Để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao, ngay từ đầu năm huyện đã kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo và xác định các chương trình hành động cụ thể, phù hợp với thực tiễn địa phương theo từng giai đoạn. Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo. Từ đó động viên người nghèo nỗ lực vươn lên.
Trong triển khai thực tế các chương trình, các cấp chính quyền nắm chắc số hộ nghèo trên địa bàn, xây dựng phương án đầu tư kinh phí cho vùng nghèo, xã nghèo, hộ nghèo. Đồng thời đôn đốc, kiểm tra chương trình giảm nghèo do các đoàn thể thực hiện. Đặc biệt nắm rõ nguyên nhân, hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng của người nghèo để tham mưu xây dựng chính sách đầu tư thích hợp, hiệu quả.
Là huyện thuần nông, Yên Khánh xác định phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong công tác giảm nghèo. Theo định hướng đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT tranh thủ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh tăng cường đào tạo nghề cho nông dân và các chủ trang trại. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho bà con nông dân…
Huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu giống, mùa vụ theo hướng nâng cao giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác. Hướng dẫn bà con đưa vào sản xuất các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: ngô ngọt ở xã Khánh Thành, Khánh Nhạc; dưa bao tử ở Khánh Hồng, bí xanh ở Khánh Hải… Huyện tập trung chỉ đạo sản xuất vụ đông, đưa vụ đông dần trở thành vụ sản xuất chính.
Đến nay, diện tích trồng cây vụ đông của huyện đã đạt trên 5.000 ha, vượt kế hoạch đề ra. Triển khai nhiều mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp đặc điểm của từng địa phương như: cải tạo ruộng trũng để nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi ruộng cao, khó khăn về nước tưới sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, triển khai mô hình nuôi lợn theo hướng công nghiệp. Nhờ vậy, nhiều vùng trước đây thuộc diện đặc biệt khó khăn, thì nay đã có chuyển biến rõ rệt, dần trở thành vùng nuôi đặc sản, giúp đời sống của người nghèo nói riêng và nhân dân trong trong huyện nói chung không ngừng được cải thiện.
Bên cạnh đó, huyện đặc biệt quan tâm công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm, giúp người nghèo ổn định cuộc sống. Huyện lựa chọn những xã nghèo, xã có đất bị thu hồi để xây dựng kế hoạch dạy nghề, hướng dẫn, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người lao động chọn nghề phù hợp để học. Trên cơ sở đó, phối hợp với các Doanh nghiệp, HTX mở lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, ưu tiên lao động thuộc hộ nghèo. Thời gian qua, huyện đã tổ chức được 20 lớp dạy các nghề may công nghiệp, đan bèo bồng, làm hàng cói cho 600 lao động trên địa bàn. Sau học nghề, các lao động đều có việc làm với thu nhập ổn định.
Từ đầu năm đến nay, Yên Khánh cũng có trên 4.000 lao động có việc làm mới tại các doanh nghiệp trên địa bàn và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong tỉnh. Một số doanh nghiệp tích cực tham gia chương trình đào tạo nghề là: Hoa Hường, HTX thêu Ngọc Bích, Doanh nghiệp sản xuất cói xuất khẩu Thành Hóa…
Bên cạnh đó, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống tiếp tục được phát triển như: thêu, may, bún bánh, nghề cói… nhằm thu hút thêm nhiều lao động. 7 làng nghề của huyện hoạt động hiệu quả đã giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định ở mức từ 1-3 triệu đồng/người/tháng.
Xuất khẩu lao động cũng được huyện xác định là hướng giảm nghèo bền vững. Do đó, huyện chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi, giảm bớt thủ tục giúp người nghèo tiếp cận với nguồn vốn vay để xuất khẩu lao động. Nhờ đó, mỗi năm, huyện có hàng trăm người đi xuất khẩu lao động. Đến đầu năm 2014, tổng dư nợ vốn vay cho hộ nghèo của huyện đã đạt trên 40 tỷ đồng, 100% hộ nghèo có đủ điều kiện, có nhu cầu đều được vay vốn.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã giúp người nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu giảm nghèo ở địa phương. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Với cách làm hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Yên Khánh giảm nhanh từ 5,22% đầu năm 2014 xuống còn 3,63% đến thời điểm hiện nay.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Yên Khánh không chỉ hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh mà còn phải bền vững. Để đạt mục tiêu đó, huyện Yên Khánh xác định gắn chương trình giảm nghèo với tăng trưởng kinh tế. Nắm chắc, phân loại tình trạng đói nghèo, hộ nghèo... để có biện pháp giúp đỡ phù hợp.
Đào Hằng