Mỗi năm trên địa bàn huyện Yên Khánh xảy ra từ 40 - 50 vụ phạm pháp hình sự; 90-110 vụ vi phạm pháp luật chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, chủ yếu các vụ thuộc nhóm tội phạm trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy... Do đó, số người phạm pháp phải chấp hành án phạt tù có xu hướng tăng, kéo theo sự gia tăng số người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện Yên Khánh có 371 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, thuộc diện cần thiết tổ chức các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng, trong đó có 325 người về trình diện, 46 người không về trình diện, bỏ đi nơi khác sinh sống.
Để quản lý, giáo dục, giúp đỡ hiệu quả các đối tượng trên xóa bỏ mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, thời gian qua Yên Khánh đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người chấp hành xong án phạt tù về địa phương nơi cư trú, đồng thời xác định, phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân trong việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ họ sớm ổn định cuộc sống, phấn đấu trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.
Qua công tác tuyên truyền, các gia đình, dòng họ đã nhận thức rõ trách nhiệm trong việc phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân trong việc phối hợp với các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể để quản lý, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù; không kỳ thị, phân biệt đối xử; đồng thời mỗi người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cũng hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình tại nơi cư trú để tự giác chấp hành. Để nắm rõ điều kiện, hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống của người chấp hành xong án phạt tù, các địa phương trong huyện đã mời 325/371 người chấp hành xong án phạt tù đến trụ sở UBND xã, thị trấn trình diện, yêu cầu ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, của địa phương nơi cư trú, quan tâm, hướng dẫn tạo điều kiện để họ nhập hộ khẩu thường trú về nơi ở cũ, làm thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ căn cước công dân.
Đồng thời các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên... đã phân công cán bộ, hội viên chủ động gặp gỡ thân nhân các gia đình có người chấp hành xong án phạt tù để vận động, đề nghị phối hợp trong việc quản lý, giáo dục, động viên, giúp đỡ người thân xóa bỏ mặc cảm, tích cực lao động, học tập và tham gia các hoạt động xã hội, giúp con em họ sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đối với 46 người không đến trình báo, huyện đã chỉ đạo tiến hành xác minh, làm rõ nguyên nhân, triệu tập đến UBND xã, thị trấn để nhắc nhở, chấn chỉnh, yêu cầu xuất trình giấy tờ, cam kết chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước.
Một trong các giải pháp đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác quản lý, giáo dục là huyện đã chỉ đạo các ngành, đơn vị thực hiện các chính sách trợ giúp, hỗ trợ dạy nghề, vay vốn, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Trong 6 năm qua, với sự bảo lãnh của các đoàn thể, chính quyền địa phương, ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng đã tạo điều kiện cho 45 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền trên 500 triệu đồng để mở rộng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Nhiều cá nhân tái hòa nhập cộng đồng phấn đấu vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều người khác như anh Phạm Văn Nguyện (sinh năm 1971, trú tại Khánh Mậu) là người đã chấp hành xong 9 tháng tù về tội cố ý gây thương tích, sau khi về địa phương, anh đã được Hội Cựu chiến binh xã gặp gỡ, động viên, bảo lãnh cho vay vốn đầu tư sản xuất, đến nay anh Nguyện đã làm chủ doanh nghiệp xây dựng, thường xuyên tạo việc làm cho 30 công nhân với thu nhập bình quân 4 - 7 triệu đồng/người/tháng. Huyện cũng khuyến khích, vận động các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân tiếp nhận người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Với sự giúp đỡ của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp và nhân dân, cùng với sự nỗ lực, cố gắng, phấn đấu của bản thân, đến nay, trên địa bàn huyện đã có 204 người được xóa án tích; 325/371 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được các ngành, đoàn thể và nhân dân tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa. Hầu hết những người chấp hành xong án phạt tù đã tích cực lao động, làm ăn lương thiện, hòa nhập cộng đồng và đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, tổng số người chấp hành xong án phạt tù có việc làm đạt 362/371 người, chiếm 97,57%; trong đó nhiều người có thu nhập bình quân từ 3 - 10 triệu đồng/ tháng. Đại bộ phận nhân dân đã nắm rõ các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng, không kỳ thị, phân biệt, đối xử với những người chấp hành xong án phạt tù, góp phần tích cực trong việc giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn.
Kiều Ân