Một sản phẩm, nhiều nhà sản xuất
Bước vào vụ đông xuân 2011-2012, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp & PTNT… huyện Yên Khánh đã lập dự án sản xuất lúa chất lượng cao hàng hóa theo mô hình "Cánh đồng mẫu lớn".
Mục tiêu chung của dự án là: Hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, đưa giá trị tăng từ 1,2-1,3 lần so với cấy lúa đại trà, góp phần xây dựng cánh đồng 120-130 triệu đồng/ha. Từng bước điều chỉnh tiêu chí xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo hướng GAP, xác định bộ giống xuất khẩu cho từng cánh đồng có quy mô diện tích phù hợp với cánh đồng mẫu lớn, có khả năng đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Mục tiêu cụ thể là: Từng bước hình thành tập quán, hình thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung. Năm 2012 hình thành những vùng sản xuất lúa chất lượng cao hàng hóa tập trung, quy mô 700 ha/vụ và mở rộng qua các năm. Từ thực tiễn đánh giá rút kinh nghiệm và hoàn thiện mô hình sản xuất theo tiêu chí của "Cánh đồng mẫu lớn", Yên Khánh đã bố trí 7 vùng sản xuất theo mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" tại: Khánh Nhạc, Khánh Cư, Khánh Hải, Khánh Vân, Khánh Mậu, Khánh Hội, Khánh Thủy.
Tiêu chí của mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" là vùng sản xuất tập trung, có diện tích phải từ 100 ha trở lên; gieo trồng cùng loại giống cây trồng, đồng trà; áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật trong sản xuất; đưa cơ giới hóa vào các khâu làm đất, gieo trồng, thu hoạch; phối hợp với các doanh nghiệp thu mua sản phẩm sau thu hoạch cho người nông dân.
Báo cáo kết quả triển khai mô hình"Cánh đồng mẫu lớn" của UBND huyện Yên Khánh cho biết: Đây là vụ thứ nhất của năm đầu tiên, huyện triển khai thực hiện mô hình "Cánh đồng mẫu lớn". 7 vùng được triển khai ở 7 xã trên với tổng diện tích đạt được là 790 ha (đạt 113% kế hoạch) và có tới 5.501 hộ tham gia, cụ thể: Khánh Cư có 843 hộ, Khánh Vân 758 hộ, Khánh Hải 879 hộ, Khánh Nhạc 1.015 hộ, Khánh Hội 735 hộ, Khánh Mậu 685 hộ, Khánh Thủy 586 hộ.
Kết quả đạt được bước đầu
Ngay từ những ngày đầu của năm kế hoạch 2012, UBND huyện Yên Khánh đã triển khai lập dự án xây dựng mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" trên địa bàn huyện và trình UBND tỉnh phê duyệt. Ngày 18-1-2012, UBND tỉnh đã có Quyết định 61/QĐ-UBND phê duyệt dự án, kèm theo đó là cơ chế, chính sách hỗ trợ và tổ chức triển khai dự án. Huyện ủy, HĐND huyện có Nghị quyết chuyên đề tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dự án; UBND huyện thành lập Ban quản lý dự án và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, các phòng, ban và triển khai kế hoạch thực hiện. Đảng ủy 7 xã nằm trong dự án cũng có Nghị quyết chuyên đề và chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện…
Đồng chí Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện cho biết: Công tác khảo sát địa bàn, lập quy hoạch vùng thực hiện đã được triển khai ngay từ khi lập dự án. Từ ngày 10-2, huyện bố trí các cán bộ kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trạm BVTV, Khuyến nông tổ chức 12 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao cho cán bộ xã, HTX và người dân tham gia dự án. Theo đó giống lúa được đưa vào các vùng thực hiện mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" là giống QR1. Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang là doanh nghiệp có trách nhiệm cung ứng giống lúa phục vụ triển khai dự án.
Toàn bộ diện tích trong dự án được gieo cấy ở trà xuân muộn với hình thức gieo sạ được thực hiện ở Khánh Hải 100 ha, Khánh cư 40 ha, số còn lại gieo mạ và cấy theo hình thức truyền thống. 100% diện tích trong vùng dự án đã được các HTX nông nghiệp tổ chức làm đất bằng máy, đảm bảo được chất lượng và thời vụ.
Xã Khánh Hải, Khánh Cư đã áp dụng hình thức gieo vãi giảm được 1 công cấy/sào (tương đương với 27 công/ha), giảm được chi phí, chủ động được thời vụ và đẩy nhanh được tiến độ sản xuất. Các hộ nông dân tham gia dự án đã tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT vào khâu chăm sóc, BVTV: Sử dụng phân bón NEB-26 thay thế 50% lượng đạm urê, đồng thời hạn chế được sâu bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe nhân dân; chăm sóc, bón phân đúng theo quy trình kỹ thuật; chỉ phun thuốc phòng trừ sâu bệnh khi tới "ngưỡng"…
Do được gieo cấy đồng trà, cùng giống nên thời gian thu hoạch lúa tập trung và có điều kiện để đưa cơ giới hóa vào khâu thu hoạch nhằm giải phóng nhanh đồng ruộng; thay thế sức lao động, tiết kiệm chi phí và hao hụt trong quá trình sản xuất. Đã có 22 máy gặt đập liên hợp tham gia thu hoạch lúa với 1 máy thay thế khoảng 75 lao động, tiết kiệm chi phí trong khâu thu hoạch khoảng 2.700.000 đồng/ha. Năng suất lúa thực thu trong vùng đạt từ 230-260 kg/sào (tương đương 64-72 tạ/ha), cao hơn so với sản xuất đại trà khoảng 10% mà điển hình là ở vùng Khánh Thủy, Khánh Mậu, Khánh Nhạc…
Tính toán sơ bộ, các vùng thực hiện "Cánh đồng mẫu lớn" của huyện đã tạo ra được khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, tập trung với sản lượng ước đạt 5.450 tấn. Khi thực hiện mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" áp dụng cùng quy trình kỹ thuật, sử dụng đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo cấy đến thu hoạch đã giảm chi phí sản xuất từ 3.700.000-4.6000.000 đồng/ha (nếu gieo vãi giảm ở khâu cấy 1.960.000 đồng/ha; phân bón giảm được 1.230.000 đồng/ha; khâu thu hoạch giảm được 2.700.000 đồng/ha; phòng trừ sâu bệnh giảm được 280.000 đồng/ha…). Thu nhập của người nông dân tham gia mô hình cao hơn so với sản xuất đại trà từ 7.200.000-7.900.000 đồng/ha, tăng khoảng 18%; tạo được khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cho xã hội…
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" với việc sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao là cơ sở và điều kiện tiền đề để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và là một trong các giải pháp nhằm thực hiện tiêu chí phát triển kinh tế trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã và đang được triển khai ở các vùng quê. Mô hình là biểu hiện cụ thể, sinh động về việc tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ KHKT mới vào trong sản xuất với kết quả là giải phóng sự lao động nặng nhọc cho người nông dân, giải quyết được tình trạng thiếu hụt nhân lực lúc mùa vụ, giảm được chi phí trong sản xuất.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai thực hiện mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" cũng cho thấy những khó khăn, tồn tại cần giải quyết, như nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhất là người dân còn hạn chế. Số lượng hộ gia đình tham gia dự án lớn, tư tưởng sản xuất tư hữu, nhỏ lẻ vẫn còn; có một số hộ chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật cơ sở còn thiếu và yếu về kinh nghiệm. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Giao thông, thủy lợi… vùng thực hiện dự án chưa hoàn chỉnh, chưa đáp ứng được việc đưa cơ giới vào sản xuất. Chưa gắn kết được doanh nghiệp với mô hình sản xuất trong việc thu mua, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, chủ yếu sản phẩm sản xuất ra, họ tự tiêu thụ trên thị trường.
Đinh Chúc