Anh Phạm Văn Châm, xã Khánh Hồng (Yên Khánh) cho biết: Từ năm 2014 đến nay, bằng nguồn vốn tự có và một phần vốn vay, anh đã đầu tư mua 2 máy làm đất cỡ lớn, mỗi vụ đã làm khoảng 100 mẫu ruộng cho nhân dân trong xã và các xã lân cận; 2 máy gặt đập liên hợp hiệu Kobuta và mỗi vụ đã thực hiện thu hoạch được vài trăm ha; 2 máy cấy hiệu Kobuta, cùng trên 5.000 khay nhựa gieo mạ...
Tổng kinh phí đầu tư mua các loại máy và phương tiện trên lên đến hơn 1 tỷ đồng. Anh cũng cho rằng: Trong các năm gần đây, sản xuất nông nghiệp đã có bước tiến triển nhanh, nhờ việc đưa máy móc, phương tiện vào thay thế sức người. Khâu làm đất và khâu thu hoạch gần như đã được cơ giới hóa hoàn toàn. Riêng khâu gieo cấy vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập.
Trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số mô hình máy cấy được thử nghiệm, nhưng xem ra vấn đề khó khăn và bất cập nhất là ở khâu mạ (mạ gieo phải đồng đều, cứng cây và được gieo trên các khay nhựa để dễ di chuyển và đưa vào máy); chỉ riêng công việc gieo mạ, khi vào vụ gia đình đã phải thuê hơn 10 người.
Theo đồng chí Trần Ngọc Diệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Yên Khánh: Để đưa được máy móc vào đồng ruộng, thực hiện cơ giới hóa các khâu trong sản xuất... công việc đầu tiên và tiên quyết là phải thực hiện dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang lại đồng ruộng.
Những ô, thửa nhỏ của cùng hộ, gia đình được dồn đổi lại thành những khu ruộng, mảnh rộng lớn; đường giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương tưới tiêu, bờ vùng, bờ thửa được chỉnh trang, mở mang, cải tạo, xây mới phù hợp và thuận tiện hơn cho các loại máy xuống đồng.
Dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang lại đồng ruộng còn là cơ sở để cho các hộ gia đình và HTX chuyển đổi phương thức canh tác trong nông nghiệp, nâng cao năng suất, giá trị và hiệu quả.
Tính đến giữa năm 2015, huyện Yên Khánh đã có 774 máy làm đất cỡ nhỏ (9-15 mã lực); 105 máy làm đất loại trung (16-30 mã lực); 65 máy làm đất loại lớn (trên 30 mã lực); gần 100 máy gặt đập liên hợp; 289 máy tuốt lúa; 111 xe ô tô vận chuyển; 36 máy bơm vô ống; 356 máy bơm dầu; 4 lò sấy lúa.
Kết quả điều tra trên địa bàn huyện cho thấy: ở khâu tưới tiêu, các loại máy bơm và hệ thống tưới tiêu chủ yếu do Nhà nước và các HTX đầu tư, xây dựng, mua sắm; các loại máy làm đất, gặt đập, cấy... hầu hết là do hộ gia đình hoặc tổ chức tự bỏ tiền ra mua về làm dịch vụ cho nhân dân; chủng loại máy làm đất cỡ nhỏ vẫn là chủ yếu trong khi yêu cầu của sản xuất đang cần những loại máy cỡ lớn; máy gặt đập liên hợp đa phần có xuất xứ từ Trung Quốc (giá rẻ, nhưng lại nhanh hỏng); máy cấy chưa có...
Đặc biệt hơn nữa là trên địa bàn huyện đã có 4 lò sấy lúa của các HTX và doanh nghiệp đầu tư xây dựng với công suất 10 tấn/mẻ/lò; giải quyết được phần nào khâu phơi thóc vốn trước đây chỉ nhờ vào nắng trời, gặp những ngày mưa, bão lúa thu hoạch về dễ bị ẩm mốc, hư hỏng. ở khâu gieo cấy, nông dân và các HTX trong huyện đang tích cực áp dụng biện pháp gieo thẳng không chỉ giảm chi phí (công, giống) trong sản xuất mà năng suất, sản lượng vẫn cao.
Ông Nguyễn Văn Oánh, xóm Chùa (Khánh Nhạc) cho biết: Sản xuất nông nghiệp (cụ thể là gieo cấy lúa) ở địa phương hiện nay nhàn và sướng hơn nhiều so với trước đây; từ khâu làm đất đến thu hoạch và phơi sấy đều có thể sử dụng bằng máy.
Ở HTX Hợp Tiến (Khánh Nhạc) hầu hết các khâu trong sản xuất lúa đã có máy làm thay sức người nên giá trị và hiệu quả trong sản xuất cao, nông dân yên tâm, gắn bó với đồng ruộng.
Có thể thấy hầu hết các khâu trong sản xuất lúa của huyện đã có máy thực hiện: Khâu làm đất đạt tới 95% diện tích được cơ giới hóa; khâu cấy với biện pháp gieo thẳng coi như cũng đã được cơ giới hóa, hơn nữa một số nơi đã sử dụng máy cấy; khâu gặt đạt 70-90%; khâu phơi sấy bước đầu đã có các lò sấy nông sản.
Tuy nhiên, đi sâu vào từng địa phương và từng khâu thì mức độ và tỷ lệ áp dụng máy móc vào sản xuất có khác nhau; một số địa phương vùng sâu, vùng xa kinh tế khó khăn nên số lượng các loại máy còn ít...
Mặt khác, với số liệu thống kê về loại máy hiện có cũng như nhu cầu mua thêm cho thấy: Chủng loại máy làm đất vẫn là chủ yếu, các loại máy khác (gặt đập liên hợp, cấy, bơm nước) chưa nhiều và việc phân bố giữa các vùng miền, địa phương cũng chưa phù hợp.
Hơn nữa, mỗi loại máy chỉ sử dụng trong một công việc hoặc một khâu sản xuất riêng với thời gian ngắn rồi nằm chờ và nếu quá nhiều một loại máy ở một vùng thì sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí, không hiệu quả...
Nên chăng, cần có việc điều tra nắm chắc tình hình, chủng loại máy móc hiện có ở từng địa phương; khảo sát kỹ nhu cầu về từng loại máy, chủng loại máy... để có kế hoạch mua máy cho phù hợp và sử dụng hiệu quả.
Đinh Chúc