Trước khi được học nghề đan cói, bèo bồng do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của huyện tổ chức từ vài năm trước, chị Bùi Thị Vui ở xã Khánh Thủy chẳng có việc gì làm thêm lúc nông nhàn. Vì vậy, cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ và hai đứa con đang tuổi đến trường thêm khó khăn.
Chẳng riêng chị Vui mà hầu hết phụ nữ xã Khánh Thủy đều chờ đợi một nghề phù hợp sẽ sớm về với bà con để có thêm cơ hội cải thiện cuộc sống. Mong ước của bà con xã Khánh Thủy trở thành hiện thực, khi Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên của huyện đưa nghề về tận nơi để truyền dạy cho bà con.
Nhớ lại ngày tham gia học nghề, chị Vui cho biết: Học nghề ngay tại địa phương có rất nhiều thuận lợi cho người học, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, vừa có thể lo toan chu toàn mọi việc trong gia đình trước khi đến lớp học nghề. Bởi vậy, khi lớp học được tổ chức, đã có rất nhiều chị em đăng ký tham gia học.
Gia đình chị Bùi Thị Vui cũng là một trong những gia đình tích cực làm nghề sau khi được đào tạo. Nếu làm việc chăm chỉ thì mỗi tháng chị Vui cũng có thêm 2 triệu đồng từ nghề đan bèo bồng. ở nhà quê, có thêm 2 triệu đồng/tháng cũng là nguồn thu đáng kể cải thiện cuộc sống.
Đồng chí Đỗ Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Khánh Thủy cho biết, thời gian qua, xã Khánh Thủy đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào công tác xóa đói, giảm nghèo, trong đó tích cực tuyên truyền nhằm làm thay đổi nhận thức của nhân dân về công tác giảm nghèo, từ đó khơi dậy được tinh thần tự lực, tự giác tham gia các hoạt động giảm nghèo. Hướng giảm nghèo hiệu quả và bền vững nhất chính là tạo việc làm cho người nghèo, từ đó duy trì nguồn thu nhập ổn định từ nghề đã học, giúp người nghèo cải thiện cuộc sống.
Theo đó, xã đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và Công ty TNHH Thành Hóa đưa vào dạy nghề đan bèo bồng cho lao động tại địa phương. Lớp dạy nghề lưu động này được bà con hào hứng tham gia, Bởi lẽ, đây là nghề thủ công, phù hợp với trình độ và bà con có thể tranh thủ làm nghề mọi lúc, mọi nơi. Dưới hình thức "cầm tay chỉ việc", các giảng viên đã hướng dẫn cách làm các mặt hàng từ đơn giản đến hàng có yêu cầu kỹ thuật cao…
Khi mới bắt đầu thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thay vì tìm và đưa về những nghề mới với nhiều rủi ro thì xã Khánh Hồng lại lựa chọn chính nghề truyền thống của địa phương để truyền dạy. Dạy nghề cho những người đã biết nghề, đó là câu chuyện tưởng chừng như nghịch lý, song đã chứng minh được hiệu quả rất thiết thực.
Bà Chu Thị Kiên, một nghệ nhân làng nghề truyền thống Bình Hòa và cũng là giáo viên truyền nghề cho chính lao động ở xã mình nhớ lại: Khi địa phương tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào lớp học nghề, nhiều người đã không hưởng ứng vì cho rằng bản thân mình đã biết nghề.
Tuy nhiên, việc tổ chức lớp học ngay tại địa phương, thậm chí hướng dẫn trực tiếp theo từng nhóm người lao động làm việc tại nhà đã dần thu hút sự hưởng ứng của nhân dân địa phương. Trong quá trình học, người dân không chỉ được các nghệ nhân hướng dẫn, nâng cao kỹ thuật làm nghề mà còn được cập nhật những mẫu mã mới, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và đặc biệt là đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Cứ như vậy, trung bình mỗi năm, xã Khánh Hồng phối hợp đào tạo cho từ 50-60 lao động nông thôn, trong đó có sự phân hóa rõ đối tượng đã biết nghề để đào tạo nâng cao và dạy nghề mới cho lao động chưa biết nghề. Vì vậy, chất lượng các lớp học đều đáp ứng yêu cầu đề ra. Đến nay, nghề đan cói, bèo bồng ở Khánh Hồng tuy là nghề phụ nhưng đã trở thành nguồn thu nhập chính cho người dân trong xã.
Ông Phạm Văn Bắc, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Khánh cho biết: Trong 10 năm thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ, có nhiều giai đoạn công tác đào tạo nghề gặp khó khăn.
Tuy vậy, một cách làm hiệu quả đã được địa phương triển khai, nhân rộng đó là dạy nghề lưu động. Nghĩa là các lớp đào tạo nghề được tổ chức linh động, đưa về địa phương, cơ sở sản xuất, người lao động không phải đi xa và tăng được thời gian thực hành, rèn luyện kỹ năng nghề.
Trong 10 năm qua, toàn huyện đã bồi dưỡng và cấp chứng nhận dạy nghề cho 20 người, trong đó có những nghệ nhân để họ trực tiếp đi dạy nghề cho lao động tại các địa phương trong và ngoài huyện. Với cách làm hiệu quả đó, từ năm 2010-2019, toàn huyện đã đào tạo nghề cho 3.850 lao động nông thôn. Khảo sát sau đào tạo cho thấy, tổng số lao động có việc làm khoảng 2.783 người, chiếm tỷ lệ trên 75%, vượt mục tiêu của đề án.
Một số nhóm nghề đạt hiệu quả cao như: Nhóm nghề đan cói, bèo bồng, bẹ chuối… lao động có việc làm sau dạy nghề đạt tỷ lệ cao, thu nhập 40-50 nghìn đồng/ngày công, nếu tận dụng được nguyên liệu tại chỗ thì ngày công đạt từ 60- 70 nghìn đồng; nghề may công nghiệp thu nhập bình quân đạt từ 150-200 nghìn đồng/ngày công.
Qua đào tạo nghề, người lao động cũng đã đổi mới cách làm ăn, mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc tìm được việc làm mới có thu nhập cao hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống và tích cực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương theo tiêu chí nông thôn mới.
Bài, ảnh: Đào Hằng