Xã Khánh Mậu là điểm sáng trong thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững của huyện Yên Khánh. Khánh Mậu là xã thuần nông. Mặc dù năng suất, sản lượng lúa cao, song giá trị thu nhập của người nông dân vẫn còn thấp. Trước đây cái vòng luẩn quẩn nghèo - đói cứ dai dẳng bám lấy người dân trong xã, khiến nhiều người phải bỏ đi làm ăn xa xứ. Vậy mà trong vài năm trở lại đây, kinh tế của xã Khánh Mậu đã chuyển biến rõ rệt, đời sống người dân được nâng lên.
Một trong những giải pháp giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân là giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế gia đình. Điển hình như gia đình chị Phạm Thị Tuyết tại xóm 12. Năm vừa qua, gia đình chị được Hội Phụ nữ xã cho vay 30 triệu đồng và hỗ trợ một con bò để phát triển kinh tế. Nhờ đó, từ diện hộ nghèo của xã năm 2014-2015, nay gia đình chị đã thoát nghèo. Gia đình chị Nguyễn Thị Oanh tại xóm 10 có diện tích đất vườn khá rộng nhưng trước đây chỉ để cỏ mọc um tùm. Nhìn "tấc đất, tấc vàng" để hoang, hai vợ chồng chị đã bàn bạc, lên kế hoạch phát triển các loại cây ăn quả tăng thu nhập. Được Hội Phụ nữ xã cho vay 40 triệu đồng, gia đình chị Oanh quyết định mua giống hồng xiêm, táo, chanh để trồng trên 8 sào đất vườn. Ngay vụ đầu tiên đã cho kết quả ngoài mong đợi. Chị Oanh cho biết: Năm nay, các loại cây ăn quả cho gia đình nguồn thu trên 130 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về gấp 9 lần so với trồng lúa. Năm sau, tôi dự định sẽ cải tạo ao để mở rộng diện tích, tăng số lượng cây trồng. Vợ chồng tôi dự tính sẽ trồng thêm 60 cây hồng xiêm, 40 cây táo và khoảng 200 cây chanh. Chị Oanh cho biết, chăm bón cho các loại cây trên không quá phức tạp, điều quan trọng là thời điểm bón phân đạm để cây có năng suất cao nhất. Đến nay, kinh tế của gia đình chị Nguyễn Thị Oanh đã khá giả hơn, anh chị đã sắm thêm được chiếc máy cày để làm dịch vụ.
Ngoài việc cho vay vốn để các hộ gia đình phát triển kinh tế, thời gian gần đây, việc tổ chức các lớp dạy nghề cũng được huyện Yên Khánh triển khai nghiêm túc. Chúng tôi đã đến thăm một lớp dạy nghề đan bèo bồng tại xóm 13. 35 học viên đang vừa học vừa làm những sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Toàn bộ học viên là chị em phụ nữ trong xã. Được biết, trước đây ở xã Khánh Mậu đã có nghề đan cói, song không có sẵn nguyên liệu nên chỉ có một vài hộ làm. Nhưng với nghề đan bèo bồng, nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương nên chị em rất kỳ vọng về việc phát triển thêm nghề này để tăng thêm thu nhập cho gia đình,. Chị Tô Thị Thêu, một học viên tại lớp học cho biết: Khóa học diễn ra trong 2 tháng, tại đây, chúng tôi được dạy kỹ thuật đan các mẫu bèo bồng, được hỗ trợ nguyên liệu cũng như bao tiêu luôn sản phẩm. Theo cán bộ Hội Phụ nữ xã Khánh Mậu, đây là lớp học thứ hai mà huyện Yên Khánh triển khai, lớp học thứ nhất được mở tại xã Khánh Hồng.
Lãnh đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Khánh cho biết: Đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của huyện là 5,6%. Nguyên nhân nghèo chủ yếu là do các hộ có người già cả, ốm đau, bệnh tật và thiếu lao động. So với năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh (giảm hơn 10%) và theo hướng bền vững, tỷ lệ tái nghèo rất thấp. Bình quân thu nhập đầu người năm 2015 là 26,1 triệu đồng/người. Giá trị sản xuất trên địa bàn huyện đến năm 2015 đạt trên 4.300 tỷ đồng. Các chương trình lao động, việc làm, dạy nghề đạt kết quả rõ nét, hàng năm, trung bình có 4.000 lao động tìm được việc làm mới.
Trong giai đoạn 2011-2015, tổng nguồn kinh phí đã bố trí để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững là hơn 82 tỷ đồng. Huyện đã triển khai 2 dự án giảm nghèo: dự án về nhân rộng mô hình giảm nghèo và dự án về hỗ trợ nâng cao năng lực giảm nghèo, truyền thông và giám sát đánh giá thực hiện Chương trình. Cùng với đó, huyện đã thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo chung của Quốc gia như: tín dụng ưu đãi, dạy nghề, giải quyết việc làm; các chính sách xã hội về y tế, giáo dục, hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo...
Năm 2016 là năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 và cũng là năm đầu thực hiện việc tiếp cận các chỉ tiêu đo lường hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Mục tiêu mà huyện Yên Khánh đặt ra là phấn đấu cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%. Với các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 7%, phấn đấu mỗi xã giảm từ 1,5-2%. Đối với 4 xã phấn đấu về đích nông thôn mới như Khánh Hồng, Khánh Mậu, Khánh Hội và Khánh Hòa, tỷ lệ hộ nghèo phải đáp ứng được tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã đã về đích nông thôn mới cần tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các hộ nghèo, hạn chế tái nghèo.
Bài, ảnh: Thái Học