Huyện khuyến cáo, khuyến khích các địa phương và người nông dân đưa nhanh và nhiều các giống lúa chất lượng cao như: LT2, Bắc thơm số 7, QR1… vào sản xuất.
Vụ lúa đông xuân năm 2011 toàn huyện gieo cấy được 7.292 ha, năng suất đạt bình quân 67 tạ/ha, trong đó diện tích lúa chất lượng cao là 3.620,8 ha, chiếm gần 50% tổng diện tích lúa gieo cấy được, năng suất đạt 66,23 tạ/ha.
Vụ mùa, toàn huyện gieo cấy được 7.858,9 ha, với năng suất bình quân chung ước đạt 58 tạ/ha, trong đó có 4.443,7 ha là các giống lúa chất lượng cao, chiếm 56,5% diện tích và năng suất ước đạt 58,58 tạ/ha. Trong vụ mùa này, tất cả các HTX đều đưa nhanh và nhiều giống lúa chất lượng cao vào đồng ruộng, HTX thấp nhất cũng có khoảng 20% diện tích lúa gieo cấy được là các giống chất lượng cao. 36/36 HTX của huyện đều có vùng quy hoạch sản xuất lúa chất lượng cao quy mô từ 5 ha trở lên và có 16/36 HTX có diện tích lúa chất lượng cao từ trên 100 ha trở lên,
Về năng suất, ở vụ đông xuân, các giống lúa chất lượng cao không thua kém nhiều so với năng suất bình quân chung vụ mùa năng suất còn cao hơn so với năng suất bình quân chung. Điều đó chứng tỏ tiềm năng, năng suất của các giống lúa chất lượng cao là khá tốt, đáp ứng được yêu cầu và tâm lý chung của người sản xuất.
Về chất lượng, gạo của các giống lúa chất lượng cao qua nhiều vụ sản xuất đã đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng, cũng như đòi hỏi của thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngoài giá trị về tiêu dùng đã được công chúng thừa nhận, giá lúa chất lượng cao thường cao hơn các loại lúa khác từ 1,5-2 lần. Ở thời điểm hiện tại, giá 1 kg lúa chất lượng cao (Bắc thơm số 7, LT2, QR1) khoảng 10.000-11.000 đồng, trong khi đó giá 1 kg lúa khác chỉ từ 7.000-8.000 đồng. Ngược lại, khi vào sản xuất, giá 1kg giống lúa chất lượng cao lại rẻ hơn nhiều so với giống lúa cao sản (giống lúa cao sản là những giống lúa lai nhập ngoại, giá giống đắt), giống lại dễ mua, trong khi đó chi phí cho phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc lúa chất lượng cao đỡ tốn kém hơn… Do vậy, hiệu quả kinh tế của việc sản xuất lúa chất lượng cao lớn hơn nhiều so việc sản xuất lúa cao sản.
Theo tính toán của ông Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện thì: 1 ha lúa chất lượng cao cho lãi khoảng trên 15 triệu đồng, trong khi đó 1ha lúa cao sản chỉ cho lãi khoảng 4,5 triệu đồng. Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, để nâng cao thu nhập cho người nông dân thì một trong những hướng đi của ngành trồng trọt là sản xuất lúa chất lượng cao với những sản phẩm chất lượng, giá trị cao, có tính hàng hóa lớn.
Đã gần 2 năm qua, giống lúa thuần chất lượng cao QR1 được các địa phương trong huyện chú trọng mở rộng diện tích gieo cấy đại trà ở cả 2 vụ. Trên địa bàn huyện đã có dự án sản xuất giống lúa QR1 tại xã Khánh Trung và Khánh Cường, quy mô 200 ha, đảm bảo đủ giống cho nông dân trong huyện và tỉnh khi bước vào sản xuất đại trà. Vụ đông xuân năm 2010 có 17 HTX của huyện đưa giống QR1 vào sản xuất với tổng diện tích là 201,7 ha; vụ mùa có 20 HTX đưa giống lúa này vào sản xuất đại trà với tổng diện tích là gần 500 ha. Năm 2011, vụ đông xuân đã có 29/36 HTX đưa giống lúa này vào sản xuất với tổng diện tích đạt gần 1.000 ha và vụ mùa 2011 thì hầu hết các HTX trong huyện đã đưa giống QR1 vào cơ cấu cây trồng của mình và đẩy diện tích giống lúa gieo cấy được lên vài nghìn ha. Bộ giống lúa chất lượng cao còn có: LT2, Bắc Thơm số 7..., nhưng ngành Nông nghiệp vẫn đang cùng huyện lựa chọn, khảo nghiệm, bổ sung để đưa vào đồng ruộng các giống lúa mới và đã cho thấy các giống lúa: TB45, J01… cho năng suất và chất lượng gạo rất tốt.
Tuy nhiên, để đảm bảo chắc chắn về an ninh lương thực và sản xuất lúa có hiệu quả, việc gieo cấy giống lúa nào, chất lượng cao hay năng suất cao, diện tích từng loại là bao nhiêu… tùy thuộc vào điều kiện thực tế của từng địa phương, tập quán canh tác ở nơi đó để quyết định sao cho vừa có hiệu quả kinh tế lại đảm bảo được an ninh lương thực.
Đinh Chúc