Trên địa bàn huyện có nhiều mô hình sản xuất nông sản sạch được hình thành và hoạt động có hiệu quả với việc tích cực liên doanh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được quan tâm phát triển theo hướng quy hoạch tập trung quy mô trang trại, gia trại tổng hợp đạt hiệu quả cao. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề có giá trị sản xuất bình quân đạt 45,6%; hoạt động dịch vụ phát triển đa dạng, giá trị dịch vụ tăng gấp 2 lần so với năm 2010. Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng: Về giao thông, thủy lợi đã thu hút được nhiều dự án lồng ghép nhiều nguồn vốn hỗ trợ của trung ương, của tỉnh và sự đóng góp tích cực của nhân dân, các doanh nghiệp và con em quê hương.
Đến hết năm 2016 các xã đã tiếp nhận 46.732 tấn xi măng, làm mới, nâng cấp 2.752 tuyến đường giao thông nông thôn với chiều dài 338 km, kiên cố hóa 29,7 km kênh tưới. Hệ thống điện sinh hoạt nông thôn đã bàn giao 100% cho ngành điện quản lý, đầu tư, khai thác và được cải tạo nâng cấp phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Hệ thống cơ sở trường học được quy hoạch và đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới; đã có 769/869 phòng học, phòng chức năng được kiên cố hóa, đạt tỷ lệ trên 88%; đã hỗ trợ 170 nhà ở dột nát, nâng tỷ lệ nhà ở dân cư nông thôn đạt chuẩn lên 97%...
Tổng nguồn lực huy động vào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2016 là 3.134,542 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Nhà nước đạt 1.206,197 tỷ đồng, chiếm 38,4% (ngân sách trực tiếp là 901,352 tỷ đồng, chiếm 28,7%); vốn tín dụng 585,495 tỷ đồng, chiếm 18,7%; vốn doanh nghiệp 122,423 tỷ đồng, chiếm 4%; vốn nhân dân tham gia là 1.160,518 tỷ đồng, chiếm 37%; vốn khác 59,907 tỷ đồng, chiếm 1,9%.
Mới đây, trong đợt xét duyệt cuối năm 2017 của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh, huyện Yên Khánh có thêm 4 xã: Khánh Lợi, Khánh Vân, Khánh Tiên, Khánh Công đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 18/18 đơn vị. Diện mạo nông thôn đã thay đổi rõ nét, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới ngày càng đầy đủ, người dân thực sự là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới... Đó là điều kiện quan trọng đầu tiên và là yếu tố cần thiết của một huyện nông thôn mới.
Năm 2018 huyện Yên Khánh tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung các quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung xây dựng các tuyến đường huyện, các tuyến đường nội thị thị trấn Yên Ninh. Nâng cấp hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi, thực hiện nạo vét các tuyến sông, kiên cố hóa kênh mương, huy động mọi nguồn lực để xây dựng hệ thống điện chiếu sáng trên các tuyến đường nội thị, đường giao thông liên thôn, liên xã.
Xây dựng trường chất lượng cao THCS thị trấn Yên Ninh, Trung tâm văn hóa huyện Yên Khánh, mở rộng khuôn viên Bệnh viện Đa khoa huyện. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, củng cố và phát triển kinh tế hợp tác; thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chỉ đạo 3 xã: Khánh Thành, Khánh Thủy, Khánh Nhạc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với VSATTP theo đề án của tỉnh.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức và tuân thủ quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hộ sản xuất và toàn thể nhân dân. Dự kiến kinh phí cần 478,089 tỷ đồng, với đề nghị cho thị trấn Yên Ninh được hưởng cơ chế, chính sách như xã nông thôn mới.
Đối với các xã đã về đích nông thôn mới: Tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí; thực hiện các giải pháp giảm nghèo, bảo vệ môi trường, chỉnh trang đường làng ngõ xóm xanh, sạch, đẹp; đảm bảo an ninh trật tự; tạo nguồn lực trả nợ xây dựng cơ bản; phấn đấu tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới bền vững. Đến năm 2020 phấn đấu 2 xã Khánh Thành, Khánh Nhạc đạt tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát triển hàng hóa, góp phần nâng cao hiệu quả các mô hình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với VSATTP, kết hợp lực lượng lao động vừa sản xuất nông nghiệp vừa sản xuất công nghiệp, TTCN, tham gia dịch vụ thương mại, nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế ở địa phương.
Quản lý, sử dụng có hiệu quả các công trình xây dựng, nhà văn hóa xã, thôn. Với thị trấn Yên Ninh hoàn thành Quy hoạch chi tiết 1/500; Đề án đặt tên đường phố, đánh số nhà tại tất cả khu phố của thị trấn; xây dựng khu dân cư mới kiểu mẫu tại khu đấu giá giá trị quyền sử dụng đất. Rà soát, đánh giá tình hình của thị trấn theo tiêu chí huyện nông thôn mới, tăng cường sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân trong xây dựng nông thôn mới...
Đinh Chúc