thành trung tâm sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao quy mô 500 ha/vụ và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đến nay, toàn huyện có 255 mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Lý Nhân