Xã Khánh Hồng là địa phương có nhiều mô hình kinh tế mới. Ngoài khu sản xuất rau, củ công nghệ cao, quy mô hơn 1 ha của Sở Nông nghiệp & PTNT thì còn có các mô hình khoai tây xuân, quy mô 25 ha, trong đó có 23 ha của Công ty cổ phần Giống cây trồng và con nuôi Ninh Bình, 2 ha của Phòng Nông nghiệp &PTNT Yên Khánh.
Đồng chí Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện cho biết: Diện tích của Công ty cổ phần Giống cây trồng con nuôi Ninh Bình được thuê lại của người dân xóm 8 và 9 và được trồng bằng giống khoai Maraben (Đức) với các công đoạn sản xuất chủ yếu thực hiện bằng máy.
Riêng diện tích của Phòng dùng để thử nghiệm 7 giống khoai tây của Đức. Sản phẩm làm ra đều được Công ty TNHH An Việt thu mua. Dự kiến khoảng hơn 1 tháng nữa sẽ thu hoạch và năng suất ước đạt khoảng 1 tấn/sào, tương đương với khoảng gần 28 tấn/ha.
Đến thăm mô hình chăn nuôi lợn nái của gia đình anh Trần Văn Sáng (Khánh Hội) có 3 khu chuồng nuôi: Lợn hậu bị, lợn đẻ và lợn con. Chuồng trại được xây dựng theo quy trình khép kín, đảm bảo đông ấm, hè thoáng với tổng diện tích trên 600 m2.
Hiện trong chuồng có 100 lợn nái. Bình quân một năm, 1 lợn nái cho 2,5 lứa; mỗi lứa cho cho từ 10-12 con và lợn con đực sẽ được nuôi để bán thương phẩm, lợn con cái nuôi vỗ dùng làm nái hậu bị, bán giống; trừ chi phí mỗi lứa còn được lãi từ 7-8 triệu đồng. Tổng doanh thu của gia đình 1 năm ước đạt 1 tỷ đồng...
Trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Năng Hiến, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Khánh Hội cho biết: Trên địa bàn xã còn nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả đã hình thành, như trồng nông sản sạch, quy mô 15 ha của Công ty Việt Xanh; cải tạo vườn tạp trồng 240 cây hồng xiêm của anh Lê Quang Thịnh; nuôi vịt trời, quy mô 1.000 con của anh Trần Lưu...
Đó thực sự là những mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả; không chỉ trực tiếp nâng cao thu nhập, làm giàu cho gia đình mà còn góp sức vào việc hoàn thành tiêu chí phát triển kinh tế-xã hội của xã.
Trong cơ cấu giống lúa của xã Khánh Thành, hàng vụ có tới 70-90% là các loại lúa chất lượng cao. Tuy nhiên, do đầu ra không ổn định, giá cả phụ thuộc nhiều vào thị trường sau thu hoạch nên việc sản xuất lúa vẫn chưa đem lại hiệu quả kinh tế như mong muốn của địa phương.
Khắc phục điều này, bắt đầu từ vụ xuân năm 2016, các hộ nông dân, HTX nông nghiệp và doanh nghiệp đã "bắt tay" nhau để thực hiện mô hình sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Trần Văn Thúy, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Đại Thành, xã Khánh Thành cho biết: Khởi đầu, HTX có 35 ha trồng lúa VietGAP theo hợp đồng với doanh nghiệp. Nhờ việc sản xuất theo lịch thời vụ tập trung và quy trình khép kín, chúng tôi giảm được đáng kể công sức và chi phí.
Tính trung bình, mỗi sào lúa chỉ mất 600.000-700.000 đồng tiền chi phí, tiết kiệm được 300.000-500.000 đồng so với trước đây. Ngoài ra, nông dân còn được cán bộ chuyên môn hướng dẫn chi tiết biện pháp chăm sóc lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng, công thức bón phân cụ thể và áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên hạn chế sử dụng thuốc BVTV, an toàn cho người lao động trực tiếp và cho cả sản phẩm sau thu hoạch.
Kết quả diện tích cấy lúa VietGap của HTX vụ xuân vừa rồi đạt năng suất 2,4 tạ/sào. Quan trọng hơn, với chất lượng được đảm bảo, lúa được Công ty cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng con nuôi Ninh Bình bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn thị trường 2% nên nông dân hết sức phấn khởi.
Đồng chí Đinh Văn Vọng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Là huyện trọng điểm về nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình, Yên Khánh xác định phát triển nông nghiệp là hướng đi vừa khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, vừa ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Những năm qua, huyện đã tập trung thực hiện dồn điền đổi thửa tạo những mảnh ruộng lớn hơn để áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chỉnh trang lại hệ thống giao thông, thủy lợi, bờ vùng, bờ thửa để chủ động tưới tiêu và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, tạo điều kiện cho biện pháp gieo thẳng lúa được ứng dụng rộng rãi ở các địa phương (vụ đông xuân 2016-2017, thống kê sơ bộ cho thấy có tới gần 85% diện tích lúa được thực hiện bằng biện pháp gieo thẳng).
Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo, lãnh đạo các địa phương tiến hành xây dựng các mô hình sản xuất mới, ứng dụng khoa học công nghệ cao; đã có gần 300 mô hình sản xuất có hiệu quả, hàng trăm trang trại, gia trại vừa và nhỏ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản được hình thành.
Có thể kể thêm một số mô hình ở các địa phương: Khoai tây xuân, ngoài diện tích ở Khánh Hồng còn có ở Khánh Cư 3,5 ha, Khánh An 4 ha, Khánh Hòa 3 ha, thị trấn Yên Ninh 4 ha; Cải bó xôi ở Khánh Mậu 3 ha, Khánh Nhạc 3 ha; măng tây ở Khánh Vân 1 ha, Khánh Trung 1 ha; lúa xuất khẩu...
Mô hình liên kết "4 nhà" trong sản xuất nông nghiệp được huyện chú trọng, dự án liên kết sản xuất lúa giống với các doanh nghiệp được triển khai hiệu quả với diện tích hơn 200 ha tại các xã Khánh Cường, Khánh Trung, Khánh Nhạc; hằng năm cung cấp hàng nghìn tấn thóc giống chất lượng cao phục vụ sản xuất trong nước.
Cùng với trồng trọt thì chăn nuôi trên địa bàn huyện Yên Khánh cũng đã mang lại những tín hiệu vui. Với việc quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung, tạo điều kiện về vốn, đất đai… đã giúp huyện từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển theo hướng tập trung quy mô công nghiệp.
Đến nay, toàn huyện đã có hàng nghìn hộ chăn nuôi gia trại, trang trại, nông hộ áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín, liên kết từ sản xuất giống, thức ăn đến tiêu thụ, có thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, như: chăn nuôi lợn, cá trắm đen ở Khánh Thủy, Khánh Công...
Tuy đạt được những thành công bước đầu nhưng các mô hình nông nghiệp của huyện Yên Khánh còn bộc lộ một số hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, chưa có nhiều những vùng sản xuất nông sản hàng hóa chủ lực, an toàn gắn kết với thị trường.
Chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chưa cao, giá trị gia tăng thấp... Là địa phương được tỉnh cũng như Sở Nông nghiệp & PTNT "chọn mặt gửi vàng" để triển khai kế hoạch tái cơ cấu, Yên Khánh đặt quyết tâm cao để thực hiện.
Trong năm 2017, ngoài các mô hình đã có, huyện yêu cầu các địa phương mỗi đơn vị phải xây dựng và tổ chức thực hiện được ít nhất là 1 mô hình sản xuất nông nghiệp mới có hiệu quả và coi đây là chỉ tiêu thi đua để bình xét cuối năm.
Đinh Chúc