Tiếp tục khẳng định vị trí đi đầu trong sản xuất nông nghiệp Trong nhiều năm qua và đặc biệt là năm 2016, Yên Khánh tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu toàn tỉnh về năng suất, sản lượng lúa. Từ một nền sản xuất nhỏ, mang tính tự cấp, tự túc, đến nay, Yên Khánh đã phá được thế độc canh cây lúa, đưa nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa.
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2025. Theo đó quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong sản xuất nông nghiệp của huyện là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa công nghệ cao. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tạo chuỗi giá trị sản phẩm có thương hiệu. Nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.
Để khai thác tiềm năng đất đai, trước hết là phải làm thay đổi tư duy. Theo đó, huyện tập trung nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở, tăng cường chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân để nông dân thích ứng, tiếp cận nhanh với những mô hình mới như: sản xuất giống lúa chất lượng cao; xây dựng cánh đồng mẫu lớn; đưa cơ giới hóa vào sản xuất; hiện đại hóa khâu thu hoạch và chú trọng liên kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Cùng với đó là các giải pháp và chính sách đi kèm, tạo động lực, thực hiện đề án sản xuất ở địa phương, từng bước thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đến nay nhiều mặt hàng nông sản của huyện đã được nhiều doanh nghiệp biết đến và tham gia bao tiêu với diện tích 110 ha như: vùng sản xuất rau an toàn trên 10 ha ở xã Khánh Thành, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao 10 ha ở xã Khánh Hội, sản xuất rau và khoai tây ứng dụng công nghệ cao 35 ha ở xã Khánh Hồng, bí xanh, ớt xã Khánh Hải, trên 60 ha cây dược liệu (trạch tả) ở các xã Khánh Thủy, Khánh Công, Khánh Cường... Ngoài ra, Yên Khánh còn được biết đến với nghề sản xuất và chế biến nấm. Năm 2016, sản lượng nấm tươi toàn huyện đạt 1.773 tấn, tăng 28,5 tấn so với năm 2015, đưa Yên Khánh trở thành vùng trọng điểm về sản xuất nấm của tỉnh.
Nhờ định hướng đúng đắn và kịp thời, Yên Khánh đã từng bước khai thác các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đưa huyện trở thành đơn vị đứng đầu tỉnh về sản xuất lúa chất lượng cao và xây dựng cánh đồng lớn. Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp là việc hình thành mô hình cánh đồng liên kết, khép kín từ hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng giống, vật tư đến tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu đã và đang mang lại hiệu quả cao, được sự hưởng ứng tích cực của người nông dân. Năm 2016 là năm có diện tích gieo sạ cao nhất từ trước đến nay, đạt 60,5% diện tích. Diện tích lúa chất lượng cao là 10.064,5 ha, chiếm 66,23% diện tích; giá trị sản xuất đạt 130 triệu/ha canh tác, tăng 3 triệu/ha so với năm 2015. Diện tích sản xuất vụ đông đạt 2.600 ha, tiếp tục đạt hiệu quả theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao, sản phẩm dễ tiêu thụ vào sản xuất như: bí xanh, ngô, rau các loại…
Trong lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều gia trại, trang trại với quy mô tập trung và phát triển con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao để sản xuất hàng hóa. Nhiều mô hình đem lại hiệu quả cao như: trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn siêu nạc, cá lóc bông, cá trắm đen, ba ba...
Những kết quả trên đã cho thấy nông nghiệp Yên Khánh ngày càng đi vào chiều sâu, đây chính là cơ sở và nền tảng quan trọng để sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển nhanh và bền vững.
Từng bước sắp xếp bộ máy cán bộ theo hướng tinh gọn
Năm 2016, Yên Khánh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định lựa chọn làm điểm về tinh giản biên chế và bố trí sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Ngay sau khi được lựa chọn làm điểm, xác định đây là vinh dự nhưng cũng là trọng trách lớn, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Khánh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với bước đi thận trọng, khoa học, đảm bảo dân chủ. Trong quá trình thực hiện, Huyện ủy Yên Khánh đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, triển khai các bước đi theo đúng quy trình, tiến độ thời gian. Huyện lựa chọn 2 xã Khánh Thiện và Khánh Trung thực hiện thí điểm kiêm nhiệm một số chức danh đối với người hoạt động không chuyên ở xã, ở thôn.
Đồng chí Nguyễn Văn Viện, Bí thư Đảng ủy xã Khánh Trung cho biết: Thực tiễn cho thấy, những năm qua, đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở xã, ở xóm đã được bổ sung tăng về số lượng, nhưng chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chưa cao; chế độ đãi ngộ, phụ cấp theo quy định của Nhà nước đối với người hoạt động không chuyên trách còn thấp. Việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí, phân công nhiệm vụ ở một số chức danh còn chồng chéo, chưa thực sự đúng người, đúng việc; trình độ, năng lực chuyên môn, một số người tuổi cao, sức khỏe yếu chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; công tác quản lý, theo dõi, đánh giá đối với những người hoạt động không chuyên trách còn nhiều hạn chế. Do vậy việc sắp xếp kiêm nhiệm lại đội ngũ này để đảm bảo cho bộ máy của chính quyền tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động là một yêu cầu khách quan.
Tuy vậy, khi bắt tay vào xây dựng Đề án, xã Khánh Trung cũng gặp không ít khó khăn bởi tâm lý ngại "va chạm", nể nang và đôi khi vẫn còn tư tưởng "cục bộ". Mặt khác, một số cán bộ không chuyên trách tuổi đời cao, không có trình độ chuyên môn hoặc chuyên môn không phù hợp với công việc được giao nhưng chưa muốn nghỉ công tác. Trước khó khăn trên và với quyết tâm hướng tới xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu quả, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo theo phương châm "thấu tình, đạt lý". Công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục được đề cao. Các chức danh kiêm nhiệm cũng được tính toán đảm bảo khoa học. Theo đó, dự kiến chức danh cán bộ cấp xã, ngoài chức danh Phó chủ tịch ủy ban MTTQ kiêm Chủ tịch Hội chữ thập đỏ đã bố trí kiêm nhiệm, còn 18 chức danh với 22 người được bố trí, sắp xếp: 1 Phó chủ tịch ủy ban MTTQ xã kiêm nhiệm Chủ tịch Hội Người cao tuổi; Phó chủ nhiệm UBKT Đảng ủy kiêm nhiệm Phó Ban tuyên giáo, dân vận; cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư kiêm nhiệm nhân viên thú y; phó công an xã kiêm nhiệm công an viên thường trực; Phó Chủ tịch Hội LHPN xã kiêm nhiệm cán bộ DS-KHHGĐ; Phó Bí thư Đoàn xã kiêm nhiệm cán bộ biên tập chương trình của đài truyền thanh xã. ở cấp thôn, 9 chức danh cũng sẽ được bố trí cho 21 người.
Với cách bố trí như trên, cán bộ không chuyên trách ở xã sẽ giảm được 6 người (giảm 28%) và cán bộ không chuyên trách, những người hưởng trợ cấp từ ngân sách Nhà nước ở thôn sẽ giảm được 48 người (giảm 25,5%). Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ giảm chi ngân sách gần 80 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh không chuyên trách cấp xã, cấp thôn sẽ giảm chi ngân sách thường xuyên ở các hội nghị và một số chi phí khác…, từng bước khắc phục tình trạng vượt chi thường xuyên của dự toán ngân sách.
Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Viện, việc thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh đối với người hoạt động không chuyên ở xã, ở thôn được xem là phù hợp với thực tiễn cũng như xu hướng phát triển, hướng tới mục tiêu tinh giản bộ máy, bảo đảm sự giám sát của người dân đối với các tổ chức Đảng và đảng viên, tiết kiệm nguồn lực cũng như sự đóng góp của người dân.
Năm 2016, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Yên Khánh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực toàn diện trên các lĩnh vực, 10/11 chỉ tiêu đạt và vượt. Kinh tế tăng trưởng khá với tốc độ 7%. Xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo toàn diện, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa, được nhân dân tự nguyện, tích cực, chủ động tham gia. Toàn huyện đã có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới (vượt chỉ tiêu kế hoạch 2 xã). Các hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn phát triển. Công tác thu hút đầu tư được tăng cường. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống nhân dân được cải thiện, tăng cao. Với những kết quả đã đạt được, bước vào năm 2017, Đảng bộ và nhân dân Yên Khánh sẽ có thêm niềm tin để gặt hái nhiều thành công hơn nữa.
Mai Lan